Gần 1 triệu liều vaccine về Việt Nam, nhiều phụ huynh phản đối tiêm cho trẻ nhỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế cho biết, gần 1 triệu liều vaccine do Úc tài trợ đã về Việt Nam tối 8/4. Lô vaccine này sẽ dành cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn rất nhiều quan điểm trái chiều về việc tiêm chủng cho trẻ em.

Việt Nam nhận gần 1 triệu liều vaccine từ Úc

Theo báo Tuổi Trẻ, tối 8/4, lô vaccine đầu tiên với 921.600 liều đã được chuyển đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Đây là lô vaccine do Úc tài trợ dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở Việt Nam. Tổng số lượng vaccine mà Việt Nam dự kiến nhận được sẽ lên tới 20 triệu liều. Sau lô này, Việt Nam sẽ tiếp tục nhận lô vaccine thứ hai vào ngày 12/4 tới.

Theo thông báo của Bộ Y tế, lô vaccine đầu tiên sau khi hoàn tất kiểm định sẽ triển khai tiêm chủng trên diện rộng vào ngày 15/4 tới.

Ngoài ra, lô vaccine đầu tiên cũng được ưu tiên cho trẻ lớp 6. Các lô sau sẽ tiêm theo thứ tự từ lớn đến nhỏ tuổi.

Việt Nam có hơn 10 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 - 11. Hiện tại, nhiều tỉnh thành cũng đã hoàn tất kế hoạch và các phương án chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ em.

Pfizer và Moderna là hai loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt để tiêm cho trẻ trong nhóm từ 5 - 11 tuổi.

Nghiên cứu: Vaccine Pfizer bảo vệ kém hơn với trẻ từ 5 - 15 tuổi trước Omicron

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Tạp chí Phòng ngừa (Hoa Kỳ) cho biết, tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer không đem lại nhiều khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron cho trẻ em từ 5 - 15 tuổi, theo The Epoch Times tiếng Anh.

Cụ thể, CDC đã phân tích dữ liệu trên 1.364 trẻ em từ 5 - 15 tuổi ở các bang Arizona, Texas, Florida và Utah.

Các cuộc khảo sát và ngoáy mũi hàng tuần được gửi từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, nhằm xem trẻ có các triệu chứng hay không.

Nghiên cứu cho thấy hiệu quả chống nhiễm trùng giảm mạnh khi biến thể Omicron trở nên chiếm ưu thế ở Hoa Kỳ.

Sau liều thứ hai của vaccine Pfizer, hiệu quả chống lại biến thể Omicron ở trẻ em từ 5 - 11 tuổi chỉ đạt 31%, trong khi thanh thiếu niên từ 12 - 15 tuổi là 59%.

Kết quả cũng cho thấy, trẻ em được tiêm đầy đủ bị nhiễm Omicron “nằm trên giường trung bình ít hơn nửa ngày” so với những trẻ không được tiêm chủng bị nhiễm Omicron.

Tuy nhiên, nhóm được tiêm phòng lại nghỉ học nhiều hơn 11 giờ (26.2 giờ) so với nhóm không được tiêm (18.8 giờ).

Mặt khác, cũng không có bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào đối với nhu cầu tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế giữa hai nhóm - 16.4% trẻ em chưa tiêm và 15.5% trẻ em được tiêm cho biết cần được chăm sóc y tế.

Các nhà nghiên cứu của Bộ Y tế New York cho biết, đối với trẻ em từ 5 - 11 tuổi, hiệu quả của vaccine chống lại nhiễm virus trong 13 ngày đầu tiên sau liều thứ hai là khoảng từ 62 - 68%, và khoảng 71 - 81% đối với thanh thiếu niên từ 12 - 17 tuổi.

Mức độ bảo vệ đó giảm mạnh trong tuần thứ năm, chỉ còn 8 - 16% ở nhóm trẻ em, và 48 - 63% đối với thanh thiếu niên.

Vào tuần thứ bảy sau khi tiêm chủng, hiệu quả của vaccine là vô hiệu đối với trẻ 5 - 11 tuổi, có nghĩa là những trẻ chưa được tiêm có nguy cơ nhiễm virus thấp hơn trong khoảng 29 - 56%.

Một cựu giáo sư tại Trường Y Harvard, Martin Kulldorff đã giải thích lý do tại sao điều này có thể xảy ra.

Ông viết trong một bài báo: “Một lời giải thích có khả năng là những trẻ chưa tiêm bị nhiễm bệnh sớm hơn những trẻ đã được tiêm.

Một khi lớp bảo vệ [do vaccine] tạo ra hết tác dụng, những trẻ đã được tiêm trước đó rơi vào nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ chưa tiêm, vốn đã hình thành khả năng miễn dịch tự nhiên.

Tức là, vaccine chỉ đơn giản là trì hoãn bệnh vài tuần hoặc vài tháng”.

Ông Kulldorff nói rằng không có ý nghĩa gì khi tiêm cho trẻ những mũi vaccine này. Vì trẻ em nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong thấp:

“Đối với trẻ em, nguy cơ tử vong là rất nhỏ, trong khi những nguy cơ đã biết và vẫn chưa biết từ các phản ứng có hại do vaccine gây ra có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích mà nó mang lại trong việc giảm số lần nhập viện và tử vong do COVID".

