Dầu thực vật và dầu động vật: Loại nào nên dùng ít hơn? 3 loại dầu ăn nên tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dầu ăn là thứ không thể thiếu trong quá trình chế biến và nấu các món ăn. Trong những năm gần đây, khi nhận thức của mọi người về an toàn thực phẩm và sức khỏe ngày càng gia tăng, việc lựa chọn và sử dụng dầu ăn như thế nào đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu.

Dầu đậu nành, một trong những loại dầu ăn phổ biến, nhưng luôn là tâm điểm tranh cãi về mức độ an toàn của nó. Vậy, dầu đậu nành có thực sự tệ như một số người vẫn nghĩ?

Trước hết, hãy làm sáng tỏ một số hiểu lầm về dầu đậu nành.

Là một loại dầu thực vật, mặc dù dầu đậu nành có thể chứa một lượng dung môi hữu cơ và tạp chất trong quá trình chiết xuất, nhưng những chất này có điểm sôi thấp, dễ bay hơi và loại bỏ. Do đó, dư lượng không đủ để gây hại cho cơ thể.

Một số người cho rằng dầu đậu nành không tốt chủ yếu là do nó chứa một lượng chất béo chuyển hoá nhất định. Tuy nhiên, hàm lượng chất béo chuyển hóa được tạo ra trong quá trình tinh chế dầu thực vật thực sự thấp và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe nếu tiêu thụ ở mức vừa phải. Vì vậy, về cơ bản, dầu đậu nành là an toàn cho tiêu dùng hàng ngày.

Thứ hai, khi đánh giá chất lượng của dầu ăn, chúng ta có xu hướng tập trung vào hàm lượng axit béo của nó. Tính lành mạnh của dầu ăn không thể đơn giản được đánh giá chỉ bằng một yếu tố duy nhất. Các loại dầu thực vật khác nhau có các loại và tỷ lệ axit béo khác nhau, nên tác dụng của chúng đối với sức khỏe cũng khác nhau.

Axit béo được chia thành axit béo bão hòa, axit béo không bão hòa đơn và axit béo không bão hòa đa. Dầu động vật chứa hàm lượng axit béo bão hòa và cholesterol cao, có thể làm tăng nguy cơ cho sức khỏe tim mạch khi tiêu thụ với lượng lớn trong thời gian dài. Ngược lại, dầu thực vật giàu axit béo không no như axit oleic và axit linolenic, có lợi cho sức khỏe.

Thứ ba, hãy cùng xem xét sự khác biệt giữa dầu động vật và dầu thực vật. Dầu động vật chủ yếu bao gồm mỡ lợn, bơ và mỡ bò, có thể tăng cường hương vị của thức ăn trong khi nấu. Tuy nhiên, dầu động vật có hàm lượng cholesterol và axit béo bão hoà cao hơn, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi tiêu thụ với lượng lớn trong thời gian dài.

Nếu so sánh, dầu thực vật là lựa chọn lành mạnh hơn. Dầu thực vật chứa một lượng lớn axit béo không bão hòa đa như axit oleic, axit linolenic, v.v., có lợi cho tim mạch. Mặc dù dầu thực vật giàu vitamin E nhưng nó lại thiếu vitamin K và A.

Do đó, khi chọn dầu ăn, nên sử dụng ít dầu động vật và chọn nhiều dầu thực vật hơn. Dầu thực vật chứa nhiều axit béo không bão hòa hơn, có những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, các loại dầu thực vật khác nhau có thành phần dinh dưỡng khác nhau, do đó, điều quan trọng là kiểm soát tổng lượng tiêu thụ và thỉnh thoảng chuyển sang các loại dầu ăn khác nhau để đảm bảo dung nạp chất dinh dưỡng toàn diện.

Thứ tư, có ba loại dầu cần đặc biệt lưu ý: dầu đã mở nắp quá ba tháng, dầu đã dùng đi dùng lại nhiều lần để chiên rán và dầu chiết xuất bởi các cơ sở nhỏ lẻ. Những loại dầu này mang đến những rủi ro về sức khỏe như quá trình oxy hóa và chứa chất gây ung thư quá mức.

  • Dầu đã mở nắp lâu ngày dễ bị oxy hóa khi tiếp xúc với oxy trong không khí, hàm lượng vi khuẩn và nấm mốc có thể vượt quá giới hạn an toàn.
  • Dầu đã dùng đi dùng lại nhiều lần để chiên có thể chứa chất gây ung thư.
  • Dầu chiết xuất bởi các cơ sở nhỏ lẻ thường gặp vấn đề về chất lượng nguyên liệu và tiêu chuẩn chế biến, có thể chứa các chất độc hại như aflatoxin, tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe.

Do đó, khi mua dầu ăn, chúng ta nên chú ý đến những vấn đề này và chọn các thương hiệu uy tín để tránh mua phải dầu kém chất lượng.

Đối với bốn loại dầu ăn phổ biến: dầu đậu phộng, dầu hạt cải, dầu oliu và dầu đậu nành, không có câu trả lời tuyệt đối cho loại nào tốt nhất. Có nhiều yếu tố khác nhau như nguồn gốc của dầu, công nghệ chế biến và chất lượng, dẫn đến thành phần và tỷ lệ khác nhau. Để đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, nên luân phiên sử dụng các loại dầu ăn khác nhau, từ đó đảm bảo nạp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.

Theo Song Yun - Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Dầu thực vật và dầu động vật: Loại nào nên dùng ít hơn? 3 loại dầu ăn nên tránh