Chuyên gia: Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ để trì hoãn khủng hoảng tài chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế xuống dốc, lĩnh vực tài chính đang trở thành điểm nóng thu hút sự chú ý tại Trung Quốc. Những động thái của Bắc Kinh cho thấy chính quyền Trung Quốc đang rất lo sợ viễn cảnh sụp đổ tài chính. Trong một môi trường đầy áp lực, các ngân hàng nhỏ là một đối tượng dễ bị tổn thương.

Chính quyền Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tài chính vừa và nhỏ nhằm giảm thiểu tác động của một cuộc khủng hoảng tài chính tiềm ẩn.

Một nhà phân tích chỉ ra rằng nếu các ngân hàng tiếp tục sụp đổ, lợi ích của một bộ phận lớn người dân sẽ bị đe dọa và họ sẽ yêu cầu bồi thường thiệt hại, điều chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của chính quyền.

Trong số tám nhiệm vụ chính được Cơ quan Giám sát Tài chính Trung Quốc (FSA) đặt ra trong cuộc họp làm việc năm 2024, cái gọi là cải cách các tổ chức tài chính vừa và nhỏ để giải quyết rủi ro nổi lên là mục tiêu chính.

Ông Liu Xiaochun, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Thượng Hải, một tổ chức tư vấn, cho biết tại cuộc họp chiến lược nội bộ vào tháng 11/2023: “Giảm thiểu rủi ro cho các ngân hàng vừa và nhỏ thường bao gồm các nỗ lực sáp nhập, tổ chức lại hoặc hợp nhất”.

Cho đến nay, theo dữ liệu chính thức, có 3.912 ngân hàng vừa và nhỏ ở Trung Quốc - chủ yếu là ngân hàng thương mại thành phố, hiệp hội tín dụng nông thôn và ngân hàng làng xã với tổng tài sản là 110 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 15,45 nghìn tỷ USD), chiếm 28% tổng tài sản ngân hàng trong nước.

Tính đến cuối tháng 6/2023, số lượng ngân hàng làng xã ở Trung Quốc là 1.642, chiếm 40,38% tổng số tổ chức ngân hàng ở Trung Quốc.

Kể từ năm 2022, việc sáp nhập hoặc hợp nhất cơ cấu cổ phần của hơn 500 ngân hàng nhỏ đã diễn ra ở ít nhất 7 tỉnh, thành, ảnh hưởng đến 2.100 tổ chức tài chính nông thôn, với quy mô tài sản là 6,7 nghìn tỷ USD.

Chuyên gia: Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ để trì hoãn khủng hoảng tài chính
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Các ngân hàng sụp đổ

Vào tháng 4/2022, một số ngân hàng làng ở tỉnh Hà Nam đã ngăn khách hàng rút tiền. Kể từ đó, đã xảy ra nhiều vụ phá sản ngân hàng liên quan đến các ngân hàng làng trên khắp Trung Quốc.

Phương pháp giải quyết chính của cơ quan chức năng là để các ngân hàng nhỏ được hấp thụ và hợp nhất bởi các ngân hàng lớn với sự tham gia góp vốn trực tiếp hoặc gián tiếp. Ước tính chỉ riêng năm 2023 đã có gần 100 ngân hàng vừa và nhỏ tiến hành hợp nhất, sáp nhập.

Ông Lu Yuanxing, nhà phân tích kinh tế và chính trị làm việc tại Mỹ, đồng thời là cựu giám đốc một công ty ở Trung Quốc, tin rằng với sự sụp đổ của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc và sự suy thoái đang tiếp diễn trong năm nay, ngày càng nhiều ngân hàng sẽ gặp phải khủng hoảng hoặc phá sản.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 11/2, ông Lu cho biết: “Khi giá bất động sản tiếp tục giảm vào năm 2024, ngày càng nhiều khoản vay ngân hàng sẽ trở thành nợ xấu và các ngân hàng này sẽ gặp phải các vấn đề phá sản ngân hàng”.

