Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có ranh giới phân biệt không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thực sự là không có một ranh giới rõ ràng giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương như một số thông tin đã lan truyền.

Nếu đứng ở cực nam của Nam Mỹ, chúng ta có thể nhìn ra ngoài biển khơi và thấy đại khái nơi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương gặp nhau. Bất chấp những gì bạn có thể đã thấy trong các video và các bài báo lan truyền, không có sự phân biệt rõ ràng nào giữa hai vùng biển này và chúng vẫn đang vui vẻ hoà quyện vào nhau.

Cấu tạo địa hình đáy biển phức tạp

Tuy nhiên, các thủy thủ nên được cảnh báo: rắc rối thường xảy ra giữa hai đại dương lớn nhất thế giới này. Đáy của lục địa Nam Mỹ được gọi là Patagonia, một khu vực hoang sơ xinh đẹp nhưng cũng phức tạp vô cùng, có bờ biển phía tây và phía nam bị chia cắt bởi vô số hòn đảo. Điểm cực nam của nó là Cape Horn, một hòn đảo của quần đảo Tierra del Fuego ở miền nam Chile.

Điểm cực nam của vùng Patagonia, đáy của lục địa Nam Mỹ, là Cape Horn, một hòn đảo của quần đảo Tierra del Fuego ở miền nam Chile. (Ảnh: earthobservatory)

Nếu nhìn về phía nam ngoài khơi bờ biển trên đảo Cape Horn, đây gần như là nơi Thái Bình Dương gặp Đại Tây Dương, mặc dù không có ranh giới rõ ràng giữa hai vùng biển.

Trong nhiều các bài đăng lan truyền trên các phương tiện truyền thông, cho đến nay vẫn đang lan truyền, cho thấy một đường thẳng trên đại dương với một bên là nước sẫm màu và một bên là nhạt hơn, như trong clip dưới đây:

Họ đưa ra lời giải thích rằng các vùng nước không trộn lẫn với nhau vì Thái Bình Dương giàu đất sét hơn trong khi Đại Tây Dương có nhiều sắt hơn, hoặc độ mặn giữa hai đại dương khác nhau, đồng thời nói thêm rằng cả hai "không hòa hợp với nhau". Tuy nhiên, điều đó đơn giản là không đúng.

Tuyến hành hải thực sự thách thức

Tuy nhiên, vùng biển phía nam Cape Horn lại nổi tiếng là khu vực khó đi thuyền qua, do hệ thống áp suất cực thấp tạo ra gió mạnh và khó lường cũng như sóng lớn. Vùng biển của nó cũng cực kỳ lạnh giá, tạo thêm thách thức cho các thủy thủ.

Bất chấp những rủi ro, hành lang giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương rất quan trọng đối với thương mại quốc tế. Lối đi vòng quanh Cape Horn được Willem Schouten, một nhà hàng hải của Công ty Đông Ấn Hà Lan, đi qua lần đầu tiên vào năm 1616 và kể từ đó đã mở ra tuyến hành hải cho hàng trăm con tàu.

Năm 1830, chính trị gia người Mỹ Richard Henry Dana Jr. đã viết về việc tại sao đi biển quanh Cape Horn thực sự là một thách thức. Ông viết: “Khi lên boong tàu, chúng tôi thấy một đám mây đen lớn đang cuộn về phía chúng tôi từ phía tây nam, và làm đen cả bầu trời. “đến Cape Horn rồi!”, phó thuyền trưởng nói. Trong giây lát, biển động dữ dội hơn bao giờ hết mà tôi từng thấy trước đây… Cùng lúc đó, mưa lớn và mưa đá ập đến với tất cả sự giận dữ nhằm vào chúng tôi.”

May mắn thay cho các thủy thủ, nhu cầu về tàu thuyền đi vòng quanh Cape Horn đã giảm bớt sau khi Kênh đào Panama mở cửa vào tháng 8 năm 1914, cho phép tàu thuyền đi giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua Trung Mỹ.

Theo IFLscience/earthobservatory/VGT



BÀI CHỌN LỌC

Đại Tây Dương và Thái Bình Dương có ranh giới phân biệt không?