Bắc Kinh trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những hạn chế nặng nề mà Bắc Kinh áp đặt lên mối quan hệ tương tác giữa quan chức và doanh nghiệp sẽ gây rắc rối cho doanh nghiệp và gây thêm tổn hại cho nền kinh tế.

Tân Hoa Xã đưa tin, Trung Quốc tuyên bố sẽ trấn áp sự thông đồng giữa các quan chức và doanh nghiệp.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ ba ngày 8/1 của cơ quan chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng việc trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp là “ưu tiên thiết yếu và hàng đầu”, và đặc biệt, nỗ lực cần được tăng cường để “trừng phạt những người đưa hối lộ”, theo Tân Hoa Xã.

Các nhà bình luận suy đoán rằng việc ưu tiên ổn định chính trị hơn tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng có chọn lọc có thể gây lo lắng cho các doanh nghiệp tư nhân và buộc các quan chức phải áp dụng cách tiếp cận thụ động. Điều này có thể làm trầm trọng thêm những rắc rối kinh tế, có khả năng dẫn đến sự sụp đổ của Bắc Kinh.

Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc Vương Hách (Wang He), đã nói chuyện với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung vào ngày 10/1, nhấn mạnh rằng sự thông đồng giữa chính quyền và doanh nghiệp của Trung Quốc được dẫn dắt bởi chính quyền, chứ không phải khu vực kinh doanh.

Đối với lĩnh vực kinh doanh mà ông Tập đề cập, ông Vương tin rằng các doanh nghiệp trung ương và nhà nước là trọng tâm ưu tiên của ông Tập. Ông nói: “Các biện pháp chống độc quyền của chế độ nhằm ngăn chặn việc mở rộng vốn không được kiểm soát trong những năm gần đây chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân và các nhân vật nổi tiếng như Jack Ma, khi mà ảnh hưởng chính trị của ông này đã bị vô hiệu hóa một cách hiệu quả”.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư về môn Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết ông Tập Cận Bình trước đó nhấn mạnh đến việc đối phó với việc mở rộng các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm những nhân vật như Jack Ma và Pony Ma. Trọng tâm là kiềm chế những nhân vật có ảnh hưởng này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân tạo thành một nhóm lớn. Do đó, một sáng kiến chống tham nhũng mới đã xuất hiện, cho thấy ý định xử lý nhiều vấn đề hơn trong lĩnh vực này.

Bắc Kinh trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp
Ông Jack Ma, đồng sáng lập và cựu chủ tịch điều hành của Tập đoàn Alibaba, phát biểu trong Hội nghị CEO toàn cầu của Forbes tại Singapore vào ngày 15/10/2019. (Ảnh: Roslan Rahman/AFP qua Getty Images)

Ông Phùng cho biết: “Các nhiệm vụ và khẩu hiệu mới của ông Tập được thiết kế để trấn áp một cách có hệ thống các mục tiêu của ông ấy”.

Ông Kao Wei-pang, người sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Đầu tư vào Trung Quốc của Đài Loan, tin rằng các “doanh nghiệp” bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.

“Tuy nhiên, nói một cách chính xác thì doanh nghiệp nhà nước không phải là đơn vị thương mại thuần túy; họ vốn đã nắm giữ quyền lực nhà nước. Nếu không có đặc quyền, về cơ bản họ không thể cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân”, ông Kao nói.

Ông Kao, nạn nhân của những hành vi bất công và tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, từng đầu tư và vận hành một nhà máy sản xuất ở tỉnh Hà Bắc. Một trong những nhân viên địa phương của ông đã giả mạo chữ ký của ông Kao trên các giấy tờ bảo lãnh để lừa đảo vay một khoản tiền lớn. Ông đã mất tất cả và không tìm được cách đối phó với sự bất công.

Gây rắc rối cho các doanh nghiệp tư nhân

Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 60% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Trước những thách thức kinh tế, chính quyền đã tuyên bố hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân và triển khai một loạt biện pháp vào năm 2023, chẳng hạn như “31 Hướng dẫn dành cho doanh nghiệp tư nhân” vào tháng 7, “28 sáng kiến thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân” vào tháng 8, “22 biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” vào tháng 9 và “25 biện pháp” do ngân hàng trung ương và 7 cơ quan khác cùng ban hành vào tháng 11.

