Dấu chân trên bãi biển Nam Phi tiết lộ người tiền sử có thể đã đi giày dép từ 130.000 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ tiên của chúng ta đã tạo ra những đôi giày dép đầu tiên khi nào và ở đâu? Chúng ta không thể dựa vào bằng chứng vật lý của các đôi giày để tìm câu trả lời, vì vật liệu làm ra chúng đã bị phân hủy và không còn tồn tại nữa. Khoa học nghiên cứu về dấu vết hóa thạch và vết tích, ichnology, có thể giúp trả lời câu hỏi chưa có đáp án này thông qua việc tìm kiếm bằng chứng rõ ràng về dấu chân do con người đi giày tạo ra.

Tuy nhiên, đây không phải là một công việc đơn giản, như nhóm nghiên cứu của chúng tôi từ dự án ichnology tại bờ biển phía nam Cape ở Nam Phi đã báo cáo gần đây. Trong 15 năm qua, chúng tôi đã xác định được hơn 350 địa điểm có dấu vết của động vật có xương sống dọc theo bờ biển Cape. Trong số này có một số dấu vết do con người tạo ra, họ rõ ràng đã đi hoặc chạy bộ bằng chân trần biểu hiện qua các dấu ngón chân. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy những dấu vết tương tự, dường như được bảo quản tốt, không có vết ngón chân nào. Nhận thấy rằng đã có rất ít nghiên cứu được thực hiện về thời điểm con người lần đầu tiên tạo ra giày dép, chúng tôi quyết định nghiên cứu sâu hơn.

Để làm điều đó, chúng tôi đã xem xét các nghiên cứu liên quan từ nhiều nơi trên thế giới, sử dụng kiến ​​thức của chúng tôi về các cột mốc quan trọng trong sự phát triển công nghệ của con người, chẳng hạn như thời điểm và địa điểm mà tổ tiên chúng ta có công nghệ để tạo ra các công cụ bằng xương có thể đã được sử dụng để khâu vá.

kim khâu cổ đại
Một chiếc kim làm từ vật liệu xương động vật, có lẽ có niên đại từ cuối thời kỳ đồ đồng đến La Mã. (Ảnh: The Portable Antiquities Scheme/ The Trustees of the British Museum/ CC BY-SA 4.0)

Chúng tôi cũng đã xem xét các khu vực có các báo cáo về dấu vết của tông người (hominin). Điều này cho thấy rằng có hai địa điểm chính trên hành tinh để tìm kiếm bằng chứng dấu chân của những người tiền sử đầu tiên mang giày dép: Tây Âu và bờ biển Cape của Nam Phi. Chúng tôi tiếp tục với việc tự tay chế tạo ra các loại giày dép có thể đã được người tiền sử sử dụng. Hầu hết các địa điểm có dấu vết mà chúng tôi tìm thấy đều có tuổi từ khoảng 70.000 năm đến 150.000 năm. Do đó, đây chính là khoảng thời gian chúng tôi tập trung vào.

Những phát hiện của chúng tôi, được công bố gần đây trên tạp chí Ichnos, cho thấy rằng có ít nhất ba địa điểm trên bờ biển phía nam Cape có thể đã được tạo ra bởi con người mang giày (địa điểm thứ tư không may nhanh chóng xuống cấp về chất lượng và chìm xuống biển). Hồ sơ toàn cầu về các địa điểm được cho là của những người mang giày để lại là rất hiếm. Cho đến nay, chỉ có bốn địa điểm có niên đại hơn 30.000 năm được công nhận, tất cả đều ở phía tây châu Âu, bao gồm cả một địa điểm của người Neanderthal.

Mặc dù bằng chứng chưa thể kết luận chắc chắn, chúng tôi rất phấn kích về những khám phá của mình. Chúng ủng hộ quan điểm cho rằng miền nam châu Phi là một khu vực, nơi khả năng nhận thức và thực hành của con người đã phát triển từ rất lâu.

Nghiên cứu của chúng tôi

Chúng tôi đã xem xét các nghiên cứu đã được công bố về dấu vết có thể do con người mang giày để lại ở phía tây châu Âu và tìm kiếm các địa điểm tương tự ở bờ biển Cape. Hiện nay, các bề mặt cồn cát cổ xưa mà tổ tiên chúng ta đã đi qua đã được xi măng hóa và bảo tồn dưới dạng aeilianites, các loại đá được hình thành do quá trình thạch hóa trầm tích lắng đọng bởi gió. Trước đây chúng tôi đã báo cáo về dấu vết của tổ tiên Homo sapiens đi chân trần dọc theo bờ biển này và hiện tập trung vào ba địa điểm dường như có nguồn gốc từ người tiền sử và đã được phác thảo rõ ràng, nhưng không thấy có bằng chứng về dấu vết ngón chân.

