Những thanh bảo kiếm nổi tiếng nhất lịch sử khảo cổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có những thanh kiếm có thể chém vào và ghim trong tảng đá to lớn, cứ như người ta dùng một con dao cắt vào bơ, và có những bảo kiếm niên đại từ hàng ngàn năm trước, nhưng không thể tìm thấy dù chỉ một dấu vết hoen gỉ trên thân kiếm…

Các thanh gươm báu thường gắn liền với các bậc đế vương, bên ngoài để thể hiện sự uy nghiêm, đồng thời còn có tác dụng phòng thân. Bài viết này xin giới thiệu 7 bảo kiếm có một không hai trên thế giới, có cái được mang lên từ những ngôi cổ mộ, có cái là thanh gươm mang lời nguyền, có cái bị nghi là gươm của người khổng lồ.

Cửu long bảo kiếm của vua Càn Long

Đây là một bảo vật hiếm có và vô cùng có giá trị vào thời nhà Thanh. Sở dĩ gọi là Cửu Long bảo kiếm là vì trên phần thân của thanh kiếm quý này có khắc 9 con rồng vàng, tượng trưng cho "cửu cửu quy nhất", thể hiện sức mạnh và ước nguyện mãi trường tồn của nhà Thanh. Việc sản xuất kiếm phải mất khoảng thời gian đến 10 năm mới hoàn thành.

Đây được coi là báu vật mà lúc sinh thời vua Càn Long, một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của nhà Thanh, rất mực yêu thích. Thậm chí, thanh kiếm đặc biệt này đã được bồi táng cùng với ông sang thế giới bên kia.

Cửu long bảo kiếm
Cửu long bảo kiếm của Càn Long (Ảnh KKnews)

Cửu long bảo kiếm bị Tôn Điện Anh đào trộm từ ngôi mộ cổ của vua Càn Long. Tương truyền, đây vốn là một thứ bảo vật đặc biệt, đặc biệt là luôn có một lớp sương mù kỳ lạ bao quanh thanh kiếm, và nó mang theo lời nguyền đáng sợ khi tất cả những kẻ không được phép mà chạm vào thanh kiếm này, đều bị chết mà không rõ nguyên nhân, không có trường hợp nào ngoại lệ.

Tôn Điện Anh hòng thoát tội trộm cổ vật, đã lần lượt đem các báu vật đánh cắp được tặng cho các quan chức. Thanh kiếm này từ khi ra khỏi cổ mộ đã tiếp xúc với tổng cộng 4 người, kết cục của họ là: Đái Lạp - người được ủy thác mang tặng thanh kiếm – đã chết do máy bay đâm vào một ngọn núi mà không rõ nguyên nhân; Mã Hán Tam - người tạm giữ báu vật và đã khởi tư tâm, nghĩ cách chiếm dụng – sau đã bị bắn chết; điệp viên Kawashima chiếm đoạt được gươm báu – cũng không thoát khỏi hình phạt tử hình. Còn kẻ trộm mộ Tôn Điện Anh – dù trộm được vô số vật báu, cuối cùng đã bị bắt và chết trong nhà tù.

Kiếm báu 2.500 năm của Việt Vương Câu Tiễn

Hơn 50 năm trước, một thanh bảo kiếm đã được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Trung Quốc. Mặc dù đã 2.500 năm tuổi, nhưng thanh kiếm không hề biểu lộ một dấu hiệu hoen gỉ.

Thanh kiếm đã làm ngón tay của một nhà khảo cổ học chảy máu khi ông chạm vào phần lưỡi kiếm, vốn dường như không hề bị tác động bởi thời gian. Bên cạnh đặc tính kỳ lạ này, kỹ thuật đúc kiếm cũng khiến người ta kinh ngạc.

Được xem như một quốc bảo của Trung Quốc ngày nay, ý nghĩa của thanh kiếm này với người dân Trung Quốc có thể được sánh ngang với thanh kiếm Excalibur của vua Arthur ở phương Tây. Kiếm dài 55,7cm, được phát hiện tại Giang Lăng, Hồ Bắc năm 1965.

