Danh tính 'người hùng' giăng biểu ngữ phản đối chính quyền ở Bắc Kinh được tiết lộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước thềm Đại hội 20 của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hôm 13/10 trên cầu Tứ Thông (Sitong), quận Hải Điến (Haidian) ở Bắc Kinh bất ngờ xuất hiện một số biểu ngữ phản đối. Danh tính người giăng biểu ngữ phản đối chính quyền Bắc Kinh cũng được tiết lộ.

Trước tất cả các camera giám sát Bắc Kinh, một người đàn ông ăn mặc như một công nhân xây dựng đã giăng hai biểu ngữ trên cầu vượt Tứ Thông (Sitong), quận Hải Điến (Haidian) ở Bắc Kinh vào ngày 13/10, yêu cầu chấm dứt các chính sách zero COVID hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và kêu gọi lật đổ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Danh tính 'người hùng' giăng biểu ngữ phản đối chính quyền Bắc Kinh

Người đàn ông này sau đó được xác định bởi China Change, một nền tảng thông tin về nhân quyền, pháp quyền và xã hội dân sự ở Trung Quốc. Bà Yaxue Cao, một người sáng lập China Change, đã đăng trên Twitter vào ngày 14/10 rằng người đàn ông đó là Bành Tái Chu (Peng Zaizhou), tên khai sinh là Bành Lập Phát (Peng Lifa).

Ông Bành đã viết trên một trong những biểu ngữ: “Không cần xét nghiệm COVID, chúng tôi muốn lương thực. Không cần phong tỏa; chúng tôi muốn tự do. Không cần dối trá; chúng tôi muốn phẩm giá. Không cần Cách mạng Văn hóa; chúng tôi muốn cải cách. Không cần lãnh đạo; chúng tôi muốn bầu cử. Không cần nô lệ; chúng tôi muốn trở thành công dân".

Trên một biểu ngữ khác, ông Bành ủng hộ các cuộc đình công của sinh viên, giáo viên và công nhân. Ông cũng yêu cầu cách chức ông Tập Cận Bình, người mà ông gọi là “kẻ độc tài và kẻ phản bội”.

Trước khi có hành động này, ông Bành Tái Chu đã gửi thông điệp tới cộng đồng mạng: “Các bạn, chúng tôi sắp hành động. Tôi hy vọng các bạn có thể chuyển tiếp thông điệp này, xin cảm ơn!”. Ông Bành cũng viết một kế hoạch hành động vào ngày 16/10 rằng: “Tổng động viên toàn quốc bãi công bãi khóa, tổng động viên quân đội cả nước nổi dậy, tổng động viên xe hơi toàn quốc mở còi phản đối, tổng động viên quân đội nổi dậy”.

Ông Bành Tái Chu cũng đính kèm một liên kết đến tài liệu “Chiến lược ngăn chặn Tập Cận Bình” với 21 chương, bao gồm: Đấu tranh phế bỏ quốc tặc, Bức thư gửi người dân Trung Quốc, Bài hát “lá phiếu muôn năm”, Chúng ta là ai, Cải cách hiến pháp, Chống tham nhũng và Giám sát chính phủ, Chính sách tài khóa và thuế, cải cách kinh tế…

Nhiều cư dân mạng đã hưởng ứng theo rằng vào ngày 16/10 diễn ra Đại hội 20 của ĐCSTQ, trên cả nước cần đình công, bấm còi xe, bày tỏ sự bất bình và phản đối nhà cầm quyền, “Trên con đường theo đuổi tự do, nước Trung Quốc cần có chí nam nhi!”.

Các video và hình ảnh ông Bành treo các biểu ngữ và dùng loa hô hào những câu phản đối như ghi trong biểu ngữ đã nhanh chóng lan truyền ở trong và ngoài Trung Quốc. Có thể nhìn thấy khói đen bốc lên từ cầu vượt Tứ Thông, khi ông Bành đốt thứ trông giống như lốp xe để tạo ra khói nhằm thu hút sự chú ý của người qua đường.

Cây cầu nằm ở phía tây bắc quận Hải Điến của thành phố Bắc Kinh, là nơi tọa lạc của một số trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, bao gồm Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, và gần khu công nghệ cao Trung Quan Thôn (Zhongguancun) được mệnh danh là thung lũng silicon của Trung Quốc.

