Các hệ thống phòng không hoạt động như thế nào? Tại sao Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra lời thỉnh cầu khẩn cấp về chúng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ukraine đã nhận được một loạt các hỗ trợ quân sự từ Mỹ và các đồng minh khác. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại tiếp tục đưa ra lời thỉnh cầu khẩn cấp đặc biệt về việc bổ sung các nguồn lực phòng không từ phương Tây để đáp trả các cuộc tấn công bằng đường không của Nga...

Để hiểu tại sao ông Zelensky nhấn mạnh vào phòng không, điều quan trọng là phải hiểu về các loại vũ khí đường không mà Ukraine phải đối mặt và cách thức hoạt động của hệ thống phòng không để chống lại những mối đe dọa đó; cũng cần hiểu lý do tại sao kết cục của các cuộc chiến tranh loại này chủ yếu phụ thuộc vào số lượng vũ khí mà mỗi bên có trong tay.

Vũ khí đường không trong các cuộc tấn công của Nga

Vào ngày 10/10/2022, Nga đã tung ra một loạt vũ khí đường không nhằm vào nhiều mục tiêu ở Ukraine. Các loại vũ khí tham gia cuộc tấn công bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình.

Tên lửa đạn đạo được tăng tốc bởi tên lửa từ mặt đất hoặc từ máy bay, có xu hướng đi theo một quỹ đạo có thể dự đoán trước và tương đối dễ theo dõi. Trong khi đó, tên lửa hành trình mang theo một hệ thống đẩy cho phép chúng duy trì tốc độ và có đường bay khó lường, bao gồm cả quỹ đạo gần mặt đất. Những tên lửa loại này khó bị phát hiện, theo dõi và bắn hạ hơn nhiều.

Tiếp đó, vào ngày 17/10, Nga đã phóng một loạt máy bay không người lái tự sát vào thủ đô Kyiv của Ukraine. Máy bay không người lái tự sát, hay còn được gọi là bom đạn lảng vảng, đang có xu hướng trở thành vũ khí nhỏ phổ biến khó chống đỡ. Bằng cách bay vòng trên đầu, chúng có thể khảo sát một khu vực, thu thập thông tin trước khi xác định một mục tiêu cụ thể để tấn công. Theo các quan chức Mỹ, Nga đã mua máy bay không người lái tự sát từ Iran.

Hệ thống phòng không

Việc phòng thủ chống lại tất cả các mối đe dọa đường không nêu trên đòi hỏi một hệ thống có sự tích hợp của một số yếu tố.

Trước tiên, các radar cảnh báo sớm đặt tại biên giới Ukraine sẽ phát hiện ra sự tiếp cận của tên lửa. Sau đó, một mạng lưới các radar bổ sung phân tán sẽ tiếp tục theo dõi những vũ khí này dọc theo quỹ đạo bay. Biện pháp phòng thủ chính chống lại tên lửa hành trình và đạn đạo là tên lửa đất đối không (SAM) theo cách một đấu một. Đây không phải là một việc dễ dàng vì SAM phải theo dõi, nhắm đến và bắn trúng mục tiêu tốc độ cao có khả năng đổi hướng.

hệ thống phòng không
Các yếu tố cơ bản của hệ thống phòng thủ tên lửa. (Nguyen Dang An và các đồng nghiệp, CC BY-NC)

Ở Mỹ, đối với các tài sản chiến lược quan trọng như Nhà Trắng, nước này dùng Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ trên không. NASAMS được thiết kế để chống lại nhiều mối đe dọa, bao gồm tên lửa hành trình, máy bay và máy bay không người lái. Mỗi NASAMS chứa 12 SAM đánh chặn. Không có thông tin nào được cung cấp công khai về hiệu quả của nó. NASAMS là một trong những phương án đang được Mỹ cân nhắc hỗ trợ Ukraine.

Một ví dụ đáng chú ý khác là hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. Hệ thống này được thiết kế để chống lại tên lửa và đạn pháo được phóng từ khoảng cách 250 km. Mỗi khẩu đội tên lửa Vòm Sắt bao gồm 3 đến 4 bệ phóng tên lửa, mỗi bệ phóng có tới 20 tên lửa SAM đánh chặn.

Hệ thống này được cho là có tỷ lệ tiêu diệt lên đến 90% đối với các tên lửa tấn công vào Israel. Phóng viên kỳ cựu về an ninh quốc gia Mark Thompson mô tả Vòm Sắt có thể là hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất mà thế giới từng chứng kiến.

Cả NASAMS và Vòm Sắt đều được báo cáo là có hiệu quả chống lại máy bay không người lái. Tuy nhiên, SAM là một cách tốn kém để phòng thủ trước các mục tiêu rẻ tiền như vậy và chúng có thể bị áp đảo bởi số lượng lớn máy bay không người lái. Hiện tại, các loại vũ khí năng lượng định hướng như laser năng lượng cao đang được phát triển và triển khai để cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả hơn về chi phí để vô hiệu hóa các máy bay không người lái giá rẻ.

Cuộc chơi của số lượng

Trong bối cảnh một cuộc chiến của số lượng, có thể hiểu được tại sao Tổng thống Zelensky đưa ra lời thỉnh cầu cấp thiết về việc bổ sung các hệ thống phòng không. Các hệ thống phòng không khác nhau có phạm vi hiệu quả chống lại các mối đe dọa trên không khác nhau. Tuy nhiên, không có hệ thống phòng thủ nào đạt hiệu quả 100%.

Hơn nữa, kẻ thù có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của hệ thống phòng không bằng cách tung ra nhiều loại vũ khí cùng lúc. Do đó, một kẻ tấn công luôn có thể áp đảo nếu họ có nhiều tên lửa hơn bên phòng thủ. Ngược lại, sự đầy đủ hệ thống phòng thủ có thể khiến kẻ tấn công ngừng bắn hoàn toàn. Cuộc chiến sẽ trở thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, với kẻ chiến thắng là bên có nhiều tên lửa hơn.

Ukraine có đủ hệ thống phòng không để bảo vệ các mục tiêu quân sự chiến lược như các trung tâm chỉ huy và điều khiển, và các bãi chứa đạn dược. Nhưng, họ không có đủ năng lực để bao quát nhiều tài sản quan trọng khác như các đầu mối giao thông, các cơ sở cấp điện và nước, những loại mục tiêu mà lực lượng Nga nhắm tới trong những ngày gần đây.

Nếu phương Tây đồng ý cung cấp một số lượng đáng kể hệ thống phòng không cho Ukraine, thì việc này có thể làm thay đổi rõ rệt diễn biến của cuộc xung đột. Đến một thời điểm nào đó, Nga sẽ phải đối mặt với sự cạn kiệt kho dự trữ tên lửa. Số lượng tên lửa chính xác cao còn lại của nước này được cho là sắp hết.

Nếu không có khả năng làm suy yếu và mất tinh thần Ukraine thông qua các cuộc không kích, Nga sẽ phải đối mặt với viễn cảnh khó khăn hơn nhiều khi chỉ dựa vào lực lượng mặt đất để đạt được các mục tiêu của mình.

Văn Thiện

Theo The Conversation

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Các hệ thống phòng không hoạt động như thế nào? Tại sao Tổng thống Ukraine Zelensky đưa ra lời thỉnh cầu khẩn cấp về chúng?