Bình luận: Đã đến lúc đóng cửa Fed và chấm dứt các chu kỳ bùng nổ - đổ vỡ đi cùng với nó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi thành lập, Fed đã đánh cắp 98% giá trị của đồng USD. Nó đã sử dụng những khoản lợi nhuận thu được để liên tục khởi động các chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ và chuyển hàng nghìn tỷ USD cho chính phủ liên bang, các nhóm lợi ích đặc biệt và những người đi vay giàu có.

Bài bình luận

Mỗi cuộc suy thoái kinh tế lớn trong 110 năm qua đều mang dấu ấn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Trên thực tế, chừng nào Fed còn tồn tại, nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn còn dao động giữa lạm phát và suy thoái. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là người Mỹ có thể chấp nhận được điều đó.

Nhưng chúng ta không nên mong đợi điều đó sẽ tiếp diễn mãi mãi. Người Mỹ đã có ba ngân hàng trung ương trước Fed, và mỗi ngân hàng đều bị chôn vùi trong đống tro tàn của lịch sử. Những vấn đề cố hữu của ngân hàng trung ương cũng là nguyên nhân khiến Fed phải bị loại bỏ.

Bình luận: Đã đến lúc đóng cửa Fed và chấm dứt các chu kỳ bùng nổ - đổ vỡ đi cùng với nó
Nhân viên an ninh tuần tra bên ngoài tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào ngày 09/08/2005 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Từ Ngân hàng trung ương Anh

Ngân hàng trung ương có từ năm 1694, khi Ngân hàng Anh được thành lập với mục đích tạo ra lạm phát - một thứ thuế ngầm - để cung cấp tiền giá rẻ cho chính phủ - trên hết là cho nhiều cuộc chiến tranh ở nước ngoài của Anh. Đổi lại, các ngân hàng trung ương được trả lãi cao.

Giống như bất kỳ ngân hàng nào được chính phủ ưu ái, Ngân hàng Trung ương Anh cho vay số tiền mà họ không có, cho vay nhiều hơn số bạc trong kho của mình. Chính phủ Anh tán thành hành vi lừa đảo này vì nhà vua và Quốc hội muốn có tiền.

Nhưng trò gian lận còn đi xa hơn: Ngân hàng Trung ương Anh được phép sử dụng trái phiếu chính phủ mà họ mới nắm giữ để hỗ trợ cho các khoản vay tư nhân, điều đó có nghĩa là họ có thể tạo ra nhiều tiền hơn mà không cần có bạc để cho các ngân hàng tư nhân vay. Điều này cũng mang lại tiền lãi, mặc dù tiền được tạo ra từ con số không.

Sự bùng nổ của tiền đã gây ra một đám cháy trong nền kinh tế Anh - một thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng ngắn ngủi, sau đó là lạm phát tràn lan và nền kinh tế sụp đổ. Chu kỳ bùng nổ - đổ vỡ đã ra đời, cái mà ngày nay chúng ta gọi là “chu kỳ kinh doanh”.

Khi Ngân hàng Anh không có đủ bạc để quy đổi tất cả số tiền mà nó tạo ra, chính phủ Anh đã đưa ra thứ tương đương với một gói cứu trợ trong thế kỷ 18 bằng cách đình chỉ việc quy đổi, cho phép Ngân hàng Anh ngừng quy đổi số bạc mà nó đã hứa.

Du nhập vào Mỹ

Khái niệm ngân hàng trung ương đã được du nhập vào Mỹ thậm chí trước cả khi Hiến pháp Mỹ được viết ra. Ngân hàng Bắc Mỹ, ngân hàng trung ương đầu tiên của người Mỹ, đã sao chép Ngân hàng Anh và tạo ra siêu lạm phát với các Điều khoản Hợp bang. Vào thời điểm đó, những Nhà sáng lập nước Mỹ đã bãi bỏ cả Điều khoản Hợp bang và ngân hàng này.

Nghĩ rằng ngân hàng này cần một sự thay thế, Quốc hội Mỹ đã thành lập Ngân hàng Đầu tiên của Hoa Kỳ vào năm 1791 để hợp nhất các loại tiền tệ và nợ khác nhau của các bang cũng như cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho chính phủ.

Ngân hàng Đầu tiên bị cấm mua trái phiếu chính phủ để tránh siêu lạm phát của ngân hàng tiền nhiệm. Nhưng khi chính phủ cần thêm tiền, Quốc hội quyết định bán cổ phần của mình trong ngân hàng và điều lệ hoạt động của ngân hàng không được gia hạn. Ngân hàng trung ương đã chết và nền kinh tế Mỹ bùng nổ cho đến cuộc chiến tranh năm 1812.

Để tài trợ cho cuộc chiến đó, chính phủ đã vay rất nhiều từ các ngân hàng khu vực, từ đó tạo ra tiền từ không gì cả để phục vụ cho chính phủ. Điều đó có nghĩa là nhiều tiền giấy được lưu hành hơn vàng và bạc trong kho ngân hàng. Khi mọi người cố gắng đổi tiền giấy của họ lấy kim loại quý, các ngân hàng không có đủ và nhiều bên đã sụp đổ.

