Chuyên gia: Đấu đá căng thẳng giữa nhân vật số 2 và số 5 trong 'đội quân nhà Tập'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đấu tranh nội bộ giữa các lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên khốc liệt, nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy địa vị của Thủ tướng Lý Cường, “nhân vật số 2” trong đảng, rõ ràng kém hơn ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị - người đứng ở vị trí thứ 5.

Sau Đại hội 20, “Đội quân nhà Tập” lên nắm quyền một cách toàn diện, các vị trí cốt lõi trong đảng, chính phủ và quân đội của ĐCSTQ đều do ông Tập phân công. Trong số 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, các ông Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hy đều là thân tín của ông Tập.

Trong vòng chưa đầy một năm, các thành viên nội các của ông Lý Cường - bao gồm cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc - những người do đích thân ông Tập Cận Bình lựa chọn đã lần lượt gặp chuyện; ngay cả những người đứng đầu Lực lượng Tên lửa do chính ông Tập Cận Bình thành lập cũng bị thanh trừng. Sau khi loạt tin tức trên bị phơi bày, sự hỗn loạn trong giới quan trường Trung Quốc đã trở thành trò cười cho thế giới bên ngoài.

Sau Đại hội 20, ông Thái Kỳ, người đứng thứ 5 trong đảng, kiêm nhiệm nhiều chức vụ và có thể thấy rõ rằng thực quyền của ông vượt qua cả Thủ tướng Lý Cường. Quyền lực của ông Lý Cường đã bị thu hẹp rất nhiều, không thể so sánh với người tiền nhiệm Lý Khắc Cường. Sau khi nhậm chức, ông Lý Cường định vị Quốc vụ viện là một "cơ quan chính trị" và nhấn mạnh rằng sẽ làm tốt nhiệm vụ chấp hành mọi mệnh lệnh từ Ủy ban Trung ương và ông Tập Cận Bình.

Mộ tổ nhà ông Lý Cường 24h có người canh gác, mộ tổ nhà ông Chu Vĩnh Khang bị đào
Vào ngày 13/3/2023, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tổ chức cuộc họp báo cấp cao đầu tiên. (Lintao Zhang/Getty Images)

Tối ngày 28/9 năm nay, ông Tập Cận Bình có bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi Quốc khánh 1/10 được tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh. Theo quy ước, trong những năm không “có chữ số cuối cùng là 5 hoặc 0", lãnh đạo phát biểu sẽ thường là Thủ tướng Quốc vụ viện. Năm nay là lễ kỷ niệm 74 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhưng ông Tập Cận Bình đã thay thế ông Lý Cường phát biểu.

Từ ngày 13-14/9, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp cấp đảng ủy trên toàn quốc với tổng thư ký chính phủ tại Bắc Kinh. Tại cuộc họp này, ông Thái Kỳ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, đã truyền đạt chỉ thị của ông Tập Cận Bình. Ông Thái Kỳ là thành viên duy nhất của Ban Thường vụ Bộ Chính trị tham dự cuộc họp, trong khi đó không thấy bóng dáng ông Lý Cường.

Mặc dù ông Thái Kỳ và ông Lý Cường đều là thành viên của "Đội quân nhà Tập", nhưng ông Lý Cường lại đại diện cho "Bang Chiết Giang", còn ông Thái Kỳ đại diện cho "Bang Phúc Kiến".

Ông Thái Kỳ. ( Lintao Zhang/Getty Images)

Có nhiều dấu hiệu khác nhau cho thấy, rất nhiều quyền lực của ông Lý Cường đã bị ông Thái Kỳ lấy đi theo cách trá hình. Đấu đá nội bộ trong nội các mới của Trung Nam Hải cũng bắt đầu leo ​​thang.

Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), đồng Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 6/10 rằng, đấu tranh nội bộ ở Trung Nam Hải chủ yếu là do sự bất hòa giữa hai ông Lý Cường và Thái Kỳ, mối quan hệ giữa hai người này hiện đang trở nên căng thẳng.

