Du học sinh Trung Quốc tại Ukraine tiết lộ: Bắc Kinh nói dối về việc sơ tán công dân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước chiến sự ở Ukraine, chính quyền Bắc Kinh gần đây tuyên bố rằng đã sơ tán hàng trăm sinh viên Trung Quốc. Nhưng trên mạng xã hội, các du học sinh Trung Quốc trong cuộc đã phơi bày lời dối trá của chính quyền.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine tuyên bố vào tối 28/2 rằng đã "tổ chức" sơ tán đợt đầu tiên cho 400 du học sinh Trung Quốc đang ở thành phố Odessa; cùng ngày có hơn 200 du học sinh khác cũng được sơ tán khỏi thủ đô Kiev của Ukraine. Tuy nhiên, số lượng người được di tản do chính quyền thông báo đã ngay lập tức vấp phải sự hoài nghi của Hoa kiều Ukraine.

Theo The Epoch Times, vào ngày 1/3, trong một nhóm WeChat do người Trung Quốc thành lập ở Ukraine, một người Trung Quốc vẫn đang tìm cách thoát khỏi Ukraine đã chất vấn rằng: "Tôi xem thông báo mới biết rằng chính quyền nói có 400 người đã được sơ tán, nhưng thực tế là (chỉ có) 83 người, bởi vì tôi có quen 3, 4 người trong đó (nhóm người được sơ tán)".

Một người khác cũng nghi ngờ rằng: "Chính quyền tính cả số người do chúng ta tự tổ chức di tản phải không?".

Cũng có nhiều người chỉ trích việc nhà chức trách Trung Quốc tung tin giả về việc sơ tán Hoa kiều. Những thông tin này khiến nhiều người ở Trung Quốc lầm tưởng rằng công dân Trung Quốc ở Ukraine đã được đưa về nước.

Ông Đinh Kiến Vĩ (Ding Jianwei), Tham tán báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine, cho biết vào ngày 28/2 rằng, gần 1.000 công dân Trung Quốc sẽ được sơ tán khỏi Ukraine vào ngày 1/3, bao gồm "sinh viên và Hoa kiều tự di tản". Phát ngôn này của ông Đinh chứng minh rằng, các quan chức đã gộp cả số Hoa kiều Ukraine tự sơ tán vào và coi như công lao của chính mình.

Chỉ một số ít sinh viên nhận được thông báo từ Đại sứ quán

Một du học sinh khác cho biết, một bạn học của họ nhận được thông báo từ Đại sứ quán yêu cầu đến tập trung trước Tòa nhà Đại học Đỏ ở Kiev, nhưng nhiều người khác lại không được thông báo: “Chúng tôi không hiểu, tại sao việc sơ tán không được thông báo cho tất cả mà chỉ có một số người nhận được thông báo". " Bây giờ tôi cảm thấy quá là thất vọng. Một số người trong nhóm (WeChat) nói rằng cần phải hiểu cho tổ quốc, nhưng tôi không thể hiểu được, tôi không muốn trở thành con số đó (con số thương vong)".

Theo thông tin do Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine công bố, có hơn 6.000 Hoa kiều đã đăng ký sơ tán. Nhưng một Hoa kiều nói thẳng trong nhóm WeChat rằng: "Đại sứ quán hiện chỉ ở trạng thái đăng ký, không có bất kỳ máy bay nào được thuê bao nguyên chuyến để di tản Hoa kiều, vì vậy tất cả các máy bay mà mọi người thấy trên Internet [nói rằng] đã trở về Trung Quốc hoặc sắp trở về Trung Quốc đều là tin đồn".

Bắc Kinh sơ tán công dân chậm trễ

Các quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng, do tình hình ở Ukraine ngày càng tồi tệ nên rất khó để thuê nguyên chuyến bay sơ tán. Một số sinh viên Trung Quốc trong nhóm WeChat cáo buộc chính phủ Trung Quốc đã không hành động, họ chỉ ra rằng Ấn Độ đã sơ tán tất cả sinh viên sang nước láng giềng, sau đó thuê nguyên chuyến bay đưa họ về nước. "Thái Lan đều sơ tán rồi, 16.000 người Ấn Độ cũng đã được sơ tán, còn hơn 6.000 du học sinh (Trung Quốc) ở Ukraine thì sao đây, tôi cảm thấy hơi bơ vơ".

Nhà chức trách Bắc Kinh luôn giữ lập trường thân Nga, trước khi chiến tranh bùng nổ, tất cả các nước đều khẩn cấp sơ tán công dân của họ, nhưng Trung Quốc vẫn không có động tĩnh gì. Mãi đến 2 ngày sau khi chiến tranh nổ ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine mới thông báo kế hoạch di tản Hoa kiều, nhưng sau đó lại đổi giọng và nói rằng tình hình hiện tại không an toàn, không có cách nào để sơ tán.