“Sau khi sáp nhập ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn, tổng nợ không giảm mà việc sáp nhập chỉ làm trì hoãn thời điểm ngân hàng phá sản. Mặc dù các ngân hàng lớn có tương đối nhiều tài sản hơn nhưng với sự sụp đổ của ngành bất động sản, họ đang gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình”, ông nói.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã xuống dốc kể từ năm 2021, với các tập đoàn khổng lồ như Evergrande và Country Garden lần lượt vỡ nợ.

Theo China Housing News, khoảng 233 công ty bất động sản ở Trung Quốc tuyên bố phá sản vào năm 2023. Thống kê cho thấy gần 1.300 công ty bất động sản đã phá sản trong giai đoạn 4 năm từ 2020 đến 2023.

Nhà kinh tế Hứa Thành Cương (Xu Chenggang) cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng phần lớn các khoản vay trong lĩnh vực tài chính được đảm bảo bằng tài sản bất động sản. Khi thị trường bất động sản có xu hướng đi xuống, giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được thế chấp bằng bất động sản cũng giảm đi. Vì vậy, khi tài sản giảm giá trị, nó sẽ gây nguy hiểm cho bảng cân đối kế toán của ngân hàng, có nguy cơ khiến ngân hàng vỡ nợ. Sự phá sản của một ngân hàng có thể gây ra phản ứng dây chuyền, lên đến đỉnh điểm là khủng hoảng tài chính.

Ông Hứa cho rằng, một cuộc khủng hoảng như vậy không phải do bất kỳ cá nhân nào gây ra mà là do hệ thống của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) gây ra.

Chuyên gia: Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ để trì hoãn khủng hoảng tài chính
Một người đi bộ đi ngang qua Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 9/8/2007. (Ảnh: Teh Eng Koon/AFP qua Getty Images)

Nạn nhân nói gì?

Vào ngày 18/4/2022, một số ngân hàng trong làng gặp khủng hoảng nguồn vốn và ngừng hoàn toàn việc cho phép khách hàng rút tiền. Khoảng 400.000 khách hàng bị ảnh hưởng và tổng số tiền tiết kiệm của họ tại các ngân hàng này ít nhất lên tới hàng chục tỷ CNY (1 USD tương đương khoảng 7,12 CNY).

Những vụ việc này khiến khách hàng hoang mang, và họ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn nhưng bị chính quyền đàn áp nặng tay.

Ông Wang Qi, một khách hàng ở Hà Nam bị ảnh hưởng, vẫn có số dư gần 3 triệu CNY (khoảng 421.585 USD) gửi vào ngân hàng nhưng không thể rút ra được.

Ông nói với tờ Epoch Times tiếng Trung rằng một số khách hàng có số tiền gửi hơn một trăm triệu CNY.

Ông nói: “Chưa có quốc gia nào trong lịch sử từng cướp tiền gửi của người dân và đóng băng trái phép tiền gửi trên thẻ ngân hàng của họ trong gần 700 ngày”.

Ông Wang giải thích rằng tài khoản của những người gửi tiền gặp rắc rối là tiền gửi tiết kiệm của họ chứ không phải tài khoản liên quan tới hoạt động quản lý tài chính.

Ông Wang nói: “Chính quyền Hà Nam dán nhãn tiền gửi ngân hàng của chúng tôi là sản phẩm quản lý tài sản và buộc khách hàng ký vào một lá đơn thừa nhận rằng họ đã tham gia gây quỹ bất hợp pháp”. “Chúng tôi gửi tiền vào ngân hàng vì chúng tôi tin tưởng vào ngân hàng và chính quyền, nhưng chúng tôi lại bị chính quyền tỉnh Hà Nam cáo buộc một cách sai trái về việc gây quỹ bất hợp pháp. Làm thế nào mọi người có thể biết rằng có những rủi ro liên quan đến tiết kiệm và tiền gửi ngân hàng? Chính quyền Hà Nam đã cướp đi số tiền gửi này vì nền kinh tế của tỉnh đang trên bờ vực sụp đổ và hàng chục tỷ CNY tiền gửi có thể lấp đầy rất nhiều lỗ hổng trong tài chính của chính quyền”.

