Chuyên gia: Bắc Kinh thúc đẩy chiến tranh nhưng lại đeo mặt nạ ‘kiến tạo hòa bình’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Nga ngày càng bị thế giới cô lập do phát động cuộc xâm lược Ukraine, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc lại giúp đỡ Moscow, từ hợp tác quân sự, kinh tế và chính trị cho đến việc đào tạo các sách lược độc tài.

Ông Anders Corr - một chuyên gia về Trung Quốc, nhà sáng lập Corr Analytics Inc. - tin rằng mục đích chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là thúc đẩy xung đột toàn cầu, làm suy yếu các nhóm dân chủ, và trên hết, lợi dụng tình hình để đạt được tham vọng thống trị thế giới.

Đứng ngoài cuộc để bảo toàn sức mạnh

Ông Corr nói với The Epoch Times vào ngày 08/04 rằng ĐCSTQ “coi cả Nga và Hoa Kỳ là những chướng ngại vật cản trở việc giành quyền bá chủ toàn cầu của họ. Trong nhiều thập kỷ, ĐCSTQ đã thành công trong việc che giấu sức mạnh, và họ sử dụng cả Hoa Kỳ và Nga … để nâng tầm sức mạnh của họ”.

Ông Corr nhấn mạnh: “Nhưng họ chưa bao giờ là một người bạn thực sự của cả hai quốc gia”.

Theo ông Corr, ĐCSTQ dưới thời Tập Cận Bình đang tái áp dụng mánh khóe bảo toàn sức mạnh trong thời chiến, như cố lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông từng dùng ở Thế chiến II - đó là để Quốc dân đảng chịu thương vong nặng nề khi chiến đấu với quân Nhật.

“Mao sau đó đã giành chiến thắng vào năm 1949 trước một Quốc dân đảng đã suy yếu. Ông Tập rõ ràng đang cố gắng đi theo chiến lược của Mao trên cấp độ toàn cầu”, ông Corr nói.

“Có bằng chứng cho thấy rằng chiến lược của Bắc Kinh là thúc đẩy các cuộc xung đột trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Ukraine, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông và Nam Á, trong khi đó, họ đứng ngoài cuộc chiến để bảo toàn sức mạnh. Sau khi cuộc chiến làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh, họ có thể mở rộng quyền lực ở những khu vực đó bằng vẻ ngoài là quốc gia kiến tạo hòa bình”.

Kiểm duyệt Internet

Theo Đài châu Âu Tự do, kể từ khi ông Tập thăm Nga năm 2013, hai bên đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, đặc biệt trong hoạt động kiểm duyệt Internet. Các tài liệu và bản ghi âm bị rò rỉ cho thấy, các quan chức của cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) và cơ quan quản lý truyền thông của Nga đã tổ chức nhiều cuộc họp kín vào năm 2017 và 2019 để tăng cường hợp tác kiểm duyệt mạng.

Ngày 04/07/2017, cuộc họp kín đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga về kiểm duyệt Internet được tổ chức tại Moscow. Ông Alexander Zharov, khi đó là người đứng đầu cơ quan quản lý viễn thông của Nga Roskomnadzor, đã gặp một phái đoàn do ông Ren Xianliang, khi đó là phó cục trưởng của CAC, dẫn đầu.

Các quan chức Nga đã học được từ đối tác Trung Quốc cách phá bỏ VPN, Tor và các công cụ chống kiểm duyệt khác, cách giám sát các nền tảng truyền thông xã hội và cách giải mã dữ liệu mạng. Tháng 07/2017, ông Zharov cũng đề nghị ông Ren chấp nhận việc để nhóm chuyên gia Nga đến Trung Quốc học hỏi Dự án Lá chắn Vàng của Bắc Kinh - hệ thống giám sát, kiểm duyệt và ngăn chặn Internet toàn diện.

Chuyên gia: Bắc Kinh thúc đẩy chiến tranh nhưng lại đeo mặt nạ ‘kiến tạo hòa bình’
Người dân Trung Quốc sử dụng Internet, ở Bắc Kinh, ngày 03/06/2009. Hoạt động kiểm soát Internet ở Trung Quốc thuộc hàng nghiêm ngặt nhất thế giới, theo một báo cáo nhân quyền năm 2014 của Freedom House. (Ảnh: Liu Jin/AFP/Getty Images)

Đổi lại, trong Hội nghị Internet Thế giới được tổ chức tại thị trấn Wuzhen (thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc) vào tháng 10/2019, Roskomnadzor và CAC đã ký một thỏa thuận hợp tác để đối phó với việc lan truyền “thông tin bị cấm”.

