Hàn Quốc 'đứng ngồi không yên' trước luật chống gián điệp mới của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Luật mới được cho là đang gợi lại những ký ức về Cách mạng Văn hóa. Trước mối đe dọa này, Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm việc phổ biến các cảnh báo của chính phủ và các lời khuyên từ phương tiện truyền thông.

Căng thẳng đang gia tăng khi Hàn Quốc chuẩn bị đối phó với “luật chống gián điệp” mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thứ sẽ được thi hành từ ngày 01/07.

Một bài báo ngày 28/06 từ tờ Hankyoreh của Hàn Quốc đã nhấn mạnh cách những người Hàn Quốc làm việc xa xứ, trong nỗ lực tránh khả năng bị truy tố, đang xóa dữ liệu phân tích và thống kê liên quan đến kinh doanh tại văn phòng và máy tính của họ. Mặc dù những dữ liệu này thường vô hại, nhưng nỗi sợ hãi bị buộc tội gián điệp đã dẫn đến những biện pháp quyết liệt này.

Một người Hàn Quốc làm việc tại nước ngoài, muốn giấu tên, nói với hãng tin này: “Với sự căng thẳng hiện tại trong quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc và bầu không khí gay gắt ở Trung Quốc, chúng tôi không thể đoán trước luật này có thể được lợi dụng như thế nào để chống lại chúng tôi”.

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Trung Quốc đã đưa ra một thông báo trên trang web chính thức của mình vào ngày 26/06, cảnh báo về phạm vi áp dụng mở rộng của luật chống gián điệp mới của ĐCSTQ. Cảnh báo khuyên người Hàn Quốc đang cư trú hoặc dự định di chuyển đến Trung Quốc nên thận trọng vì “các vấn đề không mong muốn” có thể phát sinh do sự khác biệt trong hệ thống pháp luật và các khái niệm giữa hai nước. Cảnh báo này đã tạo ra sự chú ý đáng kể, với hơn 23.000 lượt tìm kiếm được xác nhận trong vòng vài ngày.

Là một phần trong chiến lược chủ động của mình, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc thảo luận bàn tròn với ngành du lịch vào ngày 22/06, quyết định phổ biến luật mới trong các cuộc họp ngắn về an toàn cho khách du lịch khi họ đến Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, nhận ra khả năng ảnh hưởng trên phạm vi rộng của luật gián điệp, cũng đã tích cực tìm cách nâng cao nhận thức cộng đồng.

Các hãng tin nổi tiếng của Hàn Quốc, chẳng hạn như Chosun Ilbo, đã chỉ trích luật gián điệp mới của ĐCSTQ vì khả năng diễn giải và thực thi tùy tiện, nêu lên những lo ngại về các hình phạt ngẫu nhiên dưới vỏ bọc an ninh quốc gia. Nó chỉ ra cách các hoạt động vô hại như khảo sát thị trường, thu thập dữ liệu và thậm chí tìm kiếm và lưu các bài báo chỉ trích nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể thu hút sự trừng phạt.

Các tình huống giả định khác bao gồm tương tác với các chi nhánh văn phòng của Triều Tiên, chụp ảnh khu vực biên giới Trung Quốc - Triều Tiên, khách du lịch vô tình chụp ảnh các cơ sở quân sự hoặc khu vực an ninh, đến thăm các địa điểm biểu tình hoặc chụp ảnh người biểu tình. Những hoạt động như vậy, thường được coi là vô hại, cũng có thể bị kiểm soát chặt chẽ theo luật mới.

Các phương tiện truyền thông thông tin của Hàn Quốc đã kêu gọi người Hàn Quốc làm việc xa xứ, doanh nghiệp và khách du lịch Hàn Quốc ở Trung Quốc hết sức thận trọng. Thể hiện rõ về những lo ngại leo thang, họ khuyên không nên đi đến Trung Quốc nếu không cần thiết.

Ký ức về Cách mạng Văn hóa

Hàn Quốc 'đứng ngồi không yên' trước luật chống gián điệp mới của Trung Quốc
Các sĩ quan cảnh sát bán quân sự Trung Quốc bảo vệ một khu vực tại sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 14/02/2020. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)

Maeil Business News đã bình luận rằng luật mới gợi lại những ký ức về Cách mạng Văn hóa, thời kỳ được đặc trưng bởi những biến động xã hội và nỗi sợ hãi lan rộng. Nó cũng nhấn mạnh những lo ngại rằng ĐCSTQ có khả năng lợi dụng luật này như một biện pháp trả đũa chống lại Hàn Quốc giữa những căng thẳng ngoại giao.

