Bắc Kinh ra sức khôi phục đất nông nghiệp để ngăn chặn thiếu lương thực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dù là khủng hoảng lương thực hay các biện pháp đối phó với nạn thiếu lương thực, dân thường Trung Quốc luôn là nạn nhân khốn khổ của các chính sách bất nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhằm đối phó với khủng hoảng lương thực, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc giục chính quyền các địa phương chuyển đổi ao cá và vườn cây ăn trái trở lại thành đất trồng lương thực. Động thái này đe dọa sinh kế của nhiều người dân địa phương. Một số người nói rằng họ không được đền bù đầy đủ cho những thiệt hại của mình.

Chiến tranh Nga - Ukraine là nguyên nhân khiến nhiều quốc gia thiếu lương thực thực phẩm trầm trọng; vì cả hai nước đều là các nhà xuất khẩu lúa mì và ngô chủ chốt của thế giới.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc ước tính rằng để duy trì khả năng tự cung tự cấp lương thực, nước này phải có ít nhất 300 triệu mẫu đất canh tác, theo một bài báo xuất bản hồi tháng 2 trên tờ Economic Daily của nhà nước Trung Quốc.

Đáng tiếc là trong nhiều năm qua, ĐCSTQ đã chuyển đổi phần lớn đất nông nghiệp sang làm hồ nuôi cá, xây dựng công trình nhà ở và các dự án sinh nhiều lợi nhuận khác. Gần đây, ĐCSTQ buộc phải quyết định chuyển một số vùng đất trở lại làm nông nghiệp để ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực.

Để đảm bảo quan chức địa phương tuân thủ mệnh lệnh, giới chức cấp trên đánh giá hiệu quả hoạt động của họ dựa vào số lượng đất mà họ có thể chuyển đổi sang đất trồng lương thực. ĐCSTQ theo dõi trực quan tiến trình của địa phương thông qua hình ảnh vệ tinh. Trước áp lực đó, một số chính quyền địa phương cho biết họ đã rút cạn ao cá và san bằng rừng - hành động này hiển nhiên đe dọa sinh kế của dân thường.

Người dân luôn phải chịu tổn thất

Nhiều người dân Trung Quốc không hài lòng với sự lật lọng của ĐCSTQ trong các chính sách sử dụng đất.

ĐCSTQ cho phép cá nhân sở hữu tài sản trên đất, nhưng không cho phép sở hữu đất. Sau khi trả một khoản phí, người dân có thể nhận quyền sử dụng đất trong một thời hạn nhất định. Họ cũng có thể cải tạo khu đất để làm nông nghiệp hay các mục đích khác. Hầu hết người dân vay tiền để có đất và để cải tạo, đầu tư. Người sử dụng đất sẽ mất khoản đầu tư nếu chính quyền quyết định chuyển đổi đất mà không đền bù chi phí họ đã bỏ ra.

Một người sử dụng đất họ Wang ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, nói với The Epoch Times: “Nhiều người trong làng tôi đổ hết tiền đầu tư vào một ao cá lớn. Nhưng chính quyền đã thu hồi đất và lấp ao, phá hủy [sinh kế của] những gia đình đó. Mọi người đã vay hàng triệu nhân dân tệ cho cái ao đó, và mất tất cả chỉ trong một đêm. Chính sách sử dụng đất của chính quyền thường xuyên thay đổi khiến dân thường như chúng tôi phải gánh chịu nhiều tổn thất”.

Ông Wang nói thêm rằng “chỉ có một khoản bồi thường tượng trưng… và không có cơ hội nào để thương lượng với chính quyền. Những người ở dưới đáy xã hội - những người không có quyền lực, không có mối quan hệ và không có tiền - thật là khốn khổ”.

Một người họ Zhang ở tỉnh Giang Tô chia sẻ trải nghiệm tương tự. Ông nói với The Epoch Times rằng chính quyền địa phương thông báo cần phải khôi phục càng nhiều đất nông nghiệp càng tốt. Kết quả là tất cả ao cua, ao tôm, ao cá, đầm sen gần khu vực ông sinh sống đều bị lấp đi.

Bắc Kinh ra sức khôi phục đất nông nghiệp để ngăn chặn thiếu lương thực, khủng hoảng lương thực và các biện pháp đối phó với nạn thiếu lương thực ở Trung Quốc, dân thường Trung Quốc luôn là nạn nhân khốn khổ của các chính sách bất nhất về đất đai của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Những người nông dân hái lá chè tại một đồi chè ở ngoại ô thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 09/03/2007. (Ảnh: China Photos / Getty Images)

Giới chức Trung Quốc cảnh báo về khủng hoảng lương thực

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Đối mặt” (Face-to-Face) của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vào năm 2019, Yuan Longping, một chuyên gia đầu ngành về gạo, đã cảnh báo người dân Trung Quốc về một cuộc khủng hoảng lương thực sắp xảy ra.

“Trung Quốc thiếu lương thực và phải nhập khẩu. Đậu nành được nhập khẩu khoảng 70 - 80 triệu tấn mỗi năm. Hiện tại, đất nước chúng ta vẫn có tiền để mua đồ ăn. Nhưng nếu một ngày nào đó đồ ăn không có đủ để bán, thì đó là chuyện lớn, và người dân sẽ chết đói. Quả là một vấn đề nghiêm trọng”, ông nói.