Bắc Kinh cũng rêu rao rằng “Ban Chấp hành Trung ương Đảng duy trì lập trường kiên định trong việc hỗ trợ nền kinh tế tư nhân”, khẳng định “đường lối chính sách của đảng ủng hộ sự phát triển của nền kinh tế tư nhân”.

Nhiều chính quyền địa phương cũng ban hành danh sách các hành vi tiêu cực để điều chỉnh hành vi của quan chức khi làm việc với doanh nhân. Mục tiêu chính là xác định ranh giới cho sự tương tác giữa các quan chức đảng và khu vực doanh nghiệp.

Ví dụ, tại thủ đô Bắc Kinh, chính quyền đã liệt kê 10 loại hành vi sai trái của quan chức, bao gồm chỉ thực hiện một phần chính sách, bỏ bê nhu cầu của doanh nghiệp, thực thi pháp luật có chọn lọc, can thiệp trái pháp luật, lạm dụng quyền lực, nhận hàng hóa hoặc tiền trái phép, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, làm công việc bán thời gian hoặc có cổ phần trái phép và hình thành bè phái.

Tân Hoa Xã đưa tin, danh sách hành vi tiêu cực của Bắc Kinh “xác định rõ ràng ranh giới để mối quan hệ giữa các quan chức chính phủ và doanh nhân trở nên thân thiết nhưng không có tham nhũng”.

Bắc Kinh trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp
Cảnh sát bán quân sự đứng gác phía nam Đại lễ đường Nhân dân trước phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2023. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) bày tỏ lo ngại về sự mơ hồ của các quy định và khả năng thực thi quy định tùy tiện.

Ông giải thích rằng do ông Tập Cận Bình ưu tiên an ninh chính trị hơn là kinh tế, “cách tiếp cận có chọn lọc để chống tham nhũng” của chính quyền chắc chắn sẽ chỉ gây thêm tổn hại cho nền kinh tế. “Vì các chủ doanh nghiệp tư nhân lo sợ vô tình gây ra rắc rối và các quan chức có thể trở nên e ngại rủi ro hơn, chọn làm ít hơn. Triển vọng của các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc không mấy lạc quan”.

Ông tin rằng những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc xoay quanh các vấn đề như tiếp cận thị trường, tài chính và cạnh tranh công bằng. Ông nói, mặc dù chính quyền đưa ra nhiều biện pháp chính sách, nhưng những yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp tư nhân về “sự công bằng và pháp quyền vẫn chưa được đáp ứng”. “Về cơ bản, đây là một vấn đề mang tính hệ thống và chỉ có việc lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới có thể giải quyết được nó”.

Ông Kao đồng ý rằng những hạn chế nặng nề của ông Tập Cận Bình áp đặt lên hoạt động tương tác chính trị - kinh doanh sẽ gây rắc rối một cách mù quáng cho doanh nghiệp.

“Để hồi sinh nền kinh tế, nó dựa vào các doanh nhân và việc đáp ứng nhu cầu của họ, … nhưng bất cứ khi nào ông Tập Cận Bình có liên quan, cổ phiếu sẽ lao dốc ngay lập tức, giống như Alibaba”, ông nói, đề cập đến tháng 10/2022 khi ông Tập Cận Bình đảm bảo nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba và Tencent đóng cửa giảm hơn 11%.

“Ông Tập Cận Bình và những hành vi đầy tính hỗn loạn của ông ấy đã gây ra tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay”.

Ông Kao tuyên bố rằng ông Tập có khả năng trở thành Tổng Bí thư cuối cùng của ĐCSTQ và đánh dấu sự kết thúc của ĐCSTQ. “ĐCSTQ đã đi đến giai đoạn cuối cùng. Khi tình trạng nợ lương tiếp tục gia tăng và ngày càng có nhiều người thất nghiệp, cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ, tôi nghĩ chúng ta có thể trông cậy vào ông ấy trong việc kết liễu ĐCSTQ”, ông Kao nói.

Sự thông đồng giữa quyền lực và tiền bạc đằng sau Evergrande

Evergrande, gã khổng lồ bất động sản của Trung Quốc, vẫn đang loay hoay với bài toán tái cơ cấu nợ nhằm tránh bị thanh lý tài sản.

Công ty này từng là một doanh nghiệp nổi bật và quan trọng của kinh tế Trung Quốc. Chính từ “thảm cảnh" của Evergrande, nhiều sự thật về sự thông đồng giữa giới quan chức và các doanh nhân Trung Quốc cũng như những mối quan hệ ngầm trong nền kinh tế Trung Quốc đang được phơi bày.

