Di truyền làm chó con giao tiếp với con người mà không cần học hỏi, kết quả nghiên cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới cho thấy những con chó còn rất nhỏ, ít tiếp xúc với con người có thể hiểu các cử chỉ chỉ tay của con người và khả năng này có cơ sở di truyền mạnh mẽ. Chó con được sinh ra đã sẵn sàng giao tiếp với con người.

Những người nuôi chó có thể không quá ấn tượng khi họ chỉ tay vào một miếng thịt gà là chó sẽ lao tới miếng thịt gà đó, hoặc khi họ ném một cây gậy thì chó của họ sẽ lao theo và nhặt gây gậy mang trở về. Những khả năng có thể hiểu được và làm theo các cử chỉ của con người của loài chó, nghe có vẻ đơn giản này nhưng rất hiếm động vật có thể hiểu được như vậy. Một số nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả tinh tinh, họ hàng tiến hóa gần nhất của chúng ta, cũng không hiểu ngôn ngữ chỉ tay của con người như các chú chó.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã tranh luận về việc liệu loài chó có phải mất nhiều thời gian quan sát học hỏi từ con người để có thể hiểu được ngôn ngữ cử chỉ của con người hay không?

Liệu những người bạn đồng hành lông lá của chúng ta có đã có sẵn khả năng hiểu được kỹ năng giao tiếp phức tạp này khi mới chào đời?

Giờ đây, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology đã phát hiện ra rằng ngay cả những chú chó con 8 tuần tuổi ít tiếp xúc với con người cũng có thể hiểu chỉ tay và thể hiện mức độ nhận thức xã hội tinh vi trong các bài kiểm tra khác của con người. Trên hết, nghiên cứu phát hiện ra rằng cấu tạo di truyền có tính quyết định tạo nên phản ứng về khả năng làm theo chỉ tay trỏ đến một món ăn cũng như xu hướng chú ý đến khuôn mặt người của loài chó.

Ảnh minh họa: Pixabay

Emily E. Bray, một nhà tâm lý học nghiên cứu hành vi của động vật tại Đại học Arizona và là tác giả chính của nghiên cứu, nói rằng những kỳ tích về nhận thức của loài chó này cũng dựa trên di truyền, giống như trí thông minh của con người. Bà nói: “Tất cả điều này cho thấy rằng loài chó được chuẩn bị về mặt sinh học để giao tiếp với con người”.

Evan MacLean, nhà tâm lý học so sánh tại Đại học Arizona và đồng tác giả của nghiên cứu đưa ra hai câu hỏi chính. Đầu tiên là liệu những chú chó con chưa có thời gian ở cạnh với con người có nhạy cảm với những nỗ lực giao tiếp của con người hay không. Thứ hai là liệu sự thông minh này của chó con có cơ sở di truyền hay không.

Vào năm 2017, Bray và các đồng tác giả nghiên cứu của cô đã bắt đầu nghiên cứu với 375 con chó Labrador và chó lông vàng từ 8 đến 10 tuần tuổi từ Canine Companions for Independence, một tổ chức nhân giống chó dịch vụ để hỗ trợ những người khuyết tật hoặc những người bị căng thẳng sau chấn thương. Điều quan trọng, Canine Companions cũng lưu giữ thông tin rộng rãi về phả hệ của mỗi con chó trong nhiều thập kỷ qua, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho khía cạnh di truyền của nghiên cứu.

Ở độ tuổi này, những chú chó con đã dành gần như mọi phút trong ngày với mẹ hoặc với bạn cùng lứa. Điều này khiến những chú chó con trở thành những cộng tác viên hoàn hảo khi cố gắng giải quyết câu hỏi liệu những kỳ tích về nhận thức xã hội của loài chó là do học hỏi hay bẩm sinh. Tuy nhiên, ở cấp độ thực tế hơn, những chú chó con không phải lúc nào cũng đáng yêu khi làm việc với các nhà khoa học.

MacLean nói: “Chúng thật đáng yêu và hồn nhiên. Nhưng chúng là những chú chó con, thời gian đầu phân và nước tiểu của chúng vung vãi khắp nơi. Khi bắt đầu dự án này, nó giống như "những chú chó con" rốt cuộc thì nó cũng chỉ là "những chú chó con"''.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã cho những chú chó con thực hành bốn nhiệm vụ được thiết kế sẵn để kiểm tra nhận thức xã hội của chúng.

Hai nhiệm vụ đầu tiên nhằm đánh giá khả năng hiểu cử chỉ của con người của chó con. Các nhà nghiên cứu đã chọn một vị trí xa khuất tầm nhìn, họ đặt một cái bát có thức ăn cạnh một bát không có thức ăn. Khi nhà nghiên cứu chỉ tay vào chiếc bát có thức ăn, họ muốn biết chó con có đến đúng chiếc bát đó không. Trong phiên bản thứ hai, các nhà khoa học cho chú chó con xem một khối lập phương nhỏ màu vàng, sau đó đặt khối lập phương đó trước chiếc bát có phần thưởng.

Trong cả hai nhiệm vụ, những chú chó con đi đến đúng bát trung bình là 67% thời gian, tốt hơn nhiều so với độ chính xác 50% mà chúng ta mong đợi.

Các nhà nghiên cứu cũng rải những vụn thức ăn vào hai cái bát để đảm bảo rằng những con chó con không thể dùng mũi của chúng để phát hiện ra món ăn bằng cách đánh hơi vì cả hai bát thức ăn đều có mùi của món ăn. Những con chó chỉ đoán đúng khoảng 49% trong thử nghiệm này, cho thấy cử chỉ của con người là yếu tố quyết định giúp chúng được cải thiện độ chính xác trong các thử nghiệm khác.

