Báo cáo: Chế độ Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở dữ liệu mống mắt quy mô lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 14/12 năm nay, “Citizen Lab”, tổ chức chuyên nghiên cứu về bảo mật kỹ thuật số của Canada, cho biết cảnh sát Trung Quốc đang thu thập dữ liệu mống mắt của người dân ở tỉnh Thanh Hải. Theo phân tích, Bắc Kinh muốn giám sát người dân Trung Quốc hơn nữa và các thủ đoạn của họ ngày càng cực đoan.

Mống mắt là khu vực có màu (với người Châu Á thường là màu đen hoặc nâu) và đồng tử (con ngươi) ở trung tâm. Mống mắt còn được gọi là tròng đen, được bao quanh bởi củng mạc màu trắng (tròng trắng).

"Citizen Lab" đã thu thập tất cả bài báo công khai có liên quan từ ngày 8/1/2022 đến ngày 26/9/2022. Trong đó nêu chi tiết rằng cảnh sát Trung Quốc đã thu thập dữ liệu mống mắt của 1,2 triệu đến 1,4 triệu người ở ba khu vực của tỉnh Thanh Hải (tỉnh này có dân số 5,9 triệu người).

Ông Desen, chủ tịch của một công ty công nghệ cao ở Nhật Bản, nói với The Epoch Times vào ngày 18/12 rằng, công nghệ quét mống mắt chủ yếu được sử dụng để xác nhận thông tin cá nhân, có thể đối ứng chính xác với từng người một. Bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiếu tính hợp pháp trong việc cầm quyền, vì vậy nó rất lo sợ dân chúng và lo lắng cho quyền lực của chính mình, do đó nó muốn theo dõi và kiểm soát người dân bằng mọi cách.

Theo ông, Tân Cương và Thanh Hải chỉ là nơi thí điểm, một khi chế độ này nhắm thấy khả năng thành công cao, hoặc phương thức giám sát qua điện thoại di động không còn đủ mạnh để theo dõi tất cả những người bất đồng chính kiến, nó nhất định sẽ phổ biến biện pháp này ra toàn Trung Quốc.

Công an Thanh Hải mở hội nghị về công nghệ quét mống mắt

Trên thực tế, khi kế hoạch thu thập dữ liệu mống mắt quy mô lớn bắt đầu được triển khai ở tỉnh Thanh Hải vào tháng 3/2019, công an ĐCSTQ đã tổ chức hội nghị ở thành phố Hải Đông và báo cáo chuyên sâu về vai trò của công nghệ nhận dạng mống mắt. Tại hội nghị, các diễn giả mô tả rằng tình hình an ninh Trung Quốc ngày càng bất ổn, và tuyên bố rằng chính quyền cần các hình thức giám sát sinh trắc học mới.

Hội nghị cho hay, các hình thức xác minh danh tính truyền thống như chứng minh thư và hộ chiếu, v.v. đang đối mặt với nguy cơ. Mặc dù các công nghệ sinh trắc học như dấu vân tay, giọng nói, khuôn mặt và DNA đều đóng vai trò quan trọng nhưng chúng không thể xác định chính xác danh tính thực sự của một người chỉ trong vài giây. Nhưng công nghệ quét mống mắt có thể giải quyết vấn đề này.

Báo cáo hội nghị của công an Thanh Hải tuyên bố: “Nhận dạng mống mắt hiện là công nghệ nhận dạng sinh trắc học nhanh nhất và chính xác nhất, có các ưu điểm như nhận dạng không tiếp xúc, có tính duy nhất và tính ổn định, v.v. đồng thời có thể liên kết thông tin nhận dạng cá nhân với sinh trắc học mống mắt. Thông qua việc nhận dạng, xử lý hình ảnh và các phương pháp khác, có thể mô tả, khớp nối và phân loại mống mắt của mắt người để tiến hành tự động xác thực danh tính cá nhân. Việc nhận dạng mống mắt một cách nhanh chóng có thể xác định chính xác danh tính thực của một người và kịp thời báo cho cảnh sát những người khả nghi".

Báo cáo của cảnh sát Trung Quốc không nói rõ những người khả nghi là ai. Báo cáo của “Citizen Lab” cho biết, hành vi thu thập dữ liệu mống mắt của cảnh sát Thanh Hải không nằm trong phạm vi quy định của “Luật Tố tụng Hình sự” và “Luật Chống khủng bố”. Cảnh sát không nhắm mục tiêu vào các nghi phạm hình sự, nạn nhân và những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố; thay vào đó, dữ liệu mống mắt khổng lồ này nhắm vào toàn bộ cộng đồng.