Ông Wang, người am hiểu lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, chỉ ra rằng các động thái hợp nhất và sáp nhập của chính quyền nhắm vào các ngân hàng vừa và nhỏ là nhằm giảm thiểu rủi ro. Ngược lại, khi mọi người ở Trung Quốc không còn tin tưởng vào ngân hàng, trụ cột tài chính và niềm tin cũng sẽ sụp đổ.

“Các sự cố ngân hàng ở Hà Nam đã làm hoen ố danh tiếng của các ngân hàng nhỏ. Nhiều người đang chuyển tiền tiết kiệm từ ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn hơn”, ông nói. “Nếu xảy ra một vụ phá sản ngân hàng khác liên quan đến các ngân hàng nhỏ như Ngân hàng Làng Hà Nam, thì các ngân hàng nhỏ sẽ lần lượt sụp đổ. Khi đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp rủi ro tài chính mang tính hệ thống, vì danh tiếng của cả hệ thống ngân hàng sẽ bị hủy hoại”.

Theo ông Wang, kể từ tháng 4/2022, những người gửi tiền là nạn nhân đã nhất quyết bảo vệ quyền lợi của mình trong gần 700 ngày. Chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp đàn áp như bắt giữ, tra tấn, ép nhận tội, hành hung, giám sát và giam giữ để ép buộc và đe dọa các nạn nhân, cố gắng buộc họ phải từ bỏ nỗ lực của mình.

Điều này đã mang tới những tổn thất lớn cho những cá nhân này, cho doanh nghiệp và gia đình của họ.

Ông Wang cho biết, một số người đã chết vì bệnh hiểm nghèo do căng thẳng, và một số người già, những người gửi tiền tiết kiệm cả đời trong ngân hàng, phải đi nhặt rác để kiếm sống và không có tiền chữa bệnh.

Ông nói: “Chúng tôi quyết tâm không thỏa hiệp và yêu cầu chính quyền Hà Nam hoàn trả vô điều kiện”.

Chuyên gia: Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ để trì hoãn khủng hoảng tài chính
Hơn 300 người gửi tiền của một Ngân hàng làng ở tỉnh Hà Nam đã tập trung trước Cục Giám sát Hà Nam để biểu tình phản đối và yêu cầu được phép rút tiền vào ngày 25/06/2022. (Ảnh: Người được phỏng vấn/The Epoch Times )

Khủng hoảng tài chính sẽ làm rung chuyển Bắc Kinh

Ông Lu cho rằng đối mặt với vấn đề nợ xấu của Trung Quốc, các ngân hàng lớn vẫn có thể tồn tại được một thời gian, trong khi các ngân hàng nhỏ và ngân hàng làng thì không có tiền trả lại cho khách hàng.

Ông cảnh báo rằng các cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Trung Quốc chỉ có thể dẫn đến hai kết quả: một là bất ổn xã hội khi nạn nhân đòi công lý và hai là quân đội của ĐCSTQ sẽ từ chối đóng vai sát thủ của ĐCSTQ.

“Khách hàng của ngân hàng, vì niềm tin mù quáng vào chính quyền và ngân hàng, đã gửi tiền tiết kiệm cả đời vào ngân hàng làng, để rồi cuối cùng mất hết số tiền mà họ đã vất vả để kiếm. Nếu những vụ phá sản ngân hàng như các ngân hàng làng ở tỉnh Hà Nam xảy ra trên quy mô lớn và nếu có nhiều người tham gia biểu tình thì nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của chế độ”, ông nói.

Ông cho biết, chế độ Trung Quốc cũng đang cạn tiền. Ông tiếp tục: “Sau sự sụp đổ tài chính, không chỉ người dân bình thường mà còn một số lượng lớn người dân sống phụ thuộc vào tiền của người nộp thuế - bao gồm quân nhân, công chức, người làm trong cơ quan dịch vụ công, v.v. - sẽ từ chối làm việc cho ĐCSTQ để đàn áp người dân nếu họ không thể nhận được tiền trả công. Trong trường hợp đó, chế độ sẽ sụp đổ, và đó là nỗi lo sợ lớn nhất của chính quyền ĐCSTQ”.

Lo sợ khủng hoảng tài chính, Bắc Kinh tiến hành thanh trừng

Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục tạo ra một làn sóng tổn thất khác trong lĩnh vực tài chính vào năm mới. Vào tháng 1, hơn chục giám đốc tài chính đã “ngã ngựa".

