Cảnh báo nguy cơ suy giảm chức năng thận vào mùa đông, 3 bí quyết giúp giữ gìn và nuôi dưỡng tinh huyết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa có câu: "Mùa đông dưỡng sinh, sang xuân ít bệnh". Vậy tại sao mùa đông cần bồi bổ thận?

Theo y học cổ truyền, thận được ví như "gốc rễ bẩm sinh" của cơ thể. Sách "Hoàng Đế Nội Kinh" viết: "Thận chủ tàng trữ, là nền tảng của phong ấn". Điều này có nghĩa là thận là một cơ quan "tàng tinh", nuôi dưỡng tinh khí mà cơ thể cần.

Khí lạnh dễ xâm nhập vào cơ thể, nơi đầu tiên là mà nó tấn công là thận. Do đó, việc bồi bổ thận vào mùa đông rất quan trọng. Khi thận khí đầy đủ, cơ thể không chỉ được ủ ấm, chống lại khí lạnh mà còn dự trữ năng lượng và tăng cường sức đề kháng. Nhờ vậy, sang xuân, cơ thể có khả năng thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của thời tiết và ít bị ốm hơn.

Vậy làm thế nào để bồi bổ thận vào mùa đông?

Cần tập trung vào ba khía cạnh chính: giữ ấm, ngủ đủ giấc và ăn uống hợp lý.

1. Giữ ấm ba bộ phận quan trọng của cơ thể

Vào mùa đông, dương khí chủ yếu ẩn náu bên trong cơ thể, cộng thêm nhiệt độ thấp khiến con người cảm thấy lạnh.

Để chống lạnh, cơ thể sẽ huy động dương khí bên trong, do đó cũng sẽ tiêu hao dương khí tiềm ẩn trong thận.

Vì vậy, muốn bồi bổ thận vào mùa đông, điều quan trọng là cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là ba bộ phận sau:

  • Đầu:

Là nơi tập trung hệ thống thần kinh trung ương của con người, được mệnh danh là "nơi hội tụ của dương khí".

Do đó, giữ ấm vào mùa đông cần chú ý bảo vệ đầu, sau khi gội đầu cần sấy tóc khô, ra ngoài cần đội mũ và quàng khăn.

  • Lưng:

Là nơi chứa nhiều đường kinh mạch chính của cơ thể, giữ ấm lưng có thể giúp cơ thể tăng cường dương khí, đảm bảo hoạt động bình thường của các tạng phủ.

  • Chân:

Có câu: "Lạnh từ chân sinh ra". Theo "Hoàng Đế Nội Kinh": "Mạch âm tập trung ở dưới bàn chân, tụ ở lòng bàn chân, gọi là kinh mạch; ba kinh đều bắt nguồn từ bàn chân". Giữ ấm chân có thể giúp cơ thể tích tụ dương khí, chống lạnh.

Vào mùa đông, thường xuyên ngâm chân bằng nước ấm có thể giúp giữ ấm chân, đồng thời thông kinh hoạt lạc. Những người sợ lạnh và ẩm ướt có thể cho thêm một lượng tiêu vừa phải để khử ẩm và xua tan cái lạnh, giúp cơ thể ấm áp hơn.

2. Ngủ đủ giấc, ngủ sớm dậy muộn

Vào mùa đông, để không tiêu hao quá nhiều dương khí, cần ngủ đủ giấc để dưỡng thận khí và nuôi dưỡng kinh thận.

Bạn nên ngủ sớm dậy muộn, đảm bảo thời gian ngủ từ 8-9 tiếng mỗi ngày để giúp cơ thể bồi bổ tinh khí và chống lạnh.

3. Chế độ ăn uống hợp lý: Ăn 5 loại thực phẩm "màu đen"

Theo y học cổ truyền, màu đen thuộc hành thủy, bổ thận. Nhiều thực phẩm màu đen có tác dụng bổ thận, vào mùa đông có thể ăn 5 loại thực phẩm màu đen sau đây để dưỡng thận:

Gạo lứt đen

Gạo đen có vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ âm dưỡng thận, kiện tỳ, làm ấm dạ dày, cải thiện thị lực, kích thích tuần hoàn máu.