Ở một mặt kiếm, có khắc 8 chữ nằm gần chuôi kiếm có nghĩa là “Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm” nên được cho là vốn về Việt Vương Câu Tiễn. Câu chuyện về Việt Vương Câu Tiễn và Ngô Vương Phù Sai tranh giành quyền lực đã trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc. nên gươm báu càng khiến người ta quan tâm hơn.

Kiếm của Việt Vương Câu Tiễn-wk
Kiếm của Việt Vương Câu Tiễn (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Các nhà khoa học đã phân tích được chất liệu để rèn nên cây bảo kiếm này gồm đồng, sắt, chì, thiếc, lưu huỳnh, trong đó đồng chiếm tỷ lệ cao nhất. Thậm chí, cây kiếm này được rèn công phu tới mức, mỗi phần của kiếm lại có thành phần chất liệu khác nhau.

Bên cạnh giá trị lịch sử, nhiều học giả tự hỏi làm thế nào thanh kiếm này có thể không bị hoen gỉ trong môi trường ẩm ướt, trong hơn 2.000 năm, và những họa tiết trang trí phức tạp đã được chạm khắc vào thanh kiếm như thế nào. Điều này rõ ràng cho thấy các tiền nhân đã đạt đến một trình độ luyện kim cao, cho phép họ kết hợp các hợp kim không gỉ vào lưỡi kiếm, giúp chúng tồn tại ngàn năm trong trạng thái nguyên vẹn.

Bí ẩn thanh kiếm Nhật dài gần 4m, bị nghi là vũ khí của người khổng lồ

Thanh kiếm khổng lồ Norimitsu Odachi có thể được xem như “quái vật” trong số các thanh kiếm huyền thoại. Nó được rèn vào khoảng thế kỷ thứ 15 sau Công nguyên, dài gần 4 mét và nặng tới gần 15 kg. Thanh kiếm đặc biệt này từng bị nghi là vũ khí của người khổng lồ.

Lưỡi kiếm Odachi thường dài khoảng 100 cm, vì người Nhật cổ thường có chiều cao khiêm tốn. Chính vì lẽ đó, thanh kiếm khổng lồ này đã gây thắc mắc về việc chủ nhân sử dụng nó là ai? Khi nhìn vào Norimitsu Odachi, nhiều người chắc chắn nghĩ tới việc thanh kiếm này đã được rèn cho một chiến binh khổng lồ.

Trong một số kinh thư cổ của Nhật Bản từng nhắc đến các võ sĩ khổng lồ sử dụng các thanh trường kiếm Odachi phù hợp với kích thước của họ. Nếu một người có chiều cao từ 2m trở lên với sức mạnh cơ bắp khủng khiếp, ông ta cũng có thể sử dụng 1 thanh trường kiếm dài 4m. Hiệu ứng đe dọa tâm lý kẻ thù và sức mạnh càn lướt của thanh kiếm này có lẽ không cần bàn cãi.

Kiếm Odachi - Đại thái đao. (Ảnh wikipedia CC BY SA 4.0)

Cũng có một vài giả thuyết khác như thanh kiếm này được đúc ra với mục đích làm biểu tượng chiến thắng để cổ vũ sĩ khí ba quân. Hoặc nó là một sản phẩm giành…giải nhất trong một cuộc thi tài rèn kiếm.

Giả thuyết thứ ba liên quan tới một số câu chuyện cổ Nhật Bản. Một người cơ mưu đã nghĩ ra ý tưởng cho đúc một thanh kiếm khổng lồ, đem đặt tại nơi mà quân địch có thể nhìn thấy. Cuối cùng do nghi ngờ về việc vùng đất nọ có các chiến binh khổng lồ, lũ giặc đã lo sợ rút lui và không dám quay trở lại. Norimitsu Odachi đã trở thành nỗi đe dọa ám ảnh của chúng.