Tiếp theo, chúng tôi dựa trên kiến ​​thức về những đôi dép được người San bản địa sử dụng trên cát của sa mạc Kalahari để có ý tưởng về hình dáng của giày dép cổ xưa. Sau khi nghiên cứu các mẫu vật trong bảo tàng, mô tả về giày dép trong hồ sơ nghệ thuật đá San và những mẫu giày cổ nhất còn sót lại, chúng tôi bắt tay vào làm thử những đôi giày.

Chúng tôi đã chế tạo nhiều loại giày dép khác nhau và sử dụng chúng để tạo ra dấu vết trên các bãi biển và cồn cát ở bờ biển phía nam Cape; sau đó chúng tôi đã phân tích chúng.

Những thí nghiệm này cho thấy rõ rằng một thiết kế đế cứng, mở, với các dấu vết được tạo ra trên cát ẩm, mềm vừa phải nhưng vẫn kết dính, là phù hợp nhất với những phát hiện tại ba địa điểm hóa thạch.

Sự bảo tồn tốt và rõ ràng của dấu vết

Thông thường, để xác định dấu vết của người tiền sử, sự hiện diện và thẳng hàng của các dấu ngón chân là một yếu tố quan trọng. Rõ ràng những đặc điểm như vậy khó có thể xuất hiện trong dấu vết của tổ tiên con người sử dụng giày dép. Chúng tôi cần đảm bảo rằng những phát hiện về người tiền sử mang giày dép là có thật chứ không phải do bảo tồn kém hoặc sự xói mòn, hoặc các dấu vết chỉ đơn giản là do con người chân trần tạo ra trên cát mềm.

Do đó, ranh giới rõ ràng của các dấu vết trở thành một đặc điểm quan trọng tại ba địa điểm. Các dấu vết phải có hình dáng tương tự dấu chân của người tiền sử. Các điểm gắn quai dép, nếu chúng để lại dấu vết, sẽ là một điểm đáng chú ý.

Hiện tại, không có địa điểm nào trong số ba địa điểm này được xác minh niên đại, mặc dù các địa điểm gần đó cho thấy rằng chúng có niên đại từ khoảng 70.000 năm đến hơn 130.000 năm trước.

Bằng chứng của chúng tôi thu được chỉ mang tính gợi ý, do đó chúng tôi vẫn chưa coi đó là kết luận cuối cùng. Chúng tôi đang tìm kiếm các địa điểm khác mà lý tưởng nhất là ngoài việc bảo tồn tốt, còn có các dãy dấu vết dài để cho phép phân tích chi tiết.

Tại sao người tiền sử lại tạo ra giày dép?

Một câu hỏi rõ ràng xuất phát từ nghiên cứu này là tại sao tổ tiên của chúng ta lại quyết định tạo ra giày dép, trong khi cho đến thời điểm đó họ vẫn đang tồn tại bằng chân trần.

Có lẽ một khi họ đã phát triển khả năng tạo ra quần áo phức tạp thông qua các công cụ bằng xương, thì giày dép có thể là một sự bổ sung hợp lý. Bất cứ ai từng cố gắng tìm kiếm thức ăn trên bờ biển Cape ngày nay đều biết tại đó có một số mảnh đá rất sắc nhọn và bàn chân sẽ rất dễ bị thương nếu không đi giày. Vào thời kỳ đồ đá giữa, khoảng 130.000 năm trước, một vết rách bị nhiễm trùng có thể coi là một án tử hình.

Việc bảo vệ khỏi thời tiết cực đoan, quá nóng và quá lạnh, cũng có thể là động cơ, và việc sử dụng giày dép ban đầu có thể chỉ xảy ra thỉnh thoảng hoặc không đều đặn.

Bài viết này ban đầu được xuất bản với tiêu đề “Ancient shoes: tracks on a South African beach offer oldest evidence yet of human footwear” (Tạm dịch: Những đôi giày cổ: dấu vết trên bãi biển Nam Phi cung cấp bằng chứng lâu đời nhất về giày dép của con người) của Charles Helm trên The Conversation.

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

Dấu chân trên bãi biển Nam Phi tiết lộ người tiền sử có thể đã đi giày dép từ 130.000 năm trước