Sau vụ bắt giữ chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn vào tháng 9/2023, mạng xã hội Trung Quốc tràn ngập những tiết lộ về ông trùm này. Ông Hứa được cho là đã thú nhận thông đồng với một số lượng lớn quan chức cấp cao, và ông đã có các giao dịch tài chính bất hợp pháp với những đối tượng này.

Bắc Kinh trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp
Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Evergrande, phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/3/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Nhà bình luận độc lập Gia Cát Dương Minh tin rằng vụ bắt giữ ông Hứa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mở đường cho một cuộc thanh trừng trên diện rộng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, với mục tiêu đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng bất động sản và làm giảm thiểu những chống đối tiềm tàng đối với ông Tập.

Theo kênh YouTube "China Truths", "Việc thừa nhận mối quan hệ của ông Hứa Gia Ấn với các quan chức cấp cao đã gây ra làn sóng chấn động khắp Trung Quốc".

China Truths đưa tin ông Hứa có quan hệ tài chính với nhiều quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tổng cộng, mạng lưới ảnh hưởng bao gồm "19 cá nhân, 88 quan chức cấp tỉnh và hơn 670 quan chức cấp phòng ban và có liên quan đến các giao dịch tài chính với tổng trị giá đáng kinh ngạc là 1,6 nghìn tỷ CNY [nhân dân tệ], khoảng 218,71 tỷ USD".

Ở Trung Quốc, để một công ty trở nên lớn như Evergrande, phải có sự thông đồng giữa quyền lực và tiền bạc đằng sau hậu trường. Các quan chức từ nhiều cơ quan chính phủ khác nhau phải bật đèn xanh cho nó.

Ông Gia Cát Dương Minh nói với The Epoch Times rằng nếu những tiết lộ về các giao dịch bẩn thỉu về tài chính của ông Hứa là sự thật thì các quan chức liên quan ở mọi cấp chắc chắn sẽ cảm thấy bất an và tự hỏi liệu họ cũng đã bị vạch trần hay chưa.

Và nếu những tiết lộ được phơi bày theo lệnh của ông Tập, những quan chức kém may mắn đó rất có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của cuộc thanh trừng chính trị.

Một bài đăng trên mạng bình luận: “Những quan chức lo lắng nhất lúc này là những người đã nhận hối lộ của ông Hứa Gia Ấn nhưng chưa gặp rắc rối”.

Theo một nguồn tin giấu tên ở Trung Quốc hiểu biết về tình hình, “Tất cả thông tin được đăng lên mạng là đúng sự thật, nhưng những gì được biết đến [tương đối] chẳng là gì cả. Rất nhiều điều khác vẫn chưa được công khai. Chúng sốc đến mức người ta không thể chịu đựng được".

Ông Hứa là găng tay trắng?

Ông Hứa được biết đến là “găng tay trắng” cho các nhóm lợi ích của ĐCSTQ, đặc biệt là cho nhân vật chính trị nổi tiếng Tăng Khánh Hồng.

Ở Trung Quốc, “găng tay trắng” là người trung gian tiến hành hoạt động kinh doanh với sự hậu thuẫn của giới tinh hoa ĐCSTQ. Găng tay trắng “làm công việc bẩn thỉu”, cho phép các quan chức ĐCSTQ giữ bàn tay của họ sạch sẽ.

Là một găng tay trắng, rất có thể ông Hứa không ngờ rằng ĐCSTQ sẽ hy sinh ông để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ bất động sản. Tuy nhiên, ông Tập rõ ràng không quan tâm đến việc tuân theo các quy tắc cũ.

Bắc Kinh trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng tham dự phiên họp toàn thể lần thứ hai của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 09/03/2006 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Andrew Wong / Getty Images)

Ông Tăng Khánh Hồng có một gia đình sở hữu Fantasia Holdings Group, một công ty phát triển bất động sản lớn. Ông Tăng chính là đồng minh thân cận của cựu tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Ông là người có công trong việc giúp Giang nắm giữ quyền lực. Trong nhiều năm, ông Tăng là lực lượng chính đứng đằng sau tổ chức, nhân sự của ĐCSTQ và kiểm soát phe thân Giang.

Do mối quan hệ của ông Hứa với ông Tăng, tình hình giờ đây mang một khía cạnh chính trị quan trọng. Sự bảo trợ của ông Tăng đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho ông Hứa leo lên vị trí đáng chú ý. Tuy nhiên, cuối cùng, đó là một trách nhiệm và gánh nặng.

“Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình lo lắng rằng các thế lực chống Tập sẽ liên minh với gia đình Tăng Khánh Hồng, và nếu điều đó xảy ra, ông ấy sẽ còn gặp rắc rối lớn hơn. Đó là lý do tại sao ông ấy muốn nhanh chóng xử lý vụ việc của ông Hứa Gia Ấn và tận dụng cơ hội này để trấn áp gia đình ông Tăng”, ông Gia Cát nói.

Ông Hứa đang ở trong tình cảnh không may. Cựu nhà báo Trung Quốc Li Feng nói với The Epoch Times rằng việc bắt giữ ông Hứa có thể là một bước thụt lùi đối với phe của ông Tăng. Tuy nhiên, thật khó để dự đoán liệu ông Tập có đưa ra hành động trực tiếp chống lại ông Tăng hay không.

Ông Li nói: “Nếu bây giờ Tập Cận Bình động đến lợi ích của ông Tăng Khánh Hồng, chẳng hạn như ông Tăng Khánh Hồng bị điều tra hoặc bị tước đoạt lợi ích của gia đình do chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, thì hai bên có thể rơi vào tình thế thù địch và không thể cùng tồn tại".

Ông nói thêm: “Đồng thời, cả hai đều biết rằng để bảo vệ lợi ích của mình, họ phải duy trì sự cai trị của ĐCSTQ”.

Ông Li nói: “Vì vậy, cuối cùng, cả hai có thể đạt được thỏa hiệp và tạo ra một loại liên minh chính trị nào đó, đồng thời duy trì mối quan hệ hiện tại”. Việc ông Hứa trở thành con dê thế tội có thể là một phần của sự thỏa hiệp đó.

Các câu chuyện về bóng đá và ca múa

Theo một bài báo trực tuyến, ông Hứa đã chi gần 270 triệu CNY (khoảng 37 triệu USD) để thúc đẩy mối quan hệ với Tổng cục Thể thao Trung Quốc và Hiệp hội bóng đá. Ông được cho là đã hối lộ 80 triệu CNY (khoảng 11,14 triệu USD) cho Phó giám đốc cơ quan quản lý thể thao và hối lộ một số quan chức quản lý bóng đá, trong đó có một số người đã bị bắt hồi đầu năm 2023.

Evergrande đã mua Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu với giá 100 triệu CNY vào năm 2010, sau đó đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu Evergrande. Cái tên Evergrande (Hằng Đại) trở thành từ gắn liền với nền bóng đá đang bùng nổ của Trung Quốc khi nước này đổ tiền vào môn thể thao này với hy vọng trở thành cường quốc bóng đá thế giới.

Cho đến gần đây, bóng đá – một sở thích của ông Tập – vẫn là ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc, và các nhà phát triển bất động sản khác cũng theo bước ông Hứa. Theo bài báo của Tạp chí Time ngày 5/10/2023, “sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc không phải là điều ngạc nhiên đối với những ai theo dõi Quảng Châu Evergrande - hay nói rộng hơn là số phận của bóng đá Trung Quốc, vốn từ lâu đã gắn liền với sức khỏe của ngành bất động sản của nước này. Vào năm 2021, 11 trong số 16 đội của CSL thuộc sở hữu của các nhà phát triển bất động sản - và gần như tất cả hiện đều phải đối mặt với khủng hoảng nguồn vốn”. [CSL: giải bóng đá hàng đầu Trung Quốc].

Truyền thông Trung Quốc gần đây cũng xôn xao với những câu chuyện về Đoàn ca múa Evergrande của ông Hứa. Được thành lập vào năm 2010, nhóm biểu diễn có hàng trăm vũ công. Ngân sách hàng năm của nó rất lớn, chỉ riêng tiền lương đã tiêu tốn khoảng 100 triệu CNY (13,7 triệu USD) hàng năm. Những tin đồn cho rằng nhiệm vụ của đoàn kịch không chỉ dừng lại ở việc khiêu vũ; những người biểu diễn được cho là cung cấp “dịch vụ riêng tư" cho các giám đốc điều hành của Evergrande hoặc các quan chức của ĐCSTQ.

Được biết, dù Evergrande đang đối mặt với cơn bão tài chính trong những năm gần đây, cùng với việc cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương đối với nhân viên bình thường, đoàn ca múa vẫn không bị ảnh hưởng.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp