Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được yêu cầu đánh giá về quyền tự trị của Hồng Kông sau vụ bắt bớ các nhà hoạt động nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Ba (28/4) yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá về mức độ quyền tự trị của Hồng Kông sau khi chính quyền Hồng Kông thực hiện một đợt bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ ở thành phố này, theo tin từ SCMP.

Viện cớ là do tham gia các cuộc biểu tình bất hợp pháp, cảnh sát Hồng Kông đã bắt bớ ít nhất 15 nhà hoạt động của phe đối lập hồi đầu tháng này, bao gồm cả trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai Chee-ying) và luật sư nổi tiếng Lý Trụ Minh (Martin Lee Chu-ming), được biết đến là “cha đẻ của nền dân chủ”.

Tám nhà lập pháp Hoa Kỳ, do Thượng nghị sĩ Marco Rubio dẫn đầu, thuộc đảng Cộng hòa, cùng Dân biểu James McGitas, thuộc đảng Dân chủ, đã viết thư gửi cho ông Pompeo. Trong thư có đoạn: “Như ông đã biết, tình hình ở Hồng Kông đã tiếp tục trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây ngay cả khi dịch Covid-19 đã làm giảm nhiệt các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vốn thu hút sự chú ý của thế giới”.

Phê phán việc bắt giữ luật sư Lý Trụ Minh, các nhà lập pháp đã gọi luật sư 81 tuổi là “cột trụ của phong trào dân chủ ở Hồng Kông và người ủng hộ nền pháp trị cũng như các cuộc biểu tình bất bạo động”.

Ngoài các vụ bắt giữ gần đây, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng quan ngại về tuyên bố khẳng định của văn phòng liên lạc Bắc Kinh trong đặc khu hành chính Hồng Kông rằng văn phòng này không bị ràng buộc bởi một điều khoản trong Luật cơ bản vốn bảo vệ lại sự can thiệp vào các vấn đề của thành phố từ các cơ quan của Trung Quốc đại lục.

“Điều này khác với những tuyên bố trước đây về vai trò của hai văn phòng này trong các vấn đề Hồng Kông và có nguy cơ làm giảm thêm quyền tự trị của Hồng Kông”, bức thư viết.

“Tương lai của Hồng Kông có tầm quan trọng rất lớn đối với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế. Không giải quyết được sự can thiệp của Bắc Kinh trong việc làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông, sẽ làm suy yếu quyền tự do và nhân quyền của người dân, làm suy yếu vai trò quan trọng của Hồng Kông với tư cách là đối tác của Hoa Kỳ, cũng như làm suy yếu vai trò đặc thù của hòn đảo này trong nền kinh tế quốc tế”.

Bức thư kêu gọi đánh giá “toàn diện, rõ ràng và chính xác” về quyền tự trị của Hồng Kông theo các yêu cầu trong Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, được ban hành vào tháng 11 năm ngoái sau khi được thông qua nhanh chóng từ lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, Ngoại trưởng Hoa Kỳ được yêu cầu có đánh giá hàng năm về mức độ quyền tự trị của Hồng Kông đối với sự can thiệp từ Trung Quốc đại lục, để lấy căn cứ cho việc ban các đặc quyền thương mại đặc biệt hiện dành cho Hồng Kông.

Minh Dũng

Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được yêu cầu đánh giá về quyền tự trị của Hồng Kông sau vụ bắt bớ các nhà hoạt động nhân quyền