EU sẽ gia hạn lệnh trừng phạt các quan chức ĐCS Trung Quốc vi phạm nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai nhà ngoại giao của Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, hôm 24/11, đại sứ của các nước thành viên EU tại Châu Âu đã thông qua việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và một thực thể của Trung Quốc. Hai nhà ngoại giao nói với Reuters rằng, quyết định gia hạn lệnh trừng phạt vẫn cần sự chấp thuận chính thức của bộ trưởng các nước thành viên EU từ ngày 6 đến ngày 7/12.

Theo South China Morning Post (SCMP) đưa tin, bộ trưởng các nước thành viên EU gần như chắc chắn sẽ thông qua việc gia hạn lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể ĐCSTQ vào tháng 12 tới.

Bài báo dẫn lời nhiều người thạo tin tiết lộ rằng, hôm 24/11, "Coreper II", Đại sứ các nước thành viên EU tại châu Âu, đã thông qua kiến nghị gia hạn lệnh trừng phạt "mà không cần thảo luận".

Vào tháng 3 năm nay, EU đã liệt 4 quan chức ĐCSTQ, bao gồm một quan chức an ninh cấp cao và một thực thể vào danh sách trừng phạt, áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân và thực thể này.

Đây là lần đầu tiên EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh kể từ sau thảm sát ở Quảng trường Thiên Môn năm 1989. Các cá nhân và thực thể này bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.

Xem thêm: EU lần đầu tiên trừng phạt 4 quan chức và 1 thực thể Trung Quốc sau 32 năm

Đối tượng bị trừng phạt bao gồm Trần Minh Quốc (Chen Mingguo), Giám đốc Sở Cảnh sát Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. EU nói rằng Trần "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng".

Thực thể bị trừng phạt là Cục Cảnh sát thuộc Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. EU cho biết thực thể này phải chịu trách nhiệm về "việc giam giữ tùy tiện trên quy mô lớn và ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ”.

ĐCSTQ phủ nhận mọi hành vi sai trái, đồng thời lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa đối với nhiều quan chức ngoại giao và chính trị của EU. Động thái này đã làm bùng lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của Nghị viện Châu Âu.

Đóng băng Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU

Ngày 20/5 năm nay, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết bằng một cuộc bỏ phiếu áp đảo, hoãn phê duyệt Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU (CAI) cho đến khi Bắc Kinh dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trả đũa.

ĐCSTQ và EU đã hoàn tất thỏa thuận này vào cuối năm 2020. Bắc Kinh khi đó tuyên truyền rằng thành tựu này là một thắng lợi to lớn của họ trên chính trường quốc tế.

Trước khi Nghị viện Châu Âu biểu quyết, ĐCSTQ vẫn cố gắng cứu vãn thỏa thuận này đến phút cuối cùng. Phải mất 7 năm, Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc - EU mới tuyên bố hoàn tất đàm phán vào cuối năm ngoái.

Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng “quan hệ EU - Trung Quốc có khả năng sẽ không thể tiếp tục bình thường như trước”.

Nghị quyết cũng yêu cầu chính quyền Bắc Kinh chấp thuận các điều khoản liên quan của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hợp Quốc về cấm lao động cưỡng bức và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights) của Liên Hợp Quốc.

Minh Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

EU sẽ gia hạn lệnh trừng phạt các quan chức ĐCS Trung Quốc vi phạm nhân quyền