Để bảo lãnh cho các ngân hàng, Quốc hội đã thành lập một ngân hàng trung ương khác vào năm 1816, Ngân hàng Thứ hai của Mỹ.

Ngân hàng Thứ hai đã hạn chế việc cho vay quá mức của các ngân hàng khu vực, nhưng chỉ sau khi đã khuyến khích điều đó. Kết quả là sự bùng nổ nợ nần, sau đó là vụ sụp đổ vào năm 1819, gây ra cuộc suy thoái đầu tiên của Mỹ.

Nhiều người trong Quốc hội Mỹ đã chấp nhận những cơn co thắt kinh tế dữ dội do ngân hàng trung ương gây ra vì nó cung cấp tiền để họ chi tiêu mà không tăng thuế một cách công khai. Nhưng người dân không bị lừa và sẽ không chấp nhận điều đó. Họ bầu ông Andrew Jackson làm Tổng thống để chiến đấu với con quái vật và vị Tổng thống này đã đảm bảo rằng điều lệ của ngân hàng không được gia hạn vào năm 1836.

Sự kiện này đã mở ra một số thập kỷ tăng trưởng kinh tế vĩ đại nhất của nước Mỹ.

Fed và chu kỳ bùng nổ - đổ vỡ

Bình luận: Đã đến lúc đóng cửa Fed và chấm dứt các chu kỳ bùng nổ - đổ vỡ đi cùng với nó
(Ảnh: SERSOLL/Shutterstock)

Thời kỳ Hoàng kim kết thúc vào năm 1907 khi sự quản lý yếu kém của các ngân hàng lớn đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng, thứ đòi hỏi nỗ lực giải cứu mạnh mẽ của J.P. Morgan và Co. Để đáp lại, ông J. Pierpont Morgan muốn chính phủ cho phép thành lập một ngân hàng tư nhân dành cho các chủ ngân hàng để ứng phó với những cuộc khủng hoảng như vậy.

Những người cấp tiến trong Quốc hội đã từ chối vì, như Thượng nghị sĩ Nelson Aldrich (Cộng hoà - Rhode Island) đã nói, “Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể có Pierpont Morgan bên mình để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng”. Và vì vậy, ngay sau cái chết của ông Morgan vào năm 1913, các chính trị gia đã thành lập một tổ chức hoàn toàn do chính phủ điều hành để giải cứu chính phủ cũng như các ngân hàng gặp rắc rối: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Chu kỳ bùng nổ-đổ vỡ hiện rõ từ thời điểm đó.

Như một điềm báo trước, Fed đã bắt đầu lịch sử bằng một đợt bùng nổ lạm phát để chi trả cho Thế chiến thứ nhất, kết thúc bằng cuộc suy thoái năm 1920. Nó tạo ra một đợt bùng nổ lạm phát khác để giữ cho nước Anh tồn tại vào cuối những năm 1920, gây ra cuộc Đại khủng hoảng. Cứ 5 đến 10 năm một lần trong thế kỷ trước, Fed đã tạo ra, rồi cho nổ tung hết bong bóng này đến bong bóng khác.

Bình luận: Đã đến lúc đóng cửa Fed và chấm dứt các chu kỳ bùng nổ - đổ vỡ đi cùng với nó
Một đám đông người gửi tiền bên ngoài Ngân hàng Liên hiệp Mỹ ở New York. Họ không thể rút tiền tiết kiệm trước khi ngân hàng sụp đổ vào ngày 30/06/1931. (Ảnh: FPG/Hulton Archive/Getty Images)

Chỉ trong ba thập kỷ qua, lãi suất thấp của Fed đã gây ra bong bóng dot-com vào những năm 1990, sau đó là bong bóng nhà đất và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngày nay, có một “bong bóng mọi thứ” từ việc Fed in ấn hoảng loạn cho đến hành vi hối lộ cử tri trong thời gian phong tỏa, gây ra sự rủi ro kết hợp giữa tình trạng lạm phát đình trệ năm 1970 và sự sụp đổ ngân hàng kiểu năm 2008.

Kể từ khi thành lập, Fed đã đánh cắp 98% giá trị của đồng USD. Nó đã sử dụng những khoản lợi nhuận thu được để liên tục khởi động các chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ và chuyển hàng nghìn tỷ USD cho chính phủ liên bang, các nhóm lợi ích đặc biệt và những người đi vay giàu có.

Cựu Tổng thống Jackson không chấp nhận những hành vi trộm cắp điên cuồng như vậy từ ngân hàng trung ương. Và người Mỹ cũng không cần phải chấp nhận điều đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả E.J. Antoni là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Dữ liệu tại Quỹ Di sản.

Tác giả Peter St. Onge là nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Roe tại Quỹ Di sản. Ông có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học George Mason và là cựu giáo sư tại Đại học Feng Chia của Đài Loan. Ông viết blog tại ProfitsOfChaos.com.



BÀI CHỌN LỌC

Bình luận: Đã đến lúc đóng cửa Fed và chấm dứt các chu kỳ bùng nổ - đổ vỡ đi cùng với nó