Kết quả khảo sát online và phản ứng của phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ

Từ ngày 6/1, báo Vnexpress đã thực hiện một cuộc khảo sát online để đánh giá tỷ lệ ủng hộ và phản đối trước kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ phản đối cao gấp đôi so với ý kiến ủng hộ.

Cụ thể, có 140.612 phiếu (68%) bày tỏ quan điểm không đồng tình với kế hoạch nói trên, trong khi có 61.996 phiếu (30%) ủng hộ việc triển khai tiêm chủng cho trẻ nhỏ.

Từ ngày 6/1, báo Vnexpress đã thực hiện một cuộc khảo sát online để đánh giá tỷ lệ ủng hộ và phản đối trước kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi.
Từ ngày 6/1, báo Vnexpress đã thực hiện một cuộc khảo sát online để đánh giá tỷ lệ ủng hộ và phản đối trước kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi. (Ảnh chụp màn hình báo Vnexpress)

Đa phần ý kiến phản đối đều cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ là không cần thiết. Nhìn chung, trẻ em là nhóm ít nguy cơ nhiễm bệnh nặng, dù mắc COVID cũng có triệu chứng nhẹ, và thực tế cũng đã chứng minh điều đó.

Trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ trên 12 tuổi trước đây đã xuất hiện một số trường hợp phản ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Tài khoản Hoàng Phạm viết trong phần bình luận: ​​"Rõ ràng COVID-19 không tác động gì lớn đối với trẻ em, nếu có thì nhiễm chỉ vài bữa là khỏi. Con tôi cũng đã nhiễm và đã khỏi. Đề nghị không tiêm cho trẻ 5 tuổi".

Một tài khoản khác, lygiavinh0005 cho rằng: "Tôi hoàn toàn không đồng ý với việc tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi.

Qua đợt tiêm vừa rồi trẻ trên 12 tuổi có nhiều trường hợp nặng và tử vong, là một người cha nên tôi thấy rất không yên tâm về việc tiêm cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi".

Cũng có người nói thêm: "Con mình và rất nhiều bạn của bé đã bị COVID rồi. Thực tế thì trẻ em bị COVID rất rất nhẹ, và nếu người lớn đã tiêm phòng hết rồi thì sẽ rất ít có nguy cơ trở nặng.

Trong khi việc tiêm 1 vaccine chưa hoàn thiện hoặc quá hạn sử dụng cho các bé là rất nguy hiểm và có thể hại nhiều hơn lợi. Rất mong Bộ Y tế xem xét thật cẩn thận trước khi ra quyết định".

Tài khoản Thái Long bày tỏ: "Bộ y tế đã làm thống kê số trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID chưa?

Có bao nhiêu ca bị chuyển nặng và mức độ nặng như nào? Nếu sợ trẻ chuyển nặng, sao không lên kế hoạch tiêm cho những trẻ mắc bệnh nền, béo phì.... Còn tiêm vaccine xong trẻ em vẫn bị mắc và vẫn lây nhiễm thì có tác dụng gì?"

Người khác lấy tên là Minhminh bình luận: "Chưa thể đánh giá được tác động của vaccine lên trẻ trong vòng 10 - 15 năm tới thế nào? Không đồng ý tiêm cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Việc tiêm cho trẻ từ 5 tuổi nên để tự nguyện, gia đình nào thấy có nguy cơ và muốn tiêm cho con thì đăng kí, nếu không đồng ý thì cũng không bắt buộc.

Các bé béo phì, thừa cân, có bệnh nền thì có thể cho các con tiêm theo nhu cầu, việc tiêm cho trẻ con nên dừng lại ở KHUYẾN KHÍCH, không phải BẮT BUỘC như người lớn!"

ThucNinh Mai khẳng định: "Gia đình tôi ngày 13/1/2022 vừa qua có 5/6 người nhiễm COVID-19. Riêng con gái 6 tuổi không hề có biểu hiện gì, vẫn âm tính dù tiếp xúc gần và ăn ngủ với F0 có tải lượng virus cao (tôi CT15/30, vợ CT19/30...), con gái nhỏ 14 tháng thì chỉ như cảm cúm 3 ngày là khỏi (CT 29.5/30).

Việc có cần thiết tiêm cho trẻ cần nghiên cứu rất kỹ chứ không đơn giản, riêng gia đình tôi chắc chắn sẽ không cần tiêm cho các con".

Tài khoản Nguoixala cho biết: "Mình ở Đức, nơi là 'çha đẻ' của vaccine Pfizer. Thành phố của mình chưa có thông báo tiêm đại trà cho trẻ nên mình cũng không sốt sắng đăng ký tiêm.

Hơn 1 năm nay từ khi có vaccine, trẻ con vẫn đi học bình thường. Ở trường mẫu giáo, tụi nhỏ không thể đeo khẩu trang, chơi chung với nhau và không thấy có gì bất ổn. Khi nào thành phố khuyến cáo tiêm thì mình mới cho con mình tiêm.

Tiêm cũng lo mà không tiêm cũng lo. Thiệt là khó nghĩ".

Tất nhiên, bên cạnh phần lớn các ý kiến phản đối, cũng xuất hiện một số ít quan điểm cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ nhỏ là cần thiết, bởi điều này sẽ giúp con trẻ nhanh chóng đến trường và an toàn hơn khi tiếp xúc với nhiều người.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Gần 1 triệu liều vaccine về Việt Nam, nhiều phụ huynh phản đối tiêm cho trẻ nhỏ