Cảnh sát ĐCSTQ chỉ thị thu thập dữ liệu mống mắt

Theo báo cáo của “Citizen Lab”, vào năm 2019, ĐCSTQ đã ban hành “Thông báo về việc triển khai công tác thu thập thông tin mống mắt” và “Phương án thành lập tiểu hệ thống chuyên nhận dạng mống mắt trong Hệ thống thông tin điều tra hình sự”. Hai văn bản này yêu cầu rõ rằng, tới cuối năm 2019, phải hoàn thành việc thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu mống mắt tại cơ quan công an các cấp, từ quận/huyện, cho đến thành phố, tỉnh, quốc gia.

Vào tháng 4/2019, Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Công nghệ mới và Thiết bị Mới trong Kỹ thuật Hình sự Trung Quốc tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Đại diện cơ quan điều tra hình sự Trung Quốc các cấp bộ, tỉnh, thành phố và hơn 20 công ty công nghệ đã cùng thảo luận về ứng dụng nhận dạng giọng nói và mống mắt dành cho cảnh sát.

“Phương án” trên cũng nêu rõ, ‘tiểu hệ thống chuyên nhận dạng mống mắt’ cũng sẽ được kết nối với hệ thống dữ liệu của công an và trung tâm dữ liệu lớn ở các cấp bộ, tỉnh, thành phố của Trung Quốc.

Hệ thống dữ liệu của Bộ Công an Trung Quốc được sử dụng để quản lý dân số và dùng cho các mục đích khác. Còn các trung tâm dữ liệu lớn bao gồm 10 trung tâm máy tính do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc dẫn đầu thiết lập từ năm 2020.

Các camera giám sát tại một thành phố ở Trung Quốc. (Guang Niu/Getty Images)

Dân số tại thành phố Hải Đông thuộc tỉnh Thanh Hải là 1,35 triệu người. Năm 2019, cảnh sát địa phương đã đến từng nhà để thu thập dữ liệu mống mắt của người dân. Lực lượng chức năng còn đe dọa rằng nếu không hợp tác, sau này người dân có thể gặp trở ngại trong việc mua vé đi lại, thậm chí cả việc rút tiền, khám chữa bệnh.

Lao động nhập cư và cả những người tạm trú, tạm vắng cũng nằm trong danh sách thu thập thông tin mống mắt.

Tại thành phố Tây Ninh, thủ phủ của Thanh Hải, cảnh sát đã thu thập dữ liệu mống mắt của trẻ em với lý do giải quyết tình trạng mất tích và nạn buôn bán trẻ em. Ngoài ra, những người bị thu thập thông tin còn được yêu cầu trả 200 nhân dân tệ (khoảng 700 nghìn VND) để đưa thông tin quét mống mắt vào cơ sở dữ liệu.

Hành vi thu thập mống mắt quy mô lớn này do ĐCSTQ chỉ đạo nhưng nó không có cơ sở pháp lý. Phía cảnh sát đề cập rằng, thông tin mống mắt sẽ được dùng để nâng cấp thẻ căn cước quốc gia. Tuy nhiên, “Luật Chứng minh nhân dân” của Trung Quốc quy định rằng, đặc điểm sinh trắc học duy nhất mà người xin cấp chứng minh thư cần đăng ký là dấu vân tay.

Ngay cả cảnh sát ĐCSTQ cũng biết rất rõ rằng, họ không có quyền cưỡng chế thu thập thông tin cá nhân như mống mắt và DNA của người dân. Tuy nhiên, báo cáo của “Citizen Lab” nói rằng cảnh sát ĐCSTQ buộc phải trung thành với đảng, vì vậy công việc của họ cũng bao gồm việc đàn áp những người chỉ trích nền chính trị của ĐCSTQ.

Ở Trung Quốc, nơi không có đảng đối lập, tòa án độc lập, báo chí tự do hoặc các tổ chức xã hội dân sự có khả năng hạn chế quyền lực của cảnh sát, cảnh sát ĐCSTQ được tự do thu thập thông tin mống mắt của bất kỳ ai và sử dụng nó cho bất kỳ mục đích nào.

ĐCSTQ thu thập dữ liệu mống mắt ở Tân Cương, Hà Nam, Bắc Kinh

Một trong những hoạt động thu thập dữ liệu mống mắt quy mô lớn đầu tiên mà cảnh sát Trung Quốc tiến hành là vào năm 2017 tại Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Là một phần trong hoạt động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cảnh sát ĐCSTQ đã thu thập các dữ liệu sinh trắc học như quét mống mắt, lấy mẫu DNA, dấu vân tay và quét khuôn mặt của cư dân địa phương. Hiện không rõ cảnh sát đã thu thập được bao nhiêu dữ liệu mống mắt ở Tân Cương.