Thanh kiếm trong đá của Thánh San Galgano

Bên trong tu viện Montesiepi, tại một ngôi làng nhỏ nước Ý, có một thánh tích kỳ lạ đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khảo cổ nhiều năm qua. Đó là thanh kiếm cắm chặt trong đá của Thánh San Galgano.

Điều bí ẩn ở đây hẳn ai cũng đoán được, tảng đá cứng như thế, một thanh kiếm làm sao có thể đâm xuyên qua, cắm ngập sâu trong đó và mãi cho đến ngày nay, sau hơn 800 năm lịch sử vẫn không ai có thể rút ra được. Phải chăng có điều gì huyền diệu ở đây?

Theo ghi chép, San Galgano là người đầu tiên được Giáo hội La Mã cử hành nghi lễ phong thánh chính thức. Thời trẻ, ông chỉ quan tâm đến những thú vui thế tục. Thuộc tầng lớp quý tộc, ông là một hiệp sĩ được rèn luyện các kỹ năng chiến đấu, với tính cách kiêu ngạo và ưa bạo lực. Tuy nhiên tất cả đã thay đổi, bắt đầu từ khi ông nằm mộng về việc Tổng lãnh Thiên Thần Michael chỉ cho ông con đường đến sự cứu rỗi.

Ngay sau đó, San Galgano tuyên bố rằng ông sẽ trở thành một ẩn sĩ. Dễ đoán được, ông đã nhận được sự giễu cợt từ gia đình và bạn bè, họ cho rằng ông bị mất trí và khuyên can ông.

Bị dằn xé khi nghe một giọng nói nhắc nhở về việc từ bỏ mọi ham muốn thế tục, ông cho rằng điều này cũng khó như bắt ông chẻ đôi tảng đá chỉ bằng một thanh kiếm. Để chứng minh quan điểm của mình, San Galgano rút gươm ra và đâm vào một tảng đá. Trước sự kinh ngạc của ông, thanh kiếm xuyên qua tảng đá giống như con dao nóng xuyên qua tảng bơ, và mắc kẹt trong tảng đá kể từ đó. San Galgano nhận ra thông điệp rõ ràng, và trở thành một ẩn sĩ.

Trong nhiều thế kỷ, thanh kiếm trong đá vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy thực sự thanh kiếm này có niên đại từ thế kỷ thứ 12, dựa trên thành phần kim loại và kiểu dáng của nó.

Kiếm trong đá của Thánh San Galgano
Kiếm trong đá của Thánh San Galgano (Ảnh wikipedia)

Trải qua hơn 800 năm lịch sử đằng đẵng, thanh kiếm huyền thoại năm nào vẫn găm chặt trong đá, tại nơi được cho là đã ghi dấu câu chuyện thần kỳ, như minh chứng cho một thần tích đã từng được triển hiện…

Tần Vương kiếm

Tần Vương kiếm là tên gọi những thanh kiếm được tìm thấy vào năm 1994 trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây. Ấn tượng đầu tiên về thanh kiếm này khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc, đó là mặc dù đã chôn sâu dưới đất khoảng hơn 2000 năm, chúng vẫn còn rất sắc bén và sáng bóng như mới.

Đặc biệt hơn, người ta còn phát hiện ra bề mặt những thanh kiếm này có phủ một lớp hợp chất Crom dày khoảng 10 micromet, giúp các thanh kiếm tránh không bị oxi hóa. Phát hiện này làm chấn động cả thế giới bởi mãi đến năm 1937, các nhà khoa học Đức mới phát minh ra hợp chất Crom và sở hữu công nghệ mạ sau đó.