Giàu giá trị dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất, là sản phẩm bồi bổ thận rất tốt.

Anthocyanin trong gạo lứt đen có khả năng chống oxy hóa mạnh, có thể chống viêm và cải thiện chức năng trao đổi chất của cơ thể, có tác dụng phòng ngừa tốt bệnh tiểu đường.

Cần lưu ý rằng gạo lứt đen không dễ tiêu hóa, những người có chức năng tiêu hóa kém không nên ăn quá nhiều gạo lứt đen, nếu không sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy bụng.

Những người đang dùng thuốc Tetracycline không được ăn gạo lứt đen vì dễ tạo thành chất độc hại không hòa tan.

Tảo biển

Có tác dụng bổ thận, ích tinh, thanh nhiệt, hóa đàm, làm mềm và tan khối u.

Ăn tảo biển thường xuyên có thể điều hòa chức năng thận và tăng cường hệ miễn dịch. Tảo biển cũng giàu iốt và nhiều vi chất dinh dưỡng, giúp bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, vì vậy tảo biển còn được mệnh danh là "vua rau biển".

Vào mùa đông, ăn súp trứng tảo biển hoặc nấu cháo tảo biển với thịt nạc có thể giúp cơ thể cải thiện chức năng thận, tích tụ dương khí và chống lạnh.

Theo y học cổ truyền, tảo biển có vị mặn, tính hàn, những người có tỳ vị hư nhược, đau bụng tiêu chảy không nên ăn nhiều. Ngoài ra, tảo biển chứa nhiều iốt, bệnh nhân cường giáp cũng không nên ăn nhiều vì dễ làm bệnh nặng thêm.

Vừng đen

Theo sách "Thần Nông Bản Thảo", vừng đen bổ ngũ tạng, ích khí lực, tăng cường cơ bắp, bổ não tủy. Dùng lâu sẽ trẻ mãi không già.

Vừng đen từ lâu đã được coi là "thực phẩm trường sinh", là bài thuốc bổ thận, ích tinh huyết. Vào mùa đông, bạn có thể bổ sung vừng đen một cách thích hợp, từ đó nuôi dưỡng tóc và giảm bớt sự xuất hiện của tóc bạc.

Tuy nhiên, vừng đen có hàm lượng calo và chất béo cao, người béo phì và người có mỡ máu cao nên hạn chế.

Đậu đen

Đậu đen có tính ấm, nhập vào ba kinh tim, phổi, thận, hàm lượng đạm cao, giàu axit amin, tác dụng bổ thận bồi bổ cơ thể, kiện tỳ xương, hút ẩm và giải độc.

Ăn đậu đen đúng cách có thể bổ máu, bổ thận, đặc biệt đối với các trường hợp đổ mồ hôi ban đêm, đi tiểu thường xuyên, tiểu đêm nhiều lần do thận hư âm yếu, thận khí không đủ, có tác dụng giảm đau tốt.

Đậu đen có kết cấu cứng và khó tiêu hóa nên cần phải nấu chín hoàn toàn mới có thể ăn được. Ăn đậu đen chiên trực tiếp có thể gây tổn thương lá lách, người lá lách và dạ dày yếu nên ăn ít, khi ăn đậu đen phải nhai kỹ nếu không sẽ dễ làm tổn thương hệ tiêu hóa.

Táo đen

Có tác dụng dưỡng trung, bổ khí, dưỡng huyết, thận, dạ dày, nuôi tim phổi, sinh dịch, giải độc... Tiêu thụ táo đen đúng cách sẽ tốt cho cơ thể.

Táo đen chứa các nguyên tố như protein, axit hữu cơ và vitamin cần thiết cho thận. Vào mùa đông, ăn một ít táo đen có thể dưỡng thận, bổ khí và tăng cường dương khí cho cơ thể.

Cần lưu ý rằng táo đen chứa nhiều pectin và axit tannic, những thành phần này kết hợp với axit dạ dày có thể tạo thành khối cứng, vì vậy không nên ăn táo đen khi đói, người tỳ vị hư nhược nên hạn chế.

Theo Wang He - Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh báo nguy cơ suy giảm chức năng thận vào mùa đông, 3 bí quyết giúp giữ gìn và nuôi dưỡng tinh huyết