Đồng thời, những phát ngôn công kích người dân Ukraine của đội quân Internet Trung Quốc cũng khiến các Hoa kiều đang mắc kẹt tại đây gặp nguy hiểm. Có người thậm chí đã bị bắn.

Du học sinh Trung Quốc tại Ukraine cầu cứu trên Weibo: ‘Đại sứ quán không đến giải cứu chúng tôi!’

Một du học sinh Trung Quốc đăng trên Weibo hôm 1/3 cầu xin đại sứ quán giúp đỡ: "Xin đại sứ quán giúp đỡ các sinh viên bị mắc kẹt ở Kharkiv, mọi người không có khả năng tự sơ tán, không bắt được xe, còn nhà ga xe lửa ở khu lân cận vừa bị bắn phá vào nửa tiếng trước".

Nam sinh viên này cũng gửi lời nhắn cầu cứu trên WeChat: “Cứu chúng tôi, xin nhắc lại là đại sứ quán không đến cứu chúng tôi. Bây giờ để chúng tôi tự lực, họ không quản chúng tôi nữa, vô số du học sinh Trung Quốc ở Kharkiv phải làm sao?".

Đồng thời, người này cũng cáo buộc truyền thông và Internet Trung Quốc hạn chế các bài đăng cầu cứu của du học sinh Trung Quốc tại Ukraine.

Ảnh chụp màn hình Weibo lời kêu cứu của du học sinh Trung Quốc tại Ukraine đăng hôm 1/3.
Ảnh chụp màn hình Weibo lời kêu cứu của du học sinh Trung Quốc tại Ukraine đăng hôm 1/3.

Tuy nhiên, bài đăng này đã bị các ‘tiểu phấn hồng’ bao vây công kích và nói rằng du học sinh này đang "gây rối". Anh này trả lời rằng, sinh viên quốc tế ở Kharkiv thực sự rất nguy hiểm, nếu không phải bất đắc dĩ thì đã không kêu cứu thế này. "Tôi không gây rối ... Tôi bắt đầu đăng bài từ ngày 24/2. Trong thời gian này tôi đã suy sụp hai lần, tôi không gây rối. Tôi thậm chí đã viết xong di thư, tôi không lên đây để gây sự!".

Hoa kiều: Chạy khỏi Ukraine rất tốn kém, có tiền cũng không mua được chỗ ngồi

Một người Trung Quốc ở Odessa nói với The Epoch Times: "Tất cả chúng tôi hiện đang khá hoảng loạn, mọi người đều đang tìm cách trốn thoát. Một số người vẫn đang chờ đại sứ quán thu xếp; nhiều người đang thảo luận về cách tháo chạy trong một nhóm WeChat được tạo tạm thời".

Một người đưa tin lên nhóm WeChat rằng, chi phí chạy khỏi Ukraine ngày càng đắt đỏ. "Hôm qua một chỗ ngồi có giá 1.000 USD, nhưng tôi không đi mà tiếp tục trú trong hầm ở Kiev và chuẩn bị thức ăn đủ cho một tháng".

"Hôm qua [muốn] tháo chạy [là phải] mất 10.000 nhân dân tệ (1.584 USD), giờ có tiền cũng không lên được tàu, trong nhà ga tàu hỏa người đông như kiến cỏ".

Một người Trung Quốc tên "Mu Feng" nói với The Epoch Times: “Bên trong các hầm trú ẩn ở Kharkiv và Kiev của Ukraine đều có người Trung Quốc. Tình hình rất nguy hiểm. Hiện họ đang bị pháo kích và ném bom".

Một đoạn video được đăng tải ngày 2/3 trên Twitter cho thấy, một người đàn ông Trung Quốc ở Ukraine vừa khóc vừa kể rằng, anh vừa bị quân đội Nga tấn công. Có 7 - 8 xe tăng và xe bọc thép đã bắn vào họ. Có một người Trung Quốc đã bị bắn và phải nhập viện.

Vào ngày đầu tiên Nga phát động cuộc xâm lược, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ukraine đã kêu gọi Hoa kiều dán cờ năm sao của Đảng Cộng sản Trung Quốc lên thân xe khi đi ra ngoài, nhưng sau đó đã thay đổi giọng điệu và nói rằng các công dân không nên để lộ quốc tịch của mình.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Du học sinh Trung Quốc tại Ukraine tiết lộ: Bắc Kinh nói dối về việc sơ tán công dân