Ấn Độ phát hiện được gì mới tại cực Nam của Mặt trăng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàu đổ bộ Vikram và robot thám hiểm Pragyan chỉ còn một tuần để thực hiện nghiên cứu cực Nam của Mặt trăng, bao gồm: trực tiếp đo và phân tích nhiệt độ bề mặt, đo và phân tích hoạt động địa chấn… sau đó sẽ không còn năng lượng.

Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã công bố hai hình ảnh đen trắng của tàu đổ bộ Vikram vào ngày 30/8 đang đứng trên bề mặt Mặt trăng phủ đầy bụi. Một hình ảnh cho thấy hai cảm biến của Vikram đang làm nhiệm vụ trên bề mặt Mặt trăng là: Thí nghiệm vật lý nhiệt bề mặt của Chandra (ChaSTE) và Thiết bị đo hoạt động địa chấn Mặt trăng (ILSA).

Bộ cảm biến ChaSTE của sứ mệnh đã gây chú ý vào đầu tuần này khi thực hiện các phép đo nhiệt độ trên bề mặt Mặt trăng: Chỉ cách bề mặt 8 cm, đất có nhiệt độ đóng băng là âm 10 độ C, trong khi bề mặt Mặt trăng có mức nhiệt 60 độ C do được Mặt trời chiếu sáng.

Đây là các phép đo đầu tiên được thực hiện gần vùng cực Nam bằng một cảm biến đặt trực tiếp trên bề mặt chứ không phải từ quỹ đạo Mặt trăng. Thiết bị này có một đầu dò, khoan sâu 10cm vào lớp đất Mặt trăng mềm để hiểu nhiệt độ của đất thay đổi như thế nào theo độ sâu.

Hình ảnh tàu Vikram với các bộ cảm biến khoa học. Nguồn: ISRO

Theo các nhà khoa học, bề mặt của Mặt trăng có thể trở nên cực kỳ nóng trong hai tuần trăng tròn, vì nó không giống như Trái đất, không được bảo vệ bởi bầu khí quyển dày có khả năng hấp thụ nhiệt của Mặt trời.

Theo NASA, các phép đo từ tàu vũ trụ quay quanh Mặt trăng của họ cho thấy, xung quanh đường xích đạo của Mặt trăng, nhiệt độ có thể lên tới mức 127 độ C vào ban ngày và giảm mạnh xuống âm 173 độ C vào ban đêm.

Vì lý do này, các sứ mệnh của phi hành đoàn lên Mặt trăng phải diễn ra vào lúc bình minh của Mặt trăng khi Mặt trăng ấm lên vừa đủ để con người có thể làm việc trước khi quá nóng.

Ngoài ra, ISRO cho biết sứ mệnh Chandrayaan-3 đã tìm thấy dấu vết của lưu huỳnh trong đất Mặt trăng. Lưu huỳnh trước đây đã được tìm thấy với số lượng nhỏ trong các mẫu được mang đến Trái đất bởi các sứ mệnh Apollo vào những năm 1970, nhưng các nhà khoa học không chắc chắn về mức độ phổ biến của khoáng chất này trên Mặt trăng.

Theo các nhà khoa học, lưu huỳnh trên Mặt trăng có thể đến từ hoạt động kiến tạo trong quá khứ và việc tìm hiểu thêm về nó có thể giúp họ hiểu rõ hơn về quá khứ của Mặt trăng.

Bộ đôi tàu Vikram và robot thám hiểm Pragyan sẽ tiến hành các thí nghiệm trong 14 ngày Trái đất (một ngày Mặt trăng). Hiện Chandrayaan-3 đã đi được nửa chặng đường theo kế hoạch vì cả tàu thăm dò và tàu đổ bộ đều không thể sống sót qua đêm trên Mặt trăng lạnh lẽo, không có ánh sáng Mặt trời.

Pin của cả hai tàu chạy bằng năng lượng Mặt trời không đủ mạnh để duy trì hoạt động của hệ thống khi nhiệt độ giảm mạnh và bóng tối bao phủ bề mặt Mặt trăng.

Vùng cực nam mà Chandrayaan-3 nghiên cứu rất được giới khoa học quan tâm vì nơi đây được cho là chứa một lượng nước đóng băng đáng kể, có thể được chiết xuất và sử dụng để làm nước uống và oxy cho các phi hành đoàn trong tương lai.

Hôm Thứ Hai, robot thám hiểm Pragyan đã được đưa đến gần một miệng núi lửa rộng 4 mét và “sẵn sàng cho chặng đường mới phía trước”, ISRO cho biết. Robot di chuyển với vận tốc chậm, khoảng 10 centimeter/giây để tránh bị hư hỏng do địa hình gồ ghề của Mặt trăng.

Theo Space



BÀI CHỌN LỌC

Ấn Độ phát hiện được gì mới tại cực Nam của Mặt trăng?