Bản ghi đầu tiên về bộ não người khi đang chết - có biểu hiện của ‘trải nghiệm cận tử'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới và tình cờ của các nhà khoa học thuộc Đại học Louisville, Hoa Kỳ cho thấy sự hồi tưởng về ký ức hay còn gọi là ‘trải nghiệm cận tử' có xảy ra trong não khi chúng ta đang trong thời gian của quá trình chết.

Hãy tưởng tượng chúng ta đang hồi tưởng lại toàn bộ cuộc đời của mình chỉ trong vài giây. Điều đó giống như một tia chớp, chúng ta ở bên ngoài cơ thể mình, theo dõi những khoảnh khắc đáng nhớ mà chúng ta đã trải qua. Quá trình này, được gọi là “hồi tưởng cuộc đời”, còn gọi là ‘trải nghiệm cận tử'.

Điều gì xảy ra bên trong não của chúng ta trong ‘trải nghiệm cận tử' là những câu hỏi khiến các nhà thần kinh học bối rối trong nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới của Tiến sĩ Ajmal Zemmar thuộc Đại học Louisville và các đồng nghiệp trên khắp thế giới với tiêu đề: “Tăng cường tương tác giữa sự gắn kết và khớp nối thần kinh trong bộ não con người đang hấp hối”, được xuất bản trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience, cho thấy rằng não của con người vẫn đang hoạt động trong và sau thời gian cái chết xảy ra, thậm chí nó hầu như còn được lập trình theo một trình tự thời gian nhất định.

Tiến sĩ Ajmal Zemmar. Ảnh: Đại học Louisville

Khi một bệnh nhân 87 tuổi bị lên cơn động kinh, bác sĩ Raul Vicente của Đại học Tartu, Estonia và các đồng nghiệp đã sử dụng điện não đồ liên tục theo dõi các cơn động kinh để điều trị cho bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện bản ghi này, bệnh nhân bị đau tim và qua đời.

Sự kiện bất ngờ này cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên ghi lại được hoạt động của bộ não con người trong thời gian cái chết đang xảy ra.

Những phát hiện chính

Tiến sĩ Zemmar, cũng là bác sĩ giải phẫu thần kinh tại Đại học Louisville, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi đã đo 900 giây cuối cùng về hoạt động của bộ não vào thời điểm ông ấy đang chết và đặt trọng tâm cụ thể để nghiên cứu những gì đã xảy ra trong 30 giây trước và sau khi tim ngừng đập”.

Ông nói: “Ngay trước và sau khi tim ngừng hoạt động, chúng tôi đã thấy những thay đổi trong một dải dao động thần kinh cụ thể, được gọi là dao động gamma, cũng như ở những dải dao động khác như dao động delta, theta, alpha và beta.”

Dao động não thường được gọi là sóng não. Chúng là những mô hình hoạt động của não có nhịp điệu. Có các loại dao động khác nhau, trong đó dao động gamma có liên quan đến chức năng nhận thức cao, chẳng hạn như tập trung, mơ, thiền định, hồi xuất trí nhớ, xử lý thông tin và nhận thức có ý thức, giống như những chức năng liên quan đến hồi tưởng về trí nhớ.

Tiến sĩ Zemmar nói: “Thông qua việc thu thập các dao động não liên quan đến việc hồi xuất trí nhớ, não như đang thực hiện việc hồi tưởng lần cuối về các sự kiện quan trọng trong cuộc đời ngay trước khi chúng ta chết, tương tự như những gì được báo cáo trong ‘trải nghiệm cận tử' mà khoa học xưa nay vẫn nói đến”.

Phát hiện này đặt ra câu hỏi về thời điểm chết thực sự của con người là gì?

Zemmar cho biết: “Những phát hiện này thách thức sự hiểu biết của chúng ta về thời điểm chính xác khi nào sự sống kết thúc và đặt ra những câu hỏi quan trọng tiếp theo, chẳng hạn như những câu hỏi liên quan đến thời điểm có thể hiến tạng”.

“Mỗi con người còn sống đều có lúc phải trải qua việc mất đi một người thân yêu và mỗi người trong chúng ta một ngày nào đó sẽ có trải nghiệm cái chết, vì vậy rõ ràng là cần có sự quan tâm thích đáng. Tôi đã mất ông nội. Tôi đã mất đi người bà mà tôi rất thân thiết”, ông Zemmar nói.

“Và chúng ta tự hỏi, bộ não sẽ làm gì trong thời gian ngắn ngủi của quá trình đó? Là một tiến sĩ trong ngành khoa học thần kinh và bác sĩ giải phẫu thần kinh, chúng tôi cần có những suy nghĩ về những điều này.”

Những phát hiện này cho chúng ta biết điều gì?

Zemmar nói: “Chúng ta có thể phân loại phát hiện này vào ba loại khác nhau để biết chúng ta có thể rút ra điều gì từ việc này”. “Một loại mang tính khoa học hiện thực, một loại mang tính siêu hình triết học và một loại mang tính tâm linh.

“Về mặt khoa học, rất khó giải thích dữ liệu vì chỉ có thể biết rằng não đang bị chảy máu, co giật, sưng tấy – và đó chỉ là một trường hợp bệnh. Vì vậy, chúng ta không thể đưa ra những giả thuyết quá lớn dựa trên những điều nhìn thấy trong trường hợp này.

“Về mặt siêu hình triết học, nếu có những điều này, thật thú vị khi họ cho rằng những cơ chế này - sự hoạt động não bộ xảy ra như khi chúng ta đang hồi tưởng lại trí nhớ, những giấc mơ và như đang trong trạng thái thiền định - chúng hiển hiện lại ngay trước khi chúng ta chết. Vậy có lẽ ai đó đang cho chúng ta sống lại vào những giây cuối cùng khi chúng ta chết.

“Về mặt tâm linh, tôi nghĩ nó có phần xoa dịu sự đau đớn của chúng ta. Tôi thường xuyên phải đối mặt với vấn đề này khi có những bệnh nhân qua đời và tôi cần phải nói chuyện với gia đình họ; khi đó tôi chính là người phải mang tin xấu đến cho họ. Hiện tại, chúng ta không biết điều gì đang xảy ra với bộ não của người thân khi họ sắp chết. Tôi nghĩ nếu chúng ta biết có điều gì đó đang xảy ra trong não họ, rằng họ đang nhớ lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của cuộc đời, chúng ta có thể nói điều đó với những người thân của họ - và điều đó tạo nên cảm giác ấm áp trong khoảnh khắc họ đang gục ngã - điều này có thể giúp ích một chút cho mọi người.

“Ngoài ra, phát hiện này còn mở ra cho tôi một câu hỏi thú vị về việc định nghĩa cái chết. Điều đó đóng một vai trò quan trọng cho những câu hỏi như khi nào thì chúng ta có thể thực hiện các thủ tục hiến tạng? Khi nào chúng ta chết thực sự? Bởi vì qua phát hiện này, chúng tôi biết rằng não bộ vẫn tiếp tục hoạt động khi tim ngừng đập. Có nên ghi lại điện não đồ EEG ngoài điện tâm đồ EKG để tuyên bố tử vong không? Đây là một câu hỏi rất, rất thú vị đối với tôi. Khi nào chính xác là thời điểm chúng ta chết? Có lẽ bây giờ chúng ta đã gõ cửa để bắt đầu thảo luận về thời gian chính xác của trạng thái tử vong.”

Theo Đại học Louisville

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Bản ghi đầu tiên về bộ não người khi đang chết - có biểu hiện của ‘trải nghiệm cận tử'