CCTV đưa tin 1.000 siêu thị ở Thượng Hải khôi phục hoạt động, bị tố cáo là tin giả

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuối tuần trước, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, hơn 1.000 siêu thị và cửa hàng ở Thượng Hải đã hoạt động trở lại và có "nguồn cung đầy đủ" đồ dùng thiết yếu cho địa phương. Tuy nhiên, một thợ quay phim tiết lộ rằng "ba cảnh đầu tiên" trong bản tin của CCTV là do chính anh ghi hình, nhưng đó là thời điểm cách đây hai tuần khi chưa phong tỏa toàn diện. Nhiều người dân Thượng Hải cũng cáo buộc kênh truyền thông nhà nước bịa đặt tin tức và yêu cầu lời giải thích từ phía nhà đài.

Hôm 16/4, chương trình thời sự buổi tối hàng ngày “Xinwen Lianbo” (Tân văn Liên bá) của CCTV đưa tin về việc Thượng Hải kiên trì thực hiện chính sách Zero Covid linh động kèm theo hình ảnh minh họa rằng vật phẩm sinh hoạt thiết yếu của thành phố có “nguồn cung đầy đủ”.

Theo bản tin thời sự của CCTV, đến ngày 15/4, “1.011 cửa hàng và siêu thị không có nguy cơ dịch bệnh đã mở cửa trở lại, 42 kho hàng lớn và 779 kho trung chuyển không có nguy cơ dịch bệnh của các nền tảng thương mại điện tử đã khôi phục hoạt động”.

Bị tố cáo dùng cảnh quay giả

Tuy nhiên, cư dân mạng "Nhiếp ảnh Phí Địch Văn” (Sheying Fei Diwen) nói rằng "ba cảnh đầu tiên" trong bản tin CCTV phát sóng hôm 16/4 là do anh quay tại RT-Mart Dương Phổ thuộc quận Dương Phổ, Thượng Hải, vào ngày 31/3. Anh cũng cho biết, những cảnh này được quay cho chương trình “Kinh tế 30 phút” của CCTV.

Cư dân mạng "Nhiếp ảnh Phí Địch Văn” (Sheying Fei Diwen) nói rằng, 3 cảnh đầu trong bản tin tối ngày 16/4 của CCTV là do anh quay vào ngày 31/3 ở Dương Phổ. (Ảnh chụp màn hình)

Hôm 27/3, chính quyền Thượng Hải tuyên bố lấy sông Hoàng Phố làm ranh giới chia thành phố thành hai khu vực Phố Đông và Phố Tây, lần lượt phong tỏa theo hai giai đoạn. Quận Dương Phổ nằm ở khu vực Phố Tây, tức là thời điểm “Nhiếp ảnh Phí Địch Văn” ghi hình tại RT-Mart Dương Phổ thì khu vực này chưa thuộc diện bị phong tỏa.

Bị tố cáo là tin giả

Ngoài ra, bản tin trên của “Xinwen Lianbo” còn bị nhiều người dân Thượng Hải cáo buộc là tin giả và yêu cầu nhà đài giải thích.

Ví dụ, một cư dân mạng có tài khoản “Laosheng zai liao dazong” đăng bài chất vấn nhà đài như sau:

  1. Cảnh này được quay tại khu vực nào ở Thượng Hải, cụ thể là siêu thị nào?
  2. Ai ở Thượng Hải đã làm tốt việc cung ứng nhu yếu phẩm? Nhận đồ cung ứng ở đâu?
  3. Người dân Thượng Hải phải tự tìm cách sinh tồn, mua sắm nhu yếu phẩm vô cùng khó khăn, gặp khó khăn trong việc tiếp cận điều trị y tế, đồ tiếp tế của chính quyền quá hiếm hoi, tất cả những sự việc trên đều không đưa tin. Tại sao vào thời điểm dân chúng Thượng Hải khó khăn nhất lại bịa đặt ra tin tức kia?
Bài viết của cư dân Thượng Hải yêu cầu CCTV giải thích về bản tin ngày 16/4 đã bị chính quyền xóa. (Ảnh chụp màn hình)

Rất nhanh sau đó bài viết trên đã bị chính quyền xóa bài.

Nhằm dập tắt nghi vấn từ dư luận, quan chức Thượng Hải trả lời rằng, cảnh quay trên CCTV là hình ảnh “phản ánh tình hình trong siêu thị ở quận Kim Sơn hôm 15/4”.

Tuy vậy, nhiều cư dân mạng vẫn không hài lòng với câu trả lời này. Có người bình luận như sau: “Kim Sơn (quận ngoại thành) không thể đại diện cho toàn bộ Thượng Hải phải không? Tại sao không đưa tin về tình hình thực sự tại các quận nội thành? Dùng phần nổi của tảng băng để tô vẽ ra vẻ thái bình?".

CCTV từng nhiều lần dính nghi vấn làm giả

Đây cũng không phải là lần đầu tiên các chương trình tin tức của CCTV dính phải nghi vấn làm giả trong những năm gần đây.

Năm 2017, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc phỏng vấn học giả về phán quyết của “vụ án bác gái Thiên Tân có liên quan đến súng”. Ban đầu, CCTV phỏng vấn ông Từ Hân (Xu Xin), Giáo sư Luật tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT), nhưng khi đang phát sóng chương trình lại chuyển sang cảnh quay học giả luật khác là ông Nguyễn Tề Lâm (Ruan Qilin).

Ông Nguyễn Tề Lâm (ảnh trên), ông Từ Hân (ảnh dưới). (Ảnh chụp màn hình)
Ông Nguyễn Tề Lâm (ảnh trên), ông Từ Hân (ảnh dưới). (Ảnh chụp màn hình)

Năm 2013, trong chương trình “Phỏng vấn Tiêu điểm” của CCTV, một người phụ nữ vừa xuất hiện ở cảnh trước với danh tính là “Diêu Xuân Phương – một công dân Bắc Kinh”. Nhưng 3 phút sau, cô này lại trở thành “Vương Duy – nhân viên một cửa hàng tại thành phố Trường Xuân”. Sau sự cố này, CCTV đã thừa nhận hành vi làm giả và gửi lời xin lỗi tới khán giả thông qua Weibo.

CCTV gửi lời xin lỗi về sự cố một người phụ nữ mang hai danh tính. (Ảnh chụp màn hình)
CCTV gửi lời xin lỗi về sự cố một người phụ nữ mang hai danh tính. (Ảnh chụp màn hình)

Tháng 1/2011, “Xinwen Lianbo” đưa tin về khả năng tác chiến ngoài biển khơi của Lực lượng Không quân Trung Quốc và đã phát sóng clip bắn đạn thật của chiến cơ J-10. Cư dân mạng tinh mắt đã chỉ ra rằng, một cảnh máy bay chiến đấu bắn trúng mục tiêu trong đoạn video trên đến từ bộ phim "Top Gun" của Mỹ. Cư dân mạng này còn đăng ảnh chụp màn hình video lên làm chứng. Có thể thấy khi so sánh các bức ảnh chụp màn hình, ngọn lửa, khói và thậm chí là hướng bay của các mảnh vỡ trong hai bức ảnh hoàn toàn giống nhau.

Ảnh bên trái cắt từ đoạn clip của “Xinwen Lianbo” đưa tin về chiến đấu cơ J-10. Ảnh bên phải cắt từ phim “Top Gun” của Mỹ. (Ảnh chụp màn hình)

 

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

CCTV đưa tin 1.000 siêu thị ở Thượng Hải khôi phục hoạt động, bị tố cáo là tin giả