Trong cuộc họp báo năm 2020 do Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức, Wang Guanghua, Thứ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên, cho biết việc sử dụng đất trồng lương thực để nuôi cá, làm lâm nghiệp và trồng cây ăn quả, bao gồm cả trồng cây con và các thảm thực vật trang trí, nên bị cấm.

Theo Thứ trưởng Wang, ĐCSTQ sử dụng 10 triệu vệ tinh để theo dõi các vùng đất nông nghiệp đang được cải tạo của Trung Quốc. ĐCSTQ cũng có kế hoạch tiến hành các cuộc thanh tra không báo trước và đẩy mạnh nỗ lực điều tra và xử lý những người sử dụng đất bất hợp tác.

Bắc Kinh đối mặt với nhiều vấn đề nan giải

Bất chấp những cố gắng của ĐCSTQ trong việc khôi phục đất trồng lương thực, Trung Quốc phải đối mặt với 3 trở ngại lớn.

Thứ nhất, thu hút và giữ chân nông dân trồng ngũ cốc trên quy mô lớn là việc không hề dễ dàng; vì đây không phải là một công việc sinh lợi. Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2021 bởi Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh cho thấy thu nhập ròng trung bình của nông dân trồng ngũ cốc quy mô lớn chỉ là 32USD/trên một mẫu Anh (tương đương hơn 4000 m2).

Thứ hai, một phần không nhỏ đất canh tác của Trung Quốc không được canh tác. Dữ liệu vệ tinh do tờ Economic Daily công bố hồi tháng 2 cho thấy Trung Quốc chỉ sử dụng 70% diện tích đất canh tác để sản xuất lương thực.

Theo chính sách đất đai của ĐCSTQ, phần lớn diện tích đất canh tác của Trung Quốc đã được chuyển giao cho nông dân và được tái sử dụng cho mục đích công nghiệp và canh tác “phi lương thực”. Chúng bao gồm rừng, vườn cây ăn trái, trà, và các loại thảo mộc, cùng những thứ khác. Do đó, nông dân bản địa buộc phải rời khỏi những khu vực này để tìm việc ở các khu đô thị gần đó.

Một báo cáo do Cơ quan Khảo sát Đất đai Quốc gia Trung Quốc công bố vào tháng 8 năm ngoái xác nhận rằng 18,5 triệu mẫu đất canh tác đã được chuyển đổi thành rừng, và 10,4 triệu mẫu đất để xây dựng cảnh quan từ năm 2009 đến 2019.

Thứ ba, việc ồ ạt chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã làm hư hại đất, khiến đất không còn thích hợp cho việc canh tác cây lương thực. Trong cuộc họp báo diễn ra vào tháng 9/2021, các quan chức ĐCSTQ đã thừa nhận những thiệt hại về chất lượng đất nông nghiệp do những lần chuyển đổi đất gây ra.

Bắc Kinh ra sức khôi phục đất nông nghiệp để ngăn chặn thiếu lương thực, khủng hoảng lương thực và các biện pháp đối phó với nạn thiếu lương thực ở Trung Quốc, dân thường Trung Quốc luôn là nạn nhân khốn khổ của các chính sách bất nhất về đất đai của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Một nông dân Trung Quốc đứng bên ngoài ngôi nhà được xây dựng trên khu đất nông nghiệp. Phía sau là các tòa nhà cao tầng mới xây, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 21/11/2014. (Ảnh: Kevin Frayer / Getty Images)

Nguyên nhân của vấn nạn chuyển đổi đất nông nghiệp ở Trung Quốc

Việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc. Động lực chính đằng sau đó là mục tiêu kinh tế của các chính quyền địa phương.

Để thực thi chính sách của Trung ương ĐCSTQ trong cải cách hệ thống thuế vào năm 1985, các chính quyền địa phương đã tích cực thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa và tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này đã dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng một lượng lớn đất canh tác kể từ những năm 1990. Khoảng 101 triệu mẫu đất đã được sử dụng để xây dựng các công trình vào năm 2019, tăng 21 triệu mẫu Anh (tương đương 26,5%) so với năm 2009.

Thống kê của chính quyền Trung Quốc năm 2021 cho thấy tốc độ biến mất của đất canh tác ngày càng tăng nhanh. Mức giảm trung bình hàng năm của diện tích đất canh tác là hơn 1 triệu mẫu Anh từ năm 1957 đến 1996. Con số này đã tăng lên hơn 1,6 triệu mẫu Anh từ năm 1996 đến 2008; và đạt trên 1,8 triệu mẫu Anh từ năm 2009 đến 2019.

Giới phân tích cảnh báo nếu diện tích đất canh tác của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp với tốc độ hiện tại, trong 10 năm tới, đất trồng lương thực của quốc gia này sẽ giảm xuống dưới 300 triệu mẫu Anh - mức tối thiểu cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực.

Dữ liệu hải quan của Bắc Kinh xác nhận rằng nhập khẩu lương thực thực phẩm của Trung Quốc đã tăng đều đặn từ 39 triệu tấn năm 2008 lên hơn 164 triệu tấn vào năm 2021.

Cuối cùng, dân thường Trung Quốc là những người phải gánh chịu hậu quả của các chính sách sử dụng đất không nhất quán của ĐCSTQ.

Xuân Hoa

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh ra sức khôi phục đất nông nghiệp để ngăn chặn thiếu lương thực