Ông Vương Hách (Wang He), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, cho rằng quyền lực của đảng và quyền lực của chính phủ trong ĐCSTQ đang mất cân bằng. Bây giờ ông Tập Cận Bình đang dùng đảng để cai trị, quyền lực của đảng đã lấn át quyền lực của chính phủ. Vậy nên rất nhiều quyền lực của ông Lý Cường đã bị ông Thái Kỳ đoạt mất.

Ông Chung Nguyên (Zhong Yuan), một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, gần đây đã viết một bài báo nói rằng, sau khi Lý Cường nhậm chức, ông đã nhanh chóng giao ra quyền quyết sách của Quốc vụ viện, các chuyến thăm nước ngoài của ông cũng chỉ di chuyển bằng các chuyến bay thuê bao. Sau khi ông Lý Khắc Cường rời nhiệm sở, trang web của Quốc vụ viện Trung Quốc đã được “đại tu”, chuyên mục đặc biệt về hoạt động của Thủ tướng đã biến mất. Trang web của Quốc vụ viện cũng không có chuyên mục dành cho Lãnh đạo Quốc vụ viện, chỉ có thể nhìn thấy tên của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Ủy viên Quốc vụ khi nhấp vào mục Cơ cấu tổ chức Quốc vụ viện, trong đó cũng không có ảnh của ông Lý Cường. Địa vị của ông Lý Cường và các phó thủ tướng khác đều bị hạ thấp.

Làm bạn với vua như chơi với hổ: Ngoại giới suy đoán về mối quan hệ Tập - Lý mới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc vào ngày 12/3/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Lintao Zhang/Getty Images)

Ngoài ra, ông Thái Kỳ còn được cho là có liên quan đến xung đột nội bộ ở cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao. Ông Tần Cương, 57 tuổi, được thăng hai cấp trong vòng ba tháng ngay sau khi đảm nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao. Tốc độ thăng tiến này là rất hiếm có trong giới chính trị ĐCSTQ. Nhưng ông cũng nhanh chóng biến mất khỏi chính trường vào tháng 6 năm nay và bị miễn chức Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 7, sau đó ông Vương Nghị trở lại giữ chức Ngoại trưởng.

Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu nhà ngoại giao tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, Úc gần đây nói với The Epoch Times rằng, ông Tần Cương rơi vào tình huống như vậy chủ yếu là do ông Vương Nghị và những người khác đứng sau giao ra tài liệu đen, có khả năng họ còn thêu dệt thêm. Theo thông tin ông Trần có được, ông Thái Kỳ đứng về phía ông Vương Nghị, vì ông Thái Kỳ là Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Trung ương nên ông Tập Cận Bình rất mâu thuẫn.

Về việc ông Thái Kỳ được ông Tập Cận Bình tín nhiệm và nhanh chóng thăng chức, bà Quách Quân (Guo Jun), Tổng biên tập The Epoch Times, từng phân tích trên chương trình “Diễn đàn Tinh Anh” của đài NTD rằng, ông Thái Kỳ có hai đặc điểm: Một là ra tay tàn nhẫn. Ví dụ, khi Bắc Kinh đang dọn dẹp tầng lớp dân chúng cấp thấp, ông Thái Kỳ nói rằng khi sự việc càng đến cấp cơ sở thì càng phải dám lấy cứng chọi cứng, dám đâm lưỡi lê nhìn máu đỏ rơi... Hiện giờ ông Tập Cận Bình cần người làm được việc; Hai là lòng trung thành tuyệt đối. Gần đây, ông Thái Kỳ đã đề xuất rằng tư tưởng học ‘Tập’ "phải đi vào khối óc, trái tim và tâm hồn". Theo cách nói của thời Cách mạng Văn hóa, ông Thái Kỳ đã nâng ông Tập Cận Bình lên một tầm cao mới.

Giáo sư Aoyama Rumi tại Đại học Waseda Nhật Bản, một người am hiểu về chính trị Trung Quốc, từng nói với tờ Nikkei rằng, việc ông Tập Cận Bình bổ nhiệm ông Thái Kỳ cũng có mục đích chính trị. “Bởi vì (ông Thái Kỳ) đã 67 tuổi và không thể kế vị nên ông Tập Cận Bình thấy yên tâm hơn”.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Đấu đá căng thẳng giữa nhân vật số 2 và số 5 trong 'đội quân nhà Tập'