Cuộc Cách mạng Văn hóa, kéo dài từ năm 1966 đến năm 1976 dưới sự bảo trợ của nhà lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông, là một thập kỷ hỗn loạn, bạo lực và đổ vỡ xã hội sâu sắc ở Trung Quốc. Trong thời kỳ này, nhà nước thực hiện việc kiểm soát tàn bạo đối với cuộc sống của công dân Trung Quốc, sử dụng các luật và quy định mơ hồ để củng cố quyền lực và bóp nghẹt bất đồng chính kiến. Các ước tính chính thức cho thấy ít nhất 1,5 triệu người đã chết trong giai đoạn này do bạo lực, lao động cưỡng bức và nạn đói lan rộng.

Korea Herald dự báo sự sụt giảm đáng kể trong trao đổi dân sự và các hoạt động của doanh nghiệp giữa hai quốc gia do sự bế tắc hiện tại và luật chống gián điệp sắp có hiệu lực. Căn cứ vào quá trình bình thường hóa về vấn đề căn cứ THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc, tờ báo dự đoán về những phức tạp hơn nữa trong mối quan hệ song phương của Trung Quốc - Hàn Quốc.

THAAD (Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) là một hệ thống chống tên lửa do Mỹ thiết kế và sản xuất được lắp đặt tại Hàn Quốc từ năm 2016 đến 2017 như một bức tường thành chống lại một cuộc tấn công tên lửa tiềm năng của Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh đã khẳng định rằng việc triển khai THAAD ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc và từ đó đã áp dụng một loạt biện pháp nhằm đối phó với Hàn Quốc.

Ngoài luật chống gián điệp, ĐCSTQ chuẩn bị áp dụng Luật Quan hệ Đối ngoại từ ngày 01/07. Luật mới yêu cầu tất cả các tổ chức và cá nhân bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong giao lưu quốc tế. Nó nói rằng bất cứ ai “thực hiện các hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc” sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Hãng thông tấn Yonhap nhận xét rằng, các luật này minh họa cho chính sách của ĐCSTQ. ĐCSTQ muốn tăng cường kiểm soát nội bộ đồng thời kiềm chế các ảnh hưởng bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.

Mức sụt giảm đáng kinh ngạc

Mối quan hệ căng thẳng giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã tạo ra một tác động đáng chú ý. Đó là sự sụt giảm đáng kể số lượng người Hàn Quốc di chuyển tới Trung Quốc trong năm nay, theo báo cáo của TV Chosun. Các số liệu hiện tại cho thấy mức giảm đáng kinh ngạc 90% so với mức trước đại dịch. Mặc dù Trung Quốc dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài vào tháng 4, nhưng mức giảm vẫn đáng kể ở mức 85%.

Phóng sự của TV Chosun vẽ nên một sự tương phản rõ rệt tại sân bay, nơi có thể nhìn thấy hàng dài người xếp hàng tại các quầy làm thủ tục đi Mỹ, trong khi các quầy làm thủ tục đi Trung Quốc ít bận rộn hơn rõ rệt. Sự thay đổi này đã thúc đẩy ngành hàng không Hàn Quốc định hình lại chiến lược, giảm số lượng các tuyến bay Hàn Quốc - Trung Quốc và tăng tần suất các tuyến bay Hàn Quốc - Nhật Bản.

Korean Air thông báo tạm dừng tuyến Gimpo - Bắc Kinh từ ngày 01/08 đến ngày 28/10 và tuyến Incheon - Hạ Môn từ ngày 09/08 đến ngày 28/10. Hiện tại, lượng chuyến bay đến Trung Quốc của Korean Air chỉ bằng một phần ba so với mức trước đại dịch vào tháng 06/2019.

Tương tự, Asiana Airlines cũng đang lên kế hoạch tạm dừng tuyến Gimpo - Bắc Kinh từ ngày 06/07, tuyến Incheon - Thâm Quyến từ ngày 08/07 và tuyến Incheon - Tây An đã bị tạm dừng kể từ ngày 20/06.

Khi Hàn Quốc chuẩn bị cho giai đoạn không chắc chắn sắp tới, nước này tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng ngừa và tuyên truyền phổ biến nhận thức cho người dân để tìm cách vượt qua thời điểm ngoại giao đầy thách thức này.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Quốc 'đứng ngồi không yên' trước luật chống gián điệp mới của Trung Quốc