Chuyên gia về Trung Quốc đánh giá: 'Sứ mệnh Văn hóa mới' là trò bịp bợm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây liên tục quảng bá về “Sứ mệnh Văn hóa mới” của Bắc Kinh. Các nhà phê bình cho rằng trên thực tế, sứ mệnh này là truyền bá tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra toàn thế giới nhờ vào việc khoác lớp áo văn hóa truyền thống.

Trong cuộc họp ngày 02/06 với chủ đề “Kế thừa và Phát triển Văn hóa”, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nói rằng văn hóa Trung Quốc và chủ nghĩa Mác “rất tương thích với nhau”. Ông Tập cũng từng đề cập đến khái niệm này trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 vào năm ngoái.

Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã liên tục ca ngợi “Sứ mệnh Văn hóa mới của kỷ nguyên mới” mà ông Tập đề ra. Nói cách khác, sứ mệnh này có mục đích biến Trung Quốc thành một cường quốc văn hóa toàn cầu nhờ “phiên bản hiện đại” của văn hóa Trung Quốc.

Các nhà phê bình đã lên án chiến dịch này của Bắc Kinh; họ gọi nó là “trò bịp bợm” và giải thích rằng nó hủy hoại văn hóa truyền thống và lịch sử 5.000 năm Trung Hoa. Nói một cách chính xác, văn hóa truyền thống của Trung Quốc vốn đã bị hủy hoại trong cuộc Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông.

Để duy trì quyền lực của mình ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông đã phát động một phong trào chính trị phản văn hóa vào năm 1966 để quét sạch các nhà tư bản và các yếu tố truyền thống, bao gồm cả giới tinh hoa và giới học giả. Trong 10 năm sau đó, vô số di vật, kiến trúc và đồ cổ đã bị phá hủy; hàng chục triệu người bị bức hại đến chết.

Tạo ra hình ảnh sai lệch về văn hóa truyền thống

Ông Tập nói rằng văn hóa Trung Quốc và chủ nghĩa Mác “rất tương thích với nhau” và sự kết hợp này sẽ tạo thành một nền văn hóa mới “thống nhất, phát triển tự nhiên và khả thi”.

Tuy nhiên, một số chuyên gia về Trung Quốc không đồng ý với ông Tập.

Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) cho biết: “Cốt lõi vô thần của chủ nghĩa Mác hoàn toàn trái ngược với sự tín thần trong văn hóa truyền thống Trung Quốc”.

Ông nói: “Văn hóa Trung Quốc kế thừa các giá trị đạo đức từ Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo”; “hơn 70 năm qua, ĐCSTQ đã phá hủy sự thần thánh trong văn hóa Trung Quốc và thay thế điều ấy bằng triết lý về các thủ đoạn kinh hãi và tra tấn của Đảng” - được gọi là văn hóa ĐCSTQ.

“Nhiều người Trung Quốc đã luôn nhầm lẫn giữa triết lý kinh dị do chế độ cầm quyền áp dụng với văn hóa truyền thống Trung Quốc”, ông Đường nói.

“ĐCSTQ muốn tạo ra một hình ảnh sai lầm về văn hóa truyền thống; trên thực tế, đó là văn hóa Đảng, trong đó tính đấu tranh là điều cốt lõi”.

Chuyên gia về Trung Quốc đánh giá: 'Sứ mệnh Văn hóa mới' là trò bịp bợm
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ khai mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 14, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 05/03/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Trò bịp bợm

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một chuyên gia về Trung Quốc đang sống tại Úc, đã gọi sáng kiến kết hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc và chủ nghĩa Mác của ông Tập Cận Bình là “trò bịp bợm”, cả về chính trị và văn hóa.

Ông cho biết ĐCSTQ thi hành tội ác diệt chủng văn hóa đối với các nhóm dân tộc khác nhau ở Trung Quốc. “Điều đầu tiên ĐCSTQ làm là phá hủy linh hồn của văn hóa Trung Hoa”, ông nói.

Theo ông Viên, Phong trào Văn hóa Mới năm 1915, một phong trào cấp tiến chỉ trích các tư tưởng truyền thống của Trung Quốc, có mục tiêu rõ ràng là: tiêu diệt Nho giáo.

“Khi ông Tập nói về 'sự thống nhất của nền văn minh Trung Hoa ... một quốc gia mạnh mẽ và thống nhất là trụ cột mà hạnh phúc của tất cả người dân Trung Quốc phụ thuộc vào', ông ấy thực sự đang rao giảng về sự bành trướng toàn cầu của ĐCSTQ và mục tiêu là Đài Loan", ông Viên cho biết.

“Nhân danh thống nhất tổ quốc, việc xâm lược và chinh phục một Đài Loan độc lập là bước đi quan trọng trong quá trình bành trướng ra toàn cầu” của Bắc Kinh. “Để đạt được mục tiêu này, ông Tập Cận Bình đã thực hiện một chiến lược chính trị”, đó là mở rộng ra toàn cầu tư tưởng của ĐCSTQ thông qua cái gọi là “hiện đại hóa văn hóa Trung Quốc”, theo ông Viên.

Nô lệ tinh thần

Trong cuộc họp ngày 02/06, ông Tập cũng nói rằng tính dung nạp/bao trùm của văn hóa Trung Quốc quyết định “sự chung sống hài hòa của các tín ngưỡng tôn giáo đa dạng ở Trung Quốc”, đồng thời quyết định “tâm lý cởi mở và hòa nhập của Trung Quốc đối với các nền văn minh khác nhau trên thế giới”.

Theo ông Viên, thực tế khác xa điều ông Tập rao giảng. Thay vào đó, Bắc Kinh đang gieo rắc văn hóa ĐCSTQ vào tất cả các tôn giáo. Cái gọi là tôn giáo ở Trung Quốc ngày nay thực ra là nô lệ tinh thần do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất kiểm soát. Họ củng cố chế độ độc tài bằng cách quảng bá văn hóa Đảng dưới vỏ bọc tôn giáo.

Ông Đường đồng tình với ông Viên. Ông Đường nói rằng “tôn giáo” tại Trung Quốc là một nhánh của ĐCSTQ, một công cụ trong công tác mặt trận thống nhất của Đảng.

Ông Đường cho hay, ĐCSTQ có lịch sử đàn áp dã man các nhóm tôn giáo. “Mao Trạch Đông đã phá hủy văn hóa Trung Quốc bằng bạo lực — phá hủy các di tích văn hóa, di tích lịch sử và cơ thể con người. Và Tập Cận Bình đã hủy hoại văn hóa Trung Quốc từ bên trong — cụ thể là làm rỗng văn hóa truyền thống. Điều ông Tập làm mang tính lừa đảo và hủy diệt hơn nhiều”.

Ông nói: “Cả Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình đều cố gắng củng cố sự thống trị tuyệt đối của 'văn hóa ĐCSTQ' - thứ sẽ không dung thứ cho bất kỳ tôn giáo chính thống nào”.

Ông Viên kết luận rằng “Sứ mệnh Văn hóa mới” của Bắc Kinh là “ý tưởng xấu xa của ĐCSTQ nhằm lôi kéo tất cả người Trung Quốc vào cuộc chiến chống lại sự thần thánh, chống lại niềm tin vào Thần vốn có trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đây là cuộc đấu tranh cuối cùng của ĐCSTQ khi Đảng đang bên bờ vực sụp đổ”.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia về Trung Quốc đánh giá: 'Sứ mệnh Văn hóa mới' là trò bịp bợm