Phát hiện mới: ‘Bão bức xạ' bí ẩn tàn phá Trái đất không phải do bão Mặt trời gây ra 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học tại Đại học Queensland, Australia đã nghiên cứu vòng tròn gỗ trên thân cây cổ thụ để khám phá về những cơn ‘bão bức xạ’ bí ẩn từ không gian, đã tấn công và tàn phá Trái đất khủng khiếp nhiều lần trong 10.000 năm qua.

Nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm một sinh viên đại học và được dẫn đầu bởi Giáo sư Benjamin Pope từ Trường Toán học và Vật lý của Đại học Queensland. Họ đã phân tích những vòng tròn trên thân cây, từ những cây cổ thụ hàng thiên niên kỷ.

Các nhà nghiên cứu cho biết: các cơn bão bức xạ — được gọi là sự kiện Miyake sau khi nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra chúng — đã xảy ra khoảng mỗi nghìn năm một lần. Các cơn bão bức xạ này đã khiến mức phóng xạ của Trái đất tăng đột biến.

Sự kiện ‘bão bức xạ’ tàn phá Trái đất

Tổng cộng, 6 sự kiện Miyake đã được xác định một cách đáng tin cậy trong dữ liệu lấy từ các vòng tròn của thân cây. Các nhà khoa học phân tích và xác định, các sự kiện đó đã xảy ra vào các năm 7.176 TCN, 5.410 TCN, 5.259 TCN, 660 TCN, 774 CE và 993 CE.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn không biết nguyên nhân gây ra chúng hoặc làm thế nào để dự đoán sự xuất hiện của chúng và các sự kiện có thể gây ra những tác động tàn phá trên Trái đất.

“Từ trước đến nay, mọi người vẫn đưa ra giả thuyết hàng đầu, cho rằng các sự kiện tàn phá Trái đất này là do những cơn bão Mặt trời khổng lồ gây ra”, giáo sư Pope nói trong một công bố về nghiên cứu trên trang web của trường.

Ông nói tiếp: “Chúng ta cần biết thêm nhiều hơn, vì nếu một trong những sự kiện như thế này xảy ra ngày hôm nay, nó sẽ phá hủy các thiết bị công nghệ bao gồm vệ tinh, cáp internet, đường dây điện đường dài và máy biến áp. Ảnh hưởng đối với cơ sở hạ tầng toàn cầu sẽ là không thể tưởng tượng được”.

‘Bão bức xạ’ tạo ra dấu ấn trên vòng tròn thân cây

Khi các sự kiện bão bức xạ xảy ra, các tia bức xạ đi vào bầu khí quyển và tạo ra carbon-14, một đồng vị phóng xạ của carbon, hiếm khi được tìm thấy khi so sánh với carbon không phóng xạ.

Carbon-14 sau đó được thấm vào không khí, đại dương, thực vật và động vật, và tạo ra các dấu ấn về bức xạ trên các vòng tròn thân cây vào năm đó.

Các nhà nghiên cứu quyết định chuyển sang nghiên cứu những dấu ấn trên vòng tròn gỗ ở các thân cây này và phân tích dữ liệu về các sự kiện vũ trụ về bão bức xạ trong lịch sử.

‘Bão bức xạ’ không liên quan tới bão Mặt trời

Qingyuan Zhang, một sinh viên toán đại học tại Đại học Queensland, người đã phát triển phần mềm để phân tích các vòng tròn gỗ nói: “Chúng tôi đã lập mô hình chu trình carbon toàn cầu để tái tạo lại quá trình trong khoảng thời gian 10.000 năm, để có được cái nhìn sâu sắc về quy mô và bản chất của Sự kiện Miyake”.

Các nhà nghiên cứu cho biết họ nhận thấy thời gian của các đợt bão Mặt trời không phù hợp với thời gian của các sự kiện bức xạ hiển thị dấu ấn trên vòng tròn thân cây cổ thụ.

“Chúng tôi đã chứng minh rằng các Sự kiện Miyake trong quá khứ không tương quan với hoạt động của vết đen mặt trời, và một số sự kiện đã thực sự tồn tại trong một hoặc hai năm”, Zhang nói. “Thay vì chỉ là một vụ nổ hoặc bùng phát bão Mặt trời tức thời, những gì chúng tôi đang thấy là một loại ‘cơn bão’ hoặc sự bùng nổ của vật lý vũ trụ”.

Sự kiện ‘bão bức xạ’ khá đáng báo động hiện nay

Nghiên cứu đã được xuất bản trong Kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia A: Khoa học Vật lý và Kỹ thuật Toán học vào ngày 26 tháng 10. Các nhà khoa học đã nói rằng dựa trên dữ liệu hiện tại, có khoảng 1% cơ hội cho thấy rằng một sự kiện Miyake khác sẽ xảy ra trong vòng 10 năm tới.

Zhang nói: “Chúng tôi không biết làm thế nào để dự đoán sự kiện hoặc những tác hại mà bão bức xạ có thể gây ra cho Trái đất và nhân loại. Nhưng sự kiện này khá đáng báo động và đặt nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn".

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện mới: ‘Bão bức xạ' bí ẩn tàn phá Trái đất không phải do bão Mặt trời gây ra