Cái giá phải trả của một doanh nhân Đài Loan khi tin vào chính quyền Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một doanh nhân Đài Loan đã nhìn ra bản chất của Bắc Kinh và hối hận vì quyết định kinh doanh của mình sau khi nhà máy cũng như tâm huyết của ông bị Bắc Kinh huỷ hoại.

20 năm cống hiến và khoản đầu tư 16 triệu nhân dân tệ (2,2 triệu USD) của một doanh nhân Đài Loan vào tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, đã bị tiêu huỷ sau khi chính quyền Bắc Kinh phá hủy nhà máy của ông mà không báo trước vào năm 2019.

Sau 4 năm chật vật đòi bồi thường, câu trả lời của Bắc Kinh vẫn là ông đã “khai thác đất đai trái phép”.

“Đó là lời nói dối, tôi có tất cả tài liệu để chứng minh họ đã nói dối”, nạn nhân, ông Wang (người đã yêu cầu sử dụng hoá danh vì sợ bị trả thù), nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.

Ông Wang giải thích: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bỏ rơi bạn sau khi họ lợi dụng xong bạn”. Ông cho biết ông hy vọng tìm được công lý bằng cách vạch trần tội ác của ĐCSTQ.

Quyết định sai lầm

Ông Wang cho biết ông rất hối hận về những quyết định kinh doanh mà mình đã đưa ra cách đây 20 năm.

Theo ông Wang, lúc đó ông là người ủng hộ ĐCSTQ. Ông cho biết vụ việc này đã dạy ông về sự tàn ác của chế độ này và triết lý của nó. “Bây giờ tôi đã biết tại sao chúng ta phải phản đối ĐCSTQ”, ông nói.

Nhà máy Tân Cương của ông chủ yếu sản xuất các sản phẩm liên quan đến bảo vệ môi trường trong ngành dầu khí Trung Quốc. Khi ông trở lại Đài Loan vào năm 2019 vì việc học của các con, nhà máy của ông đã bị phá bỏ hoàn toàn mà không được báo trước.

“Tôi đã làm việc chăm chỉ ở Trung Quốc trong 20 năm, khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng mọi thứ đã bị phá hủy một cách không thể giải thích được chỉ sau một đêm”, ông Wang nói.

Là con gái của một cán bộ cấp cao trong ĐCSTQ, vợ ông cũng có anh chị em trong Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương – một cơ quan kiểm soát nội bộ trong ĐCSTQ – trong khi một người họ hàng xa là phó thị trưởng. Bất chấp nền tảng gia đình có quyền lực và ảnh hưởng xã hội nhất định, vợ ông cũng nhận thấy rằng những người thân của bà đã xa cách bà sau khi nhà máy bị phá hủy. Ông Wang nói: “Tôi nhận ra rằng ĐCSTQ có thể quay lưng lại với bạn trong tích tắc”.

Cái giá phải trả của một doanh nhân Đài Loan khi tin vào Bắc Kinh
Một cựu cư dân ngồi trên tấm nệm giữa đống đổ nát sau khi ngôi nhà của ông bị phá hủy ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10/5/2007. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Ông Wang đã tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ từ Đài Loan. Bộ Kinh tế, Hội đồng các vấn đề Đại lục và Tổ chức Trao đổi Eo biển của Đài Loan đều đã liên lạc với ông, nhưng hầu như không có tiến triển gì.

Theo ông Wang, ĐCSTQ chưa bao giờ trả lời các câu hỏi chính thức từ Đài Loan.

Ông Wang sau đó đã cố gắng liên lạc với các cơ quan liên quan của ĐCSTQ, chẳng hạn như Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Hội đồng Nhà nước, thông qua các kênh thương mại. Ông Wang nói: “Thái độ của họ qua điện thoại rất miễn cưỡng”.

Ông cũng thuê một công ty luật ở Bắc Kinh với hy vọng có thể đảm bảo các quyền của mình thông qua các kênh hợp pháp. “Thực ra, yêu cầu của tôi rất đơn giản,” ông nói. “Tôi muốn lấy lại 16 triệu CNY của mình. Trung Quốc nên bồi thường cho sự mất mát của tôi”.

Khi được hỏi tại sao sau đó ông lại liên hệ với The Epoch Times để cung cấp các tài liệu, ông giải thích: “Tôi đã mất hai năm để thu thập tài liệu vì phong tỏa… Tôi muốn vạch trần những lời dối trá của họ để mọi người biết đến điều đó”.

Ông nhấn mạnh rằng vào giai đoạn ban đầu, ĐCSTQ sẽ dành nhiều cử chỉ lịch sự cho các doanh nhân Đài Loan, “nhưng điều đó sẽ không tồn tại được lâu sau khi sự phát triển kinh tế đáp ứng được mục tiêu của họ”.

Một thị trường sản xuất tồi

Ông Wang cho biết ông đã đến Trung Quốc vào giai đoạn đầu của cái gọi là Cải cách và Mở cửa của Bắc Kinh, thời kỳ mà nền kinh tế Trung Quốc đang thực sự bùng nổ.

Nhưng tiền lương của người Trung Quốc đã tăng lên, chi phí phúc lợi cho người lao động cũng tăng vọt. Chúng đã biến Trung Quốc thành một thị trường sản xuất kém cạnh tranh hơn nhiều. Ông cho biết, nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã lựa chọn di dời dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á.

Ông Wang cho biết: “Cùng với sự sụp đổ của nền kinh tế và bất động sản Trung Quốc, ngày càng nhiều người mất niềm tin vào Trung Quốc”. Ông cho biết triển vọng kinh tế tổng thể ở Trung Quốc khá tiêu cực.

Ông nói: “Xuất khẩu đang giảm, Mỹ đang áp đặt các lệnh trừng phạt và việc phá hủy cưỡng bức có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất kỳ ai”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cái giá phải trả của một doanh nhân Đài Loan khi tin vào chính quyền Trung Quốc