Theo thống kê, hơn 100 giám đốc cấp cao trong lĩnh vực tài chính đã bị điều tra hoặc trừng phạt trong năm qua. Danh sách bao gồm các giám đốc cơ quan quản lý chính phủ và các tổ chức trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, cũng như lĩnh vực chứng khoán và quỹ tín thác.

Đáng chú ý, 40 cá nhân bị vướng vào các cuộc điều tra chống tham nhũng - 57% quan chức ngân hàng bị điều tra - là giám đốc cấp cao tại 5 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc.

Chuyên gia: Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ để trì hoãn khủng hoảng tài chính
Một sĩ quan cảnh sát đứng gác trước phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 10/3/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Theo nhà bình luận thời sự Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) sống tại Mỹ, các quan chức trong lĩnh vực ngân hàng, những người sử dụng chức vụ của mình để cho vay và tham gia vào các giao dịch quyền lực và tiền bạc, là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc thanh trừng gần đây.

Ông Đường nói với The Epoch Times, mặc dù được coi là một chiến dịch chống tham nhũng, việc thanh trừng hệ thống tài chính của ông Tập chủ yếu nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế của các phe phái trong đảng, loại bỏ các đối thủ, những người không đáng tin cậy về mặt chính trị và không vâng lời, đồng thời làm vật tế thần cho các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.

Những người trong ngành ngân hàng phỏng đoán rằng làn sóng cách chức hiện tại không phải là điểm kết thúc của cuộc thanh trừng và dự đoán trước về nhiều bất ổn hơn sẽ xuất hiện trong hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản trì trệ của Trung Quốc, nợ địa phương ngày càng gia tăng và nợ khó đòi của ngân hàng đã khiến nền kinh tế nước này kiệt quệ. Ông Đường, nhà bình luận thời sự được The Epoch Times phỏng vấn, cảm thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính là gốc rễ của việc Trung Quốc tích cực giám sát chặt chẽ lĩnh vực tài chính thời gian gần đây. Lo sợ rằng những rủi ro tài chính sẽ đe dọa chính chế độ, ĐCSTQ đã tiến hành một loạt các cuộc thanh trừng.

Trong khi đó, ĐCSTQ đã tăng cường giám sát tài chính thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm các hội thảo tài chính, kiểm duyệt tăng cường và can thiệp an ninh nhà nước.

Một buổi hội thảo về chủ đề tài chính dành cho các cán bộ lãnh đạo của ĐCSTQ ở cấp tỉnh đã được tổ chức tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ vào chiều ngày 19/1. Một loạt quan chức của đảng đã có mặt, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an, và sự xuất hiện này là một động thái bất thường.

Điều đáng chú ý là ông Thái Kỳ (Cai Qi) - quan chức số 5 của Trung Quốc và là chánh văn phòng trung ương đảng của ông Tập Cận Bình - đã có bài phát biểu kết thúc tại hội thảo. Ông Thái hiện là quan chức hàng đầu của Trung Quốc phụ trách an ninh quốc gia. Ông Đường cho biết, bài phát biểu của ông Thái đã truyền tải một thông điệp rõ ràng đến thế giới bên ngoài rằng lĩnh vực tài chính đang được ĐCSTQ trực tiếp giám sát, thay vì sự giám sát từ các cơ quan chính phủ như Hội đồng Nhà nước.

Tương tự, tên của hội nghị chính sách tài chính diễn ra hai lần một thập kỷ của Trung Quốc đã được thay đổi vào tháng 10 năm ngoái. Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia trở thành Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương, nâng cao vị thế của nó. Lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ tại hội nghị ở Bắc Kinh nhấn mạnh sự lãnh đạo tập trung của đảng về tài chính. Ngay sau hội nghị, một bài đăng của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc trên tài khoản WeChat của họ tuyên bố rằng các nhà đầu cơ bán khống đang cố gắng làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và gây ra bất ổn tài chính trong nước. Bài đăng trên WeChat đánh đồng việc bán khống với rủi ro an ninh quốc gia, nhấn mạnh sự cần thiết đối với lực lượng an ninh quốc gia trong việc can thiệp vào lĩnh vực tài chính. Trong một loạt bài đăng, Bộ An ninh Quốc gia kêu gọi người dân không bị lung lay bởi “những câu chuyện sai sự thật”.