Hai tháng sau, viện dẫn thỏa thuận này, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Nga xóa một bài báo có tiêu đề “ông Tập Cận Bình muốn thực hiện đến cùng 'cuộc cách mạng nhà vệ sinh'” của BBC, một bài đăng trên blog thảo luận về chấn thương lưng của ông Tập và một bài viết trên trang web GitHub dạy cách vượt “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc.

“Cuộc cách mạng nhà vệ sinh” là chiến dịch cải thiện các nhà vệ sinh trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là tại các điểm du lịch.

ĐCSTQ cũng yêu cầu Nga chặn trang web của The Epoch Times, theo Đài châu Âu Tự do. Được thành lập tại New York vào năm 2000, The Epoch Times là tờ báo đa ngôn ngữ quốc tế, nổi tiếng với việc vạch trần những tội ác nhân quyền của ĐCSTQ.

Hỗ trợ Nga về ngoại giao, kinh tế, quân sự

Trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, ĐCSTQ đã ủng hộ Nga một cách mạnh mẽ trên phương diện ngoại giao.

Ví dụ, khi ông Lật Chiến Thư - nhân vật quan trọng thứ ba trong ĐCSTQ - đến thăm Nga vào tháng 09/2022, ông ấy phát biểu rằng: “Hoa Kỳ và NATO đã trực tiếp đẩy Nga đến giới hạn, điều này liên quan đến an ninh quốc gia Nga và sự an toàn của người dân nước này” và “Nga đã bị đẩy đến chân tường và họ phải phản công để bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ”.

Ngoài việc chia sẻ công nghệ kiểm duyệt Internet, ĐCSTQ còn hỗ trợ Nga về cả kinh tế và quân sự.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng lên mức 189 tỷ USD vào năm 2022. Tháng 3 năm nay, ông Tập đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow, tái khẳng định mối quan hệ chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc giữa hai quốc gia. Ông Tập và ông Putin đã ký kết 10 văn kiện hợp tác kinh tế.

Theo Wall Street Journal, giới chức Nga tiết lộ rằng hai bên đang xúc tiến kế hoạch xây dựng đường ống thứ hai để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Siberia đến Trung Quốc. Nga cần tăng cường bán khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc để duy trì cuộc chiến ở Ukraine, vì các khách hàng chủ chốt ở châu Âu đã ngừng mua khí đốt tự nhiên của Moscow.

Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác quân sự với Nga. Từ năm 2003 đến năm 2022, hai nước đã tiến hành ít nhất 78 cuộc tập trận quân sự chung, hơn một nửa trong số đó được tổ chức sau năm 2016.

Ông Corr cho biết trên thế giới hiện nay, Hoa Kỳ, châu Âu và Ấn Độ là “ba trung tâm quyền lực lớn của nền dân chủ toàn cầu”. ĐCSTQ đã nắm được năng lượng và công nghệ giá rẻ từ Nga, và hy vọng sẽ dùng Nga để chống lại phe dân chủ.

Chuyên gia: Bắc Kinh thúc đẩy chiến tranh nhưng lại đeo mặt nạ ‘kiến tạo hòa bình’
Tàu khu trục tên lửa 051C của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đến thành phố cảng Vladivostok của Nga, gần biên giới Bắc Triều Tiên, ngày 18/09/2017. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Mục tiêu: Lấp vào khoảng trống quyền lực

“Nếu Nga chiến đấu với Hoa Kỳ và châu Âu, từ đó khiến cả ba cùng suy yếu, thì Trung Quốc sau đó sẽ phát triển để lấp vào khoảng trống quyền lực”, ông Corr nói.

Ông hy vọng người Nga sẽ nhận ra mối nguy hiểm trước mắt và hành động kịp thời.

“Người Nga cần ngẫm nghĩ về sự hợp tác ngày càng tăng giữa ông Putin với ông Tập và lo lắng cho tương lai của họ. Họ nên đưa ông Putin rời khỏi vị trí quyền lực, vì cuộc chiến mà ông ấy đã tạo ra và vì tầm kiểm soát ngày càng gia tăng của ông ấy đối với xã hội dân sự Nga”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Bắc Kinh thúc đẩy chiến tranh nhưng lại đeo mặt nạ ‘kiến tạo hòa bình’