Ông Bành ngay sau đó bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ. Kể từ đó, không có thông tin về nơi ở hoặc tình trạng sức khỏe của ông, gây ra mối lo ngại ở trong và ngoài Trung Quốc về sự an toàn của ông Bành.

ĐCSTQ thắt chặt kiểm duyệt

Chế độ Trung Quốc đã hành động nhanh chóng để chặn thông tin về cuộc biểu tình lan truyền trên mạng, diễn ra chỉ vài ngày trước thềm đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ — một sự kiện diễn ra 5 năm một lần khi ĐCSTQ thực hiện cải tổ chính trị và quyết định các chính sách trong 5 năm tới.

Các từ ngữ nhạy cảm đã được ĐCSTQ bổ sung vào nỗ lực kiểm duyệt trực tuyến trên mạng xã hội nước này.

Ngoài các từ và cụm từ trên các biểu ngữ, các cụm từ như cầu Tứ Thông, Bắc Kinh, Hải Điến, biểu ngữ, người đàn ông dũng cảm và lòng dũng cảm đã bị kiểm duyệt trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

Những tài khoản của những người chia sẻ hình ảnh và video về cuộc biểu tình của ông Bành cũng đã bị đóng băng.

Cụm từ "Tôi đã nhìn thấy!" cũng đã bị cấm trên mạng xã hội Trung Quốc, sau khi mọi người bắt đầu sử dụng nó để ám chỉ cuộc biểu tình.

Theo China Change, một nhà báo cho biết tài khoản của ông đã bị đóng băng trong 60 ngày vì chỉ đăng nội dung "Tôi đã nhìn thấy!".

Một bài hát với tựa đề "Cầu Tứ Thông" cũng đã bị xóa khỏi các nền tảng âm nhạc trực tuyến của Trung Quốc, theo tờ AP hôm 13/10.

Tăng cường lực lượng an ninh bảo vệ cây cầu

Chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng trước sự kiện này bằng cách thắt chặt hơn nữa an ninh trước thềm đại hội toàn quốc vào ngày 16/10.

Bên cạnh việc cảnh sát tuần tra, kiểm tra người dân tại các khu vực gần cầu Tứ Thông, chính quyền địa phương Bắc Kinh còn khẩn trương dán quảng cáo tuyển dụng nhân viên an ninh tạm thời với mục đích duy nhất là trông chừng các cây cầu ở Bắc Kinh. Chức danh công việc của những nhân viên bảo vệ này là “nhân viên gác cầu”, được dịch trực tiếp từ cụm từ tiếng Trung.

Ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times đã xem các quảng cáo tuyển dụng và liên hệ với một số nhà tuyển dụng.

Một trong những nhà tuyển dụng trên nói với The Epoch Times rằng họ chỉ muốn tuyển dụng nam nhân viên bảo vệ cây cầu.

Theo các thông báo tuyển dụng, mức lương công nhật của nhân viên bảo vệ cầu dao động từ 240 NDT (33 USD) đến 360 NDT (50 USD). Ứng viên phải cao ít nhất khoảng 1.65m và trong độ tuổi từ 18 đến 45. Họ được cung cấp lều ở trên hoặc dưới cây cầu, nơi họ được chỉ định làm việc. Bình thường một ca có hai nhân viên bảo vệ và có thể thay phiên nhau nghỉ ngơi.

Một công ty tuyển dụng khác nói với The Epoch Times rằng họ muốn tuyển nhân viên bảo vệ trông chừng cây cầu trong suốt tháng 10. Công ty này cho hay, họ muốn tuyển dụng khoảng 20 bảo vệ, trong khi một số công ty khác muốn tuyển dụng ít nhất 100 người.

Các bài đăng trực tuyến cho thấy những nhân viên bảo vệ này mặc áo huỳnh quang có chữ “Dân quân Trung Quốc”.

Một nhân viên của một cơ quan tuyển dụng nói với The Epoch Times rằng họ tuyển dụng nhân viên bảo vệ tạm thời, không chỉ cho đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ mà nhằm mục đích “duy trì ổn định xã hội” thường xuyên theo yêu cầu của chế độ này.

ĐCSTQ coi những người bất đồng chính kiến, các nhóm tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền, cựu chiến binh là những phần tử “gây bất ổn” cho Trung Quốc, trong khi các nhà phê bình chỉ ra rằng những nhóm này chỉ gây bất ổn cho sự cai trị chuyên chế của chế độ này. Chính quyền Bắc Kinh dành 1% ngân sách khổng lồ cho cảnh sát, an ninh nhà nước, dân quân dân sự có vũ trang, tòa án và nhà tù, cũng như công nghệ và thiết bị giám sát trí tuệ nhân tạo (AI) hàng năm để truy quét những người này ở Trung Quốc.

The Epoch Times đưa tin vào năm 2018 rằng ĐCSTQ đã chi cho an ninh nội địa nhiều hơn cho quốc phòng trong các năm 2009, 2011 và 2013 và Bộ Tài chính của nước này đã ngừng đưa những khoản ngân sách đó vào tổng ngân sách hàng năm. Năm 2013, chế độ này đã chi 121 tỷ USD cho an ninh nội địa so với 114 tỷ USD cho quốc phòng.

Ông Lý Đại Vũ (Li Dayu), một cựu nhà báo Trung Quốc trở thành Youtuber, hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ, đã nói trong một video gần đây rằng ĐCSTQ tuyển dụng “bảo vệ trông chừng cây cầu” là “ngu ngốc” vì các biểu ngữ cũng có thể xuất hiện ở những nơi khác, kể cả trên các bức tường, cành cây và cột điện. "ĐCSTQ phải thuê thêm bao nhiêu người nữa? Có lẽ họ cũng cần thuê 'người trông chừng bức tường' và 'người trông chừng cột điện' trong tương lai".

The Epoch Times đã liên hệ với Văn phòng Hành chính Đô thị và Thực thi Pháp luật quận Hải Điến, và một nữ nhân viên trả lời rằng chính văn phòng quận cũng đang tuyển nhân viên bảo vệ cầu. The Epoch Times đã liên hệ với văn phòng tiểu khu Hải Điến nhưng không nhận được phản hồi nào tính đến thời điểm báo chí đưa tin.

Tờ RFA hôm 14/10 đưa tin, chính quyền nhiều quận khác ở Bắc Kinh cũng đang gấp rút đăng quảng cáo tuyển dụng “bảo vệ gác cầu” túc trực gác cầu 24 giờ một ngày trong hai ca.

Ông Vương Đan (Wang Dan), một cựu lãnh đạo sinh viên của cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989, đã ca ngợi người biểu tình Bành Lập Pháp là “người xe tăng” hay “Dũng sĩ cầu vượt Tứ Thông” của Trung Quốc vì lòng dũng cảm lên tiếng và hành trình tìm kiếm tự do dân chủ.

Ông Vương Đan nhấn mạnh rằng "ai nói Trung Quốc không có chiến binh". Sự can đảm của người đàn ông Trung Quốc vô danh này có thể được mô tả là "gây kinh động", và ông chính là "người xe tăng" mới đương đại.

Tên tài khoản trực tuyến "Tái Chu" của ông Bành có nghĩa là "giữ vững con thuyền" trong tiếng Anh và nó bắt nguồn từ một câu nói cổ trong đạo trị quốc của vị Hoàng đế Đường Thái Tông cách đây 1000 năm thời Trung Quốc cổ đại.

Được biết, Đường Thái Tông Lý Thế Dân là một trong những vị minh quân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ông công nhận rằng mối quan hệ giữa quân vương và dân chúng giống như mối quan hệ giữa thuyền và nước.

Ông từng nói: Quân chủ giống như thuyền, còn dân giống như nước. Nước có thể nâng thuyền lên nhưng cũng có thể làm lật thuyền.

Cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 đã kết thúc bằng một cuộc thảm sát của chính quyền Trung Quốc, họ đã cử xe tăng và binh lính bắn đạn thật để hạ gục các sinh viên biểu tình ôn hòa tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Người ta ước tính rằng đã có hàng ngàn người chết trong sự kiện đẫm máu này.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Danh tính 'người hùng' giăng biểu ngữ phản đối chính quyền ở Bắc Kinh được tiết lộ