MacLean nói rằng mặc dù chỉ mới được tám tuần tuổi trung bình, những con chó con có thể làm theo các cử chỉ của con người giống như những con chó trưởng thành. Hơn nữa, mỗi lần thử nghiệm phải thực hiện nhiệm vụ tối đa 12 lần và độ chính xác khi chọn bát thức ăn của chúng khá ổn định từ lần thử nghiệm đầu tiên đến lần cuối cùng, có nghĩa là chúng không cải thiện theo kinh nghiệm. MacLean nói: “Tuy nhiên chúng đang theo dõi quá trình này. Những chú chó đã có thể hiểu cử chỉ tay đó ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên và độ chính xác không tiến triển tốt hơn theo thời gian”, MacLean nói. “Điều đó nói rằng những con chó này đã sẵn sàng để làm những điều đó và không cần phải học hỏi”.

Ảnh minh họa: Pixabay

Thử nghiệm thứ ba để đánh giá mức độ chú ý đến khuôn mặt người của chó con bằng cách yêu cầu người thử nghiệm đọc lại một đoạn kịch bản dài 30 giây với giọng thì thầm tương tự như trò chuyện của trẻ nhỏ trong khi nhìn chằm chằm vào chú chó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng chú chó con chú ý đến khuôn mặt của người đọc khoảng 6 giây. Những con chó trưởng thành có xu hướng giao tiếp bằng mắt với con người nhiều hơn, điều đó cho thấy rằng khuôn mặt của con người là thứ mà chúng học được và chú ý hơn theo thời gian.

Thử nghiệm thứ tư và cũng là thử nghiệm cuối cùng được các nhà nghiên cứu gọi là “nhiệm vụ khó giải quyết”. Đối với thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã thử thách những chú chó con với một hộp đựng đồ ăn với sự bố trí các hộp chứa đồ ăn càng ngày càng khó lấy. Cuối cùng họ muốn xem liệu khi không thể lấy được thức ăn trong đó thì chó con có xu hướng tìm đến người để được giúp đỡ hay không (một hành vi đã được ghi nhận rõ ràng ở chó trưởng thành). Trong thử nghiệm này, những chú chó con chủ yếu phớt lờ người ở gần, chỉ tìm kiếm trung bình khoảng một giây, cho thấy rằng chó con không được sinh ra với bản năng tìm kiếm sự giúp đỡ của con người mà là học hành vi đó khi chúng tương tác nhiều hơn với chúng ta.

Sau đó, các nhà nghiên cứu kết hợp kết quả nghiên cứu của những chú chó con trong bốn nhiệm vụ này với thông tin phả hệ phong phú về mỗi chú chó con do Canine Companions cung cấp. Điều này cho phép họ đánh giá xem gia đình của từng chú chó, và do đó đánh giá di truyền cơ bản của chúng, cung cấp giải thích thống kê tốt hơn về hiệu suất của chúng trong các nhiệm vụ so với các yếu tố khác bao gồm giống chó, giới tính, tuổi và vị trí nuôi dưỡng.

Theo bài báo, một chú cún con thành công khi làm theo cử chỉ trỏ tay của người và có xu hướng chú ý vào mặt người trong suốt trong suốt đoạn kịch bản dài 30 giây đều có tính di truyền cao. Hơn 40% sự thay đổi trong hiệu suất là do di truyền.

Bridgett vonHoldt, một nhà di truyền học nghiên cứu về chó và sói tại Đại học Princeton, cho biết: “Hệ số di truyền khoảng 40% là một con số đáng kinh ngạc.

Hiệu suất trong hai nhiệm vụ sau ít có tính di truyền hơn nhiều, điều mà MacLean nói với chúng ta rằng không phải tất cả các đặc điểm này đều có thành phần di truyền mạnh như nhau.

Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy khả năng theo dõi các tín hiệu xã hội như chỉ tay của con người ở loài chó có cơ sở di truyền. Tuy nhiên, theo Monique Udell, một nhà tâm lý học nghiên cứu tương tác giữa người và động vật tại Đại học bang Oregon (người không tham gia vào nghiên cứu này) nói rằng đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy, phần lớn loài chó không cần phải có được những đặc điểm này thông qua học tập và một số hình thức nhận thức xã hội thực sự có được là từ di truyền.

Zachary Silver, nhà tâm lý học so sánh tại Đại học Yale cho biết: “Bài báo này cung cấp cho chúng tôi bằng chứng rất rõ ràng rằng việc nhận thức các dấu hiệu xã hội của chó con có thể là một đặc điểm chính được lựa chọn trong quá trình thuần hóa chó".

Bray cho biết cô và các đồng tác giả của mình đang thực hiện một nghiên cứu tiếp theo về bộ gen của những con chó từ Canine Companions để tìm kiếm các gen tương quan với các kiểu nhận thức xã hội tương tự được khám phá trong bài báo hiện tại.

MacLean cho biết, ngoài khả năng cung cấp cho việc thuần hóa chó, việc xác định cơ sở di truyền của bộ kỹ năng xã hội này ở loài chó có thể giúp chúng ta lai tạo ra những chú chó nghiệp vụ thành công hơn nữa. Ông nói: “Khoảng một nửa số chó tham gia các chương trình huấn luyện để trở thành chó nghiệp vụ không thành công, vì vậy cần tìm ra chú chó nào xuất sắc trong những vai trò đó có khả năng tiết kiệm tài nguyên và giúp đỡ con người”.

Ngọc Mai

Theo Smithsonian



BÀI CHỌN LỌC

Di truyền làm chó con giao tiếp với con người mà không cần học hỏi, kết quả nghiên cứu