Kiếm Tần Vương
Kiếm Tần Vương (Ảnh wikipedia)

Thanh kiếm bị nguyền rủa

Samurai là biểu tượng văn hóa trường tồn về tinh thần và ý chí của con người xứ Phù Tang. Có vô số huyền thoại về lòng trung thành, quả cảm và danh dự, nhưng cũng không thiếu các truyền thuyết bí ẩn khiến người ta phải rùng mình, trong số đó có câu chuyện về thanh quỷ kiếm của vị thợ rèn huyền thoại Sengo Muramasa.

Theo truyền thuyết, có một lời nguyền đen tối được đặt trong các thanh kiếm do Muramasa làm ra. Người thợ rèn này được mô tả là “hoàn toàn điên loạn” và có xu hướng bạo lực, nhưng kỹ năng rèn kiếm của ông ta thuộc loại thượng thừa bậc nhất.

Muramasa đã nguyền rằng những thanh kiếm của ông ta trở thành “kẻ hủy diệt vĩ đại”. Lời nguyền bắt đầu ứng nghiệm, những thanh kiếm có xu hướng khiến chủ nhân của chúng trở nên cuồng loạn khi chiến đấu.

Theo truyền thuyết, Muramasa đã thách thức thầy của mình trong một cuộc tranh tài về rèn kiếm. Thanh kiếm được cắm xuống dòng sông với lưỡi kiếm hướng ngược lại dòng chảy. Thanh kiếm của Muramasa đã cắt đứt tất cả mọi thứ trôi qua nó, bao gồm cả cá, lá, cây... Ngược lại, thanh kiếm của người thầy không cắt đứt bất cứ thứ gì. Cuối cùng, Muramasa bị tuyên bố thua cuộc vì lưỡi kiếm của ông ta khát máu và chém giết một cách bừa bãi, trong khi thanh kiếm của người thầy không làm tổn thương những sinh linh vô tội.

Mặc cho tiếng xấu, nhiều người vẫn ưa chuộng chúng, cho đến thời của Tướng quân Tokugawa Ieyasu, bản chất quỷ dữ của thanh kiếm đã lộ rõ.

Cha và ông nội của tướng quân đều bị ám sát dưới tay thuộc hạ bởi thanh kiếm Muramasa. Vị Tướng quân cũng tự làm bị thương bởi thanh kiếm này. Do đó, tướng quân quyết định cấm thanh kiếm này.

Mặc dù là một biểu tượng của tuyệt kỹ rèn kiếm Nhật Bản, nó cũng được xem như thanh kiếm bị nguyền rủa, nhắc nhở về bản chất chân chính của các võ sĩ, đề cao tinh thần thượng võ chứ không phải tính sát thương tàn ác.

Bảo kiếm Kusanagi

Những ai có cơ hội du lịch tại thành phố Nagoya ở Nhật Bản thì hãy đến thăm Thần cung Atsuta nổi tiếng. Có điều gì đặc biệt trong Thần cung này nhỉ? Bạn biết không, đây chính là nơi được cho là đang cất giữ thanh kiếm Kusanagi.

Theo thần thoại Nhật Bản, cách đây từ rất lâu, có một con rắn tám đầu luôn tìm cách quấy nhiễu nhân gian. Thấy chuyện bất bình, vị thần Susanoo-no-Mikoto đã quyết tiêu diệt con mãng xà này. Vị thần dùng ba thùng rượu để dụ dỗ ác xà, nhân lúc nó say rồi cắt đuôi nó.

Tuy nhiên, trong đó có một cái đuôi không thể nào cắt được, thần bèn dùng kiếm khoét một lỗ nhỏ thì mới phát hiện thấy bên trong có một thanh bảo kiếm. Thần Susanoo đã đặt tên cho thanh bảo kiếm ấy là Kusanagi.

Kusanagi được coi là biểu tượng của nữ thần mặt trời. Hoàng gia Nhật Bản sử dụng nó làm biểu tượng của quyền lực thiêng liêng và dùng để cai trị thần dân.

An Nhiên
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Những thanh bảo kiếm nổi tiếng nhất lịch sử khảo cổ