Bắc Kinh cũng tăng cường kiểm duyệt các chủ đề kinh tế và tài chính. Cơ quan tuyên truyền của đảng đã hướng dẫn người dân Trung Quốc “hát lên lý thuyết tươi sáng về nền kinh tế Trung Quốc” và kiểm duyệt mạnh mẽ nội dung trực tuyến của các nhà bình luận và phê bình tài chính, thậm chí xóa các thông tin về những người đang gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, ông Đường nhấn mạnh rằng tình trạng bất ổn tài chính hiện nay của Trung Quốc là kết quả của một vòng luẩn quẩn. Ông nói, các cuộc cải cách của ĐCSTQ đã dẫn đến việc lĩnh vực tài chính bị chia rẽ bởi nhiều phe phái lợi ích có thế lực và có ảnh hưởng khác nhau, những người cấu kết với chính quyền địa phương và các doanh nhân. Vì vậy, ông cho rằng, không có sự gia tăng kiểm soát tập trung nào có thể giải quyết được vấn đề vốn có của hệ thống tại Trung Quốc.

Ông Đường nói: “Chính hệ thống của ĐCSTQ đã dẫn đến những rủi ro tài chính mang tính hệ thống ngày nay, vì vậy không thể tránh khỏi các cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc, bất kể cơ quan chức năng nào của ĐCSTQ chi phối tình hình”.

Chuyên gia: Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ để trì hoãn khủng hoảng tài chính
Một nhân viên của chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đếm tiền khi phục vụ khách hàng tại Khu Thương mại Tự do Thí điểm Trung Quốc (Thượng Hải) trong chuyến thăm của truyền thông vào ngày 24/9/2014 tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Các giám đốc tài chính tự tử hoặc đột ngột qua đời

Khi ĐCSTQ tiếp tục thanh lọc hệ thống tài chính, vào cuối năm ngoái, thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng một số giám đốc ngân hàng đã tự tử hoặc đột ngột qua đời.

“Việc chủ tịch ngân hàng tự sát cho thấy [chính quyền] trung ương không còn chịu trách nhiệm nữa. Bất cứ ai cho vay tiền đều phải chịu trách nhiệm”, Wang Donglan (hóa danh), cựu phó chủ tịch một ngân hàng ở tỉnh Sơn Đông, nói với The Epoch Times vào ngày 20/12/2023.

“Trước đây, doanh nghiệp được khuyến khích vận hành bằng nợ. Một số doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng thông qua mối liên hệ giữa các cá nhân, họ vẫn có được vốn vay”.

“Không ai hỏi về điều đó trong nhiều năm đến như vậy. Giờ đây kiểm tra cuối năm phải có người chịu trách nhiệm, chủ tịch ngân hàng có thể không lo lắng sao? Số tiền nào được cho vay mà không có chữ ký của các chủ tịch? Lựa chọn tự sát có thể cứu được gia đình hoặc tài sản của họ”.

Tính đến ngày 7/12/2023, chính quyền ĐCSTQ báo cáo rằng ít nhất 96 cán bộ của hệ thống tài chính đã bị điều tra. Trong đó, có 8 cán bộ trực thuộc trung ương, 71 cán bộ ở các cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước, phòng ban tài chính và 17 cán bộ thuộc chính quyền tỉnh. Vào năm 2022, số người bị điều tra trong hệ thống tài chính là 77 người. Vì số liệu của ĐCSTQ từ lâu vẫn luôn bị nghi ngờ nên con số thực có thể cao hơn.

“Nhiều quản lý cấp trung và cấp cao ở nhiều phòng ban hiện đã qua đời vì đột tử hoặc bệnh tim”, Wang Donglan nói. “Có đủ loại thảo luận trên mạng [về vấn đề này], từ tử vong do bệnh tật đến tác dụng phụ của vaccine”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Trung Quốc sáp nhập các ngân hàng nhỏ để trì hoãn khủng hoảng tài chính