Các nhà khoa học phát hiện một dãy lỗ kỳ lạ dưới đáy đại dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học hàng hải đã phát hiện ra một dãy lỗ bí ẩn nằm ở độ sâu 2.540 mét (8.333 feet) dưới đáy đại dương và họ không biết ai hay cái gì tạo ra chúng.

Thủy thủ của tàu Okeanos Explorer của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) Hoa Kỳ đã phát hiện ra dãy lỗ kỳ lạ khi họ điều tra về Sống núi giữa Đại Tây Dương (Mid-Atlantic Ridge) - một khu vực dưới đáy biển hầu như chưa được khám phá.

Các bức ảnh cho thấy các lỗ được sắp xếp thẳng hàng và dường như cách đều nhau.

Một đặc điểm đáng chú ý khác là có những trầm tích nhỏ bao quanh dãy lỗ. Điều này cho thấy chúng có thể đã được đào lên.

dãy lỗ đáy đại dương, đáy đại dương
Trầm tích bao quanh các lỗ cho thấy chúng đã được đào lên. (Ảnh: NOAA)

Sau khi phát hiện ra dãy lỗ, các nhà khoa học của NOAA bối rối đến mức họ đã đưa các hình ảnh lên mạng xã hội để xem liệu công chúng có bất kỳ ý tưởng nào về nguồn gốc của dãy lỗ hay không.

Một người dùng Facebook viết: “Tôi nghĩ đó là một vết nứt nhỏ trên bề mặt đại dương cho phép khí thoát ra ngoài”. Một người khác viết: "Tôi cho rằng có thể do sao biển di chuyển dạng bánh xe đẩy".

Một người dùng Facebook khác cho biết họ nghĩ rằng nguyên nhân là do "hoặc một con tàu của người ngoài hành tinh, hoặc một con tàu lặn dưới nước có thể đang tìm kiếm một thứ gì đó dưới cát một cách bất hợp pháp”.

NOAA viết trong một thông cáo báo chí: "Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau, từ người ngoài hành tinh đến một loài cua không xác định, cho đến cả khí bốc lên từ dưới đáy biển và hơn thế nữa”.

Đây không phải là lần đầu tiên người ta phát hiện ra các lỗ nhỏ kỳ lạ trong khu vực. Vào năm 2004, trong một lần lặn, hai nhà khoa học hàng hải, Michael Vecchione từ Cơ quan Thủy sản Biển Quốc gia Hoa Kỳ và Odd Aksel Bergstad từ Viện Nghiên cứu Biển ở Na Uy, cũng đã phát hiện ra những lỗ bí ẩn dưới đáy đại dương.

Vào thời điểm đó, hai nhà khoa học đã đề xuất rằng một sinh vật sống trong hoặc sự sàng lọc trầm tích của đáy biển đã tạo ra các lỗ.

Trong mọi trường hợp, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc chính xác của các dãy lỗ. Điều này cho thấy hiểu biết cơ bản của chúng ta về các hệ sinh thái sống giữa đại dương vẫn còn nhiều thiếu sót.

Chương trình thám hiểm Voyage to the Ridge 2022 đã bắt đầu từ tháng 5 và dự kiến ​​kết thúc vào tháng 9. Trong đó, các nhà khoa học hàng hải sử dụng các robot có thể lặn xuống độ sâu lên tới 6.000 mét, hoặc gần 20.000 mét, để tìm hiểu đáy đại dương.

NOAA cho biết: “Trong quá trình lặn, chúng tôi dự kiến ​​khám phá môi trường sống của san hô và bọt biển sâu, lỗ thông hơi thủy nhiệt và hệ thống sunfua đa kim đã tuyệt chủng, các vùng đứt gãy và rạn nứt cũng như các cột nước”. Các cuộc lặn được phát trực tiếp hàng ngày.

Trải dài theo chiều dài khoảng 10.000 dặm, Sống núi giữa Đại Tây Dương là dãy núi dài nhất thế giới. Khu vực này vẫn đang xảy ra các hoạt động địa chấn như động đất. Ngoài ra còn có các lỗ thông hơi thủy nhiệt, cung cấp vùng nước ấm áp hỗ trợ cho sự đa dạng sinh học.

Các khu vực nghiên cứu khác trong chuyến thám hiểm bao gồm Vùng đứt gãy Charlie-Gibbs và Cao nguyên Azores.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà khoa học phát hiện một dãy lỗ kỳ lạ dưới đáy đại dương