Biểu tình phản đối Zero-COVID đang làm rung chuyển Trung Quốc: Những điều cần biết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên khắp Trung Quốc, các cuộc biểu tình đang diễn ra ở nhiều thành phố nhằm phản đối các quy định nghiêm ngặt về chính sách Zero-COVID. Người dân đã phải chịu đựng suốt 3 năm qua, và bây giờ đã không thể chịu thêm được nữa.

Mặc dù các cuộc biểu tình không phải là chưa từng xảy ra ở Trung Quốc, nhưng thường là theo địa điểm hoặc vấn đề cụ thể, từ việc yêu cầu tăng lương cho đến mua nhà bị chậm tiến độ, không rút được tiền gửi ngân hàng... Thường là hệ thống giám sát và phản ứng nhanh chóng từ các lực lượng nhà nước sẽ tiêu diệt những thứ này từ trong trứng nước, trước khi chúng có thể lây lan.

Lần này thì khác, mặc dù không thể xác minh chính xác có bao nhiêu trong số 1,4 tỷ người Trung Quốc đã tham gia. Ngòi nổ của các cuộc biểu tình rõ ràng là một vụ cháy căn hộ đã cướp đi ít nhất 10 sinh mạng ở Urumqi, thủ phủ của khu vực Tây Bắc Tân Cương, vào thứ Năm tuần trước.

Chính sách Zero-COVID đã làm chậm trễ những việc ứng cứu khẩn cấp, và đã gây ra một làn sóng bất ổn trong cộng đồng, không giống bất kỳ làn sóng nào khác.

Những người biểu tình đã bị đánh đập hoặc bị bắt giữ. Mặc dù vậy, các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp tục nổ ra ở các thành phố lớn, bao gồm thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải.

Tại Thượng Hải, những người biểu tình đã kêu gọi Tập Cận Bình và ĐCSTQ từ chức và xin lỗi, theo BBC.

Các cuộc biểu tình sẽ đi đến đâu?

Theo Associated Press, các cuộc biểu tình phản đối zero-COVID đã được đưa tin tại ít nhất 8 thành phố lớn trên cả nước.

Tại Thượng Hải, hàng trăm cư dân đã tập trung thắp nến cầu nguyện trên đường Urumqi vào tối thứ Bảy để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ hỏa hoạn ở Tân Cương. Theo CNN, buổi cầu nguyện biến thành một cuộc biểu tình khi đám đông hét lên "Không muốn xét nghiệm COVID, muốn tự do!". Nhiều người đã giương cao các biểu ngữ chỉ trích các quy trình nghiêm ngặt về đại dịch. Cuộc biểu tình tiếp tục cho đến ngày hôm sau, và một số người được cho là tiếp tục xuất hiện tại địa điểm biểu tình vào thứ Hai.

Trang Người Việt đưa tin, Ông Zhao, một người tham gia biểu tình tại Thượng Hải, cho biết bạn của mình bị cảnh sát đánh đập và hai người bị xịt hơi cay. Ông kể rằng người biểu tình hô vang các khẩu hiệu “Tập Cận Bình từ chức, Đảng Cộng Sản từ chức,” “Mở cửa Tân Cương, mở cửa Trung Quốc,” “Không muốn xét nghiệm PCR, muốn tự do” và “tự do báo chí.”

Mọi người cũng được cho là đã tập trung tại các trường đại học để bày tỏ sự phản đối của họ đối với các chính sách Zero-COVID. Các sinh viên của Đại học Truyền thông Trung Quốc ở Nam Kinh tập trung cho một buổi cầu nguyện tương tự như ở Thượng Hải. Một số người biểu tình cũng tập trung tại Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, theo một số bài đăng trên mạng xã hội.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một điểm yếu đối với các trường đại học, vì sự đàn áp dã man cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 do sinh viên thực hiện.

Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nói rằng những cuộc biểu tình này vẫn chưa “đạt đến cấp độ quốc gia”. Về việc chúng có thể lớn đến mức nào, các nhà quan sát đồng ý rằng rất khó để dự đoán, nhưng có vẻ như các cuộc biểu tình đang trở nên có tổ chức hơn, theo TIME.

Jean Pierre Cabestan, giáo sư danh dự về khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói với TIME rằng những người biểu tình đang bắt đầu sử dụng các thông điệp giống nhau trong các cuộc biểu tình, nhiều người trong số họ lặp lại ngôn ngữ từ một biểu ngữ phản đối lan truyền vào tháng trước. “Cuộc biểu tình chống COVID đã trở nên chính trị hơn nhiều”, ông nói với TIME.

Các cuộc biểu tình bắt đầu như thế nào?

Các cuộc biểu tình chống lại COVID-19 đã diễn ra trong nhiều tháng, nhưng các nhà nghiên cứu từ nhóm Freedom House (FH) lưu ý rằng sự gia tăng kể từ tháng Chín.

Kevin Slaten, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án Giám sát Bất đồng chính kiến Trung Quốc của FH cho biết, các cuộc biểu tình mới nhất từ đám cháy ở Urumqi đã trở thành một lực lượng “kích động” đối với người dân ở các thành phố khác. Ông nói rằng các nhà phản đối chính sách đã sử dụng các thẻ hashtags, để đưa tin về vụ cháy trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, để bày tỏ sự tức giận và phẫn nộ đối với cách chính quyền xử lý thảm kịch cháy tại chung cư.

Slaten nói với TIME: “Điều đó không xảy ra nhiều với các cuộc biểu tình trước đây về COVID-19”. Các quan chức chính quyền đã xin lỗi và vào thứ Bảy, hứa sẽ dỡ bỏ các hạn chế “một cách có trật tự”, nhưng sau đó các cuộc biểu tình đã nổ ra ở các thành phố khác.

Cuộc đàn áp sẽ như thế nào?

Là một nhà nước độc tài, Trung Quốc thường đàn áp những hành vi bất đồng chính kiến từ trong trứng nước. Trung Quốc cũng nhanh chóng ngăn chặn bất kỳ ý kiến phản đối trực tuyến nào, một phản ứng phổ biến đối với các mối đe dọa chống lại chế độ độc đảng. Các video và hình ảnh về làn sóng biểu tình hiện tại đã bị xóa khỏi phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.

Tại Thượng Hải, cảnh sát Trung Quốc đụng độ với người biểu tình, xịt hơi cay và đánh một số người trong số họ. Các video từ AFP cho thấy cảnh sát đã bắt giữ nhiều người vào thứ Hai tại nơi xảy ra các cuộc biểu tình ở Thượng Hải, sau đó đám đông giải tán. Xe cảnh sát cũng tuần tra trên đường phố thường xuyên hơn và các rào chắn mới đã được lắp đặt ở những nơi các cuộc biểu tình nổ ra.

Một tuyên bố từ BBC cho biết Ed Lawrence, một trong những nhà báo của họ đưa tin về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải, đã bị bắt và sau đó được thả. Người phát ngôn của tổ chức truyền thông bày tỏ lo ngại về cách chính quyền đối xử với Lawrence, cho rằng anh ta đã bị cảnh sát "đánh và đá".

Giáo sư Cabestan nói: “Cho đến gần đây, hầu hết người dân Trung Quốc đều rất sợ hãi sự đàn áp của Trung Quốc và họ sẽ không dám động một ngón tay. Nhưng các cuộc biểu tình gần đây cho thấy mọi người “vô cùng phẫn uất với tình hình hiện tại và tin rằng mọi thứ phải thay đổi”.

Zero-COVID có thể kéo dài bao lâu?

Ở một mức độ nào đó, các cuộc biểu tình đã mang lại một số kết quả: chính quyền đã nới lỏng một số hạn chế COVID ở Urumqi cũng như ở Bắc Kinh và Quảng Châu.

Nhưng chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn giữ im lặng trước các cuộc biểu tình rầm rộ, chỉ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước về tầm quan trọng của việc duy trì các biện pháp ngăn ngừa COVID.

Về việc liệu các cuộc biểu tình có thể buộc chính phủ Trung Quốc sớm chấm dứt chính sách Zero-COVID hay không, các chuyên gia cho rằng điều đó khó có thể xảy ra.

Slaten từ Freedom House cho biết một số nhượng bộ có thể được đưa ra, tùy thuộc vào mức độ tin tưởng của Trung Quốc vào khả năng “dẹp tan mọi bất mãn trên đường phố”.

Tuy nhiên, việc công dân Trung Quốc thiếu khả năng miễn dịch tự nhiên và những câu hỏi về hiệu quả của vaccine sản xuất trong nước làm dấy lên lo ngại rằng bất kỳ động thái nào hướng tới việc mở cửa sẽ giáng một đòn mạnh vào Trung Quốc.

(T/h)



BÀI CHỌN LỌC

Biểu tình phản đối Zero-COVID đang làm rung chuyển Trung Quốc: Những điều cần biết