Nghiên cứu: 6 tháng trong không gian gây loãng xương bằng 20 năm trên Trái Đất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới cho thấy, các phi hành gia làm việc trong không gian vũ trụ 6 tháng có mức độ loãng xương tương đương hai thập kỷ trên Trái Đất, và phần lớn trong số đó vĩnh viễn không thể phục hồi.

Các nhà khoa học tại Đại học Calgary (Canada) đã thực hiện một nghiên cứu có sự tham gia của 17 phi hành gia, trong đó gồm 14 nam và 3 nữ với độ tuổi trung bình 47. Họ từng làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) với thời gian kéo dài từ 4-7 tháng.

Kết quả cho thấy, sáu tháng trong môi trường không trọng lực có thể khiến xương bị lão hóa nhanh chóng, tương đương với hai thập kỷ. Sau một năm quay lại Trái Đất, lượng xương phục hồi chỉ bằng một nửa so với trước đó.

Theo bà Leigh Gabel, tác giả chính của nghiên cứu, hiện tượng loãng xương này là do xương vốn được "thiết kế" để chịu trọng lượng khi ở trên Trái Đất. Nếu trong một thời gian dài xương không phải "làm việc", thì nó sẽ bị thoái hóa và suy yếu đến mức không thể phục hồi.

Một ví dụ điển hình là xương ống chân - phần bị tác động lớn nhất khi các phi hành gia ở trong môi trường chân không. Lúc bình thường, phần xương này chịu tải gần như toàn bộ trọng lượng cơ thể.

Ngược lại, xương cánh tay dưới hầu như không bị ảnh hưởng, do vị trí này thông thường không chịu tải trọng của cơ thể, nó không được "thiết kế" để chịu trọng lượng tương tự.

Bà Gabel nói: "Trong khi bay vào vũ trụ, các cấu trúc xương bị mỏng đi, thậm chí một số thanh xương tách rời nhau.

Một khi phi hành gia quay trở lại Trái đất, các liên kết xương khớp còn lại có thể dày lên và cứng hơn, nhưng những phần xương bị tách ra trước đó không thể cấu tạo lại, do đó, toàn bộ cấu trúc xương của phi hành gia thay đổi vĩnh viễn".

Nhóm nghiên cứu cho rằng, tập thể dục và sức bền trên trạm vũ trụ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mất cơ và xương. Các phi hành gia cần cố gắng vận động nhiều hơn so với những gì họ thường làm trên Trái Đất để tăng tỷ lệ phục hồi xương sau nhiệm vụ.

Bà Gabel cho biết: “Liên quan đến tình trạng vi trọng lực ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe, hiện tại chúng ta vẫn còn nhiều thứ chưa biết, đặc biệt là trong các sứ mệnh không gian kéo dài hơn sáu tháng và những hậu quả lâu dài của nó đối với cơ thể”.

Phát hiện này có thể đưa ra một thách thức nghiêm trọng đối với các sứ mệnh lên sao Hỏa của phi hành đoàn trong tương lai.

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy cơ bắp, mắt, não, tim và thậm chí các tế bào đều có thể bị tổn thương do ở lâu trong không gian.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các cơ quan vũ trụ cần chuẩn bị thêm các chế độ huấn luyện, trang thiết bị và dinh dưỡng để giúp các phi hành gia có thể bảo đảm sức khỏe cơ thể. Tập luyện sức bền, nâng tạ hay tập nhảy sẽ là những phương pháp trọng tâm để giảm thiểu hiện tượng loãng xương.

Quang Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: 6 tháng trong không gian gây loãng xương bằng 20 năm trên Trái Đất