Năm 2017, cảnh sát ở Urumqi, thủ phủ của Tân Cương, bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin nhận dạng mống mắt. Theo các báo cáo công khai, tính đến tháng 1/2018, cơ sở dữ liệu này đã quét mống mắt của 300.000 người, chiếm khoảng 13% trong tổng số 2,2 triệu cư dân Urumqi.

Học sinh đi bộ bên dưới camera giám sát ở Akto, phía nam Kashgar, thuộc vùng Tân Cương, Trung Quốc vào ngày 04/06/2019. (Greg Baker / AFP via Getty Images)

Tới năm 2018, cảnh sát ở Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, đã khởi động kế hoạch quét mống mắt của những người đăng ký giấy phép lái xe đạp điện. Theo một bài báo đăng năm 2021 trên tạp chí Forensic Medicine (Khoa học Ứng dụng Pháp luật và Y học) của Trung Quốc, cơ sở dữ liệu quét mống mắt ở Trịnh Châu có thể lưu trữ 10 triệu lượt quét, tương ứng với dân số 10,52 triệu người của thành phố này.

Năm 2019, với lý do tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý trị an và chống tội phạm, Công an thành phố Bắc Kinh thông báo rằng họ sẽ cùng công ty IrisKing thiết lập một cơ sở dữ liệu có thể lưu trữ 20 triệu lượt quét mống mắt. Con số này về cơ bản tương đương với 21,89 triệu cư dân Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chưa có báo cáo công khai nào cho thấy, cơ sở dữ liệu của Bắc Kinh hoặc Trịnh Châu đã được đưa vào sử dụng, hoặc cơ sở dữ liệu này thực sự lưu trữ thông tin mống mắt của toàn bộ cư dân ở hai thành phố.

ĐCSTQ bức hại nhân quyền ở Thanh Hải

Báo cáo của “Citizen Lab” còn tiết lộ các trường hợp ĐCSTQ đàn áp người bất đồng chính kiến ​​và bức hại nhân quyền của người Tây Tạng ở khu vực Thanh Hải.

Báo cáo cho biết, Trung Quốc sử dụng các biện pháp chống tội phạm để bắt giữ và bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Từ năm 2018 - 2021, ĐCSTQ đã sử dụng cái gọi là chiến dịch "đánh đen", trên danh nghĩa là truy bắt và xét xử các băng nhóm xã hội đen, nhưng thực chất lại bắt giữ những người phản đối nạn tham nhũng trong ĐCSTQ, hay những người yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản do các nhà phát triển thuộc sở hữu nhà nước gây ra, hoặc những người bất mãn với cách thu hồi đất của chính quyền địa phương.

Phạm vi kiểm soát của ĐCSTQ cũng mở rộng sang quyền sử dụng đất, tái định cư, hay quyền ngôn ngữ, v.v.

Năm 2021, tại châu tự trị dân tộc Tạng Ngọc Thụ ở Thanh Hải, với lý do bảo vệ sinh thái và cải thiện mức sống của người chăn nuôi, chính quyền địa phương đã hủy bỏ quyền được chăn nuôi, chăn thả gia súc cũng như quyền định cư trong cộng đồng của những người du mục Tây Tạng.

Tuy nhiên, những người bất đồng chính kiến nói rằng, việc ĐCSTQ sắp xếp cho người dân ở các khu vực như Thanh Hải, Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông tái định cư thực chất là một hình thức kiểm soát nhân khẩu. Trên thực tế, việc biến các khu vực chăn thả nguyên thủy thành các khu bảo tồn sẽ khiến văn hóa của các dân tộc du mục ngày càng mai một.

Ngoài ra, quyền ngôn ngữ của người Tây Tạng ở khu vực Thanh Hải cũng bị đe dọa. Kể từ giữa những năm 2010, chính quyền Trung Quốc đã biến tiếng Quan thoại thành ngôn ngữ giảng dạy chính trong các trường học ở khu vực Tây Tạng; chính quyền đã đóng cửa các trường dạy tiếng Tây Tạng và giam giữ những người chỉ trích chính sách này.

Theo The Epoch Times tiếng Hoa

Đông Phương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo: Chế độ Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở dữ liệu mống mắt quy mô lớn