Đừng bị đánh lừa bởi thuốc xi-rô ho thông thường, 8 biện pháp tự nhiên thay thế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi sẽ nói với bạn một điều mà có thể bạn không muốn nghe hoặc không muốn tin: Thuốc ho không có tác dụng với bạn hoặc con bạn. Nếu bạn nằm trong số hơn 30 triệu người đến gặp bác sĩ mỗi năm vì ho thì đây không phải là một tin đặc biệt tốt.

Vậy nếu thuốc ho không có tác dụng, tại sao mọi người lại chi hàng tỷ đô la hàng năm cho các sản phẩm không kê đơn để chống lại chúng?

Theo Norman Edelman, M.D., cố vấn khoa học cấp cao tại Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ: “Mọi người đang tuyệt vọng trong việc tìm kiếm các biện pháp giảm đau. Họ tin chắc rằng chúng hiệu quả nên vẫn mua. Nếu bạn là cha mẹ có con bị ho, có lẽ bạn hiểu ý tôi”.

Tuy nhiên, như Edelman giải thích: “Chúng tôi chưa bao giờ có bằng chứng xác đáng cho thấy thuốc giảm ho và thuốc long đờm có tác dụng trị ho”. Tệ hơn nữa, phần lớn xi-rô ho trên thị trường đều chứa những thành phần đáng sợ, bao gồm màu nhân tạo, hương vị nhân tạo và chất làm ngọt bao gồm cả xi-rô ngô với hàm lượng fructose cao.

Nếu bạn hoặc con bạn bị ho, bạn nên làm gì? Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta hãy xem xét các loại ho khác nhau.

Những điều bạn nên biết về ho

Ho thực sự có tác dụng chữa bệnh! Khi ho, cơ thể đang cố gắng loại bỏ chất nhầy hoặc vật lạ khỏi phổi và đường hô hấp trên hoặc bạn đang phản ứng với thứ gì đó gây kích ứng đường thở. Điều quan trọng cần biết, rằng ho là một triệu chứng chứ không phải bệnh, vì vậy khi phát hiện ra nguyên nhân cơ bản, bạn có thể giải quyết nó tốt hơn.

Ho có thể có tác dụng hoặc không có tác dụng:

  • Ho có đờm tạo ra chất nhầy hoặc đờm và bạn không muốn kìm nén loại ho này vì cơ thể muốn làm sạch chất nhầy hoặc đờm. Ho có đờm thường liên quan đến các bệnh do virus (ví dụ: cảm lạnh thông thường), nhiễm trùng phổi hoặc đường hô hấp trên (ví dụ: viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang), bệnh phổi mãn tính (ví dụ: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), chảy dịch mũi sau, bệnh trào ngược dạ dày thực quản và hút thuốc.
  • Ho không có đờm có thể xảy ra do cảm lạnh thông thường, co thắt phế quản, dị ứng, sử dụng thuốc ức chế ACE (ví dụ: captopril, enalapril, lisinopril), hen suyễn và tiếp xúc với các chất kích thích trong môi trường.

Những điều cha mẹ nên biết về ho và trẻ em

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị ho nhưng các bậc cha mẹ thường lo lắng khi con mình gặp tình trạng này. Vì vậy, đây là một số lời khuyên dành cho cha mẹ:

  • Không bao giờ cho trẻ dưới hai tuổi dùng thuốc ho hoặc cảm lạnh. Trên thực tế, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo tránh sử dụng chúng cho trẻ dưới sáu tuổi.
  • Cho trẻ uống thuốc ho thường không làm cơn ho hết sớm hơn. Trên thực tế, Tiến sĩ Edelman nói rằng loại thuốc này không liên quan nhiều đến việc làm mất cơn ho, trái lại, ho thường tự khỏi.
  • Thuốc ho có liên quan đến tác dụng phụ. Ví dụ, thuốc dextromethorphan không kê đơn có thể gây chóng mặt, buồn nôn, nôn, lú lẫn, táo bón và buồn ngủ. Guaifenesin có liên quan đến buồn nôn và nôn.
  • Nếu bạn cho trẻ lớn hơn hai tuổi uống thuốc ho, đừng bao giờ cho uống nhiều hơn một loại thuốc có cùng hoạt chất, chẳng hạn như thuốc thông mũi hoặc thuốc giảm đau. Bạn có nguy cơ dùng thuốc quá liều cho con bạn nếu làm như vậy.
  • Đừng cho con bạn dùng thuốc kháng sinh trị ho vì chúng sẽ không có tác dụng. Nếu bạn cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, điều đó có thể làm giảm khả năng đề kháng của trẻ đối với các bệnh nhiễm trùng trong tương lai.

Tất nhiên, những nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho các bậc cha mẹ.

Thuốc ho có vấn đề gì?

Trong hơn nửa thế kỷ qua, chưa có bất kỳ phương pháp điều trị ho nào đạt được tiến bộ rõ rệt. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để chứng minh hiệu quả của các loại thuốc ho thông thường trên quầy như dextromethorphan và guaifenesin, nhưng vẫn chưa đạt kết quả rõ ràng.

Theo WebMD, "điều quan trọng là phải hiểu rằng những nghiên cứu này không nói rằng thuốc ho không có tác dụng. Thay vào đó, chúng chỉ đơn giản là chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh tác dụng của chúng. Luôn có khả năng rằng các nghiên cứu trong tương lai có thể cho thấy chúng có hiệu quả".

Vì thuốc ho thông thường không có tác dụng, tại sao không thử những cách tự nhiên để dập tắt cơn ho? Dưới đây là một số tùy chọn.

Các biện pháp tự nhiên cho ho

1. Trà

Đây là phương pháp điều trị ho được yêu thích nhất mọi thời đại, mặc dù các báo cáo về hiệu quả của nó phần lớn chỉ là giai thoại.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Herbal Pharmacotherapy đã báo cáo rằng hỗn hợp của 8 loại thảo mộc (hồi, hạt đen, caraway, bạch đậu khấu, hoa cúc, thì là, cam thảo và nghệ tây) mang lại những cải thiện đáng kể về cường độ và tần suất ho ở những người mắc bệnh hen suyễn dị ứng.

Chỉ dùng trà hoặc với chanh và/hoặc mật ong (bỏ qua thành phần này nếu điều trị cho trẻ dưới hai tuổi) có thể làm dịu cơn ho có đờm và không có đờm. Ngoài các loại trà thảo mộc đã được đề cập, các lựa chọn khác bao gồm trà cam thảo hữu cơ, trà bạc hà, trà chanh, trà xanh, trà hoa cơm cháy và trà húng tây (trẻ em có nhiều khả năng thích hương vị của ba loại đầu tiên hơn).

2. Mật ong

Đối với trẻ em từ hai tuổi trở lên cũng như người lớn, mật ong là phương pháp điều trị ho hiệu quả.

Nghiên cứu này được thực hiện trên 105 trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, nhằm so sánh hiệu quả của mật ong với việc không điều trị và với siro ho dextromethorphan có hương vị mật ong trong việc giảm ho ban đêm cũng như cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tăng cường sức mạnh chống ho bằng cách kết hợp mật ong hữu cơ và/hoặc nước chanh tươi với trà thảo mộc.

3. Bạc hà

Cùng với việc uống trà, bạn có thể hưởng lợi từ tinh dầu bạc hà trong hơi bạc hà.

Cho 4-5 giọt tinh dầu bạc hà vào khoảng 230ml nước nóng trong một bát nông. Dùng khăn tắm trùm kín đầu và bát nước, tạo thành một "lều xông hơi". Hít thở sâu và chậm bằng mũi trong vài phút.

4. Cỏ cà ri

Loại thảo mộc vừa dùng trong ẩm thực vừa có mục đích y học này có thể dùng pha trà hoặc súc miệng để làm dịu cổ họng và cơn ho.

Vì cỏ cà ri có vị đắng, bạn có thể thêm một chút mật ong cho dễ uống. Nhớ để trà nguội bớt trước khi súc miệng!

5. Marshmallow

Đừng nhầm tên gọi này với những viên kẹo xốp trắng, mà đây là một loại thảo mộc - Cây thục quỳ (Althaea officinalis). Rễ và lá của loại cây này là một phương thuốc cổ xưa để chữa ho và đau họng. Cây thục quỳ chứa một chất gọi là mucilage, có tác dụng làm dịu cổ họng.

Bạn có thể mua lá khô để dùng pha trà, còn rễ thì có sẵn dạng khô trong chiết xuất và siro ho. Lá khô có thể dùng để pha nước, dịch chiết. Rễ dạng khô, đã bóc hoặc chưa bóc, có sẵn trong chiết xuất (khô và lỏng), viên nang và siro ho.

Lưu ý: Marshmallow không được khuyến khích cho trẻ em.

6. Cây du trơn

Trong nhiều thế kỷ, cây du trơn (Ulmus fulva) đã được đánh giá cao như một phương thuốc thảo dược đường uống để trị ho, đau họng, các vấn đề về dạ dày và bệnh tiêu chảy. Tương tự như cây thục quỳ, cây du trơn có chứa chất nhầy giúp làm dịu cổ họng. Để điều trị ho, hãy tìm loại trà cây du trơn hoặc viên ngậm, cả hai đều được làm từ vỏ bên trong của cây du.

7. Andrographis Paniculata (Xuyên tâm liên)

Có thể loại thảo dược này không quen thuộc với bạn, nhưng nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã cho thấy nó có hiệu quả trong điều trị ho. Còn được gọi là “hoa cúc dại Ấn Độ”, nó thường được sử dụng để kiểm soát cảm lạnh thông thường và tăng cường hệ thống miễn dịch.

8. Probiotic

Mặc dù những vi khuẩn có lợi này không trực tiếp làm giảm cơn ho nhưng chúng có tác động đáng kể đến quần thể vi khuẩn trong ruột và có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Nếu bạn bị cảm lạnh và ho thì men vi sinh có thể hữu ích.

Khi bạn muốn điều trị ho, có những lựa chọn thay thế cho thuốc ho thông thường. Bạn có thể dễ dàng thực hiện một trong số các biện pháp tự nhiên tại nhà hoặc chọn từ một số loại thuốc ho hoàn toàn tự nhiên trên thị trường.

Theo Deborah Mitchell - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Deborah Mitchell là một nhà văn về sức khỏe tự do, đam mê động vật và môi trường. Cô là tác giả, đồng tác giả và viết hơn 50 cuốn sách và hàng nghìn bài báo về nhiều chủ đề khác nhau. Bài viết này ban đầu được xuất bản trên NataturalSavvy.com



BÀI CHỌN LỌC

Đừng bị đánh lừa bởi thuốc xi-rô ho thông thường, 8 biện pháp tự nhiên thay thế