Các nhà thiên văn học phát hiện hai vật thể màu đỏ bất thường trong vành đai tiểu hành tinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hai tiểu hành tinh, được đặt tên là 203 Pompeja và 269 Justitia, có quang phổ đỏ hơn bất kỳ tiểu hành tinh nào khác trong vành đai chính, dải tiểu hành tinh nằm giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc. Khám phá về chúng xác nhận các điều kiện phức tạp tại đó khi hệ Mặt trời vẫn đang hình thành...

Ngoài ra, những tiểu hành tinh màu đỏ này giống với những vật thể xuyên sao Hải Vương, tức là những vật thể nằm bên ngoài hành này, hành tinh xa Mặt trời nhất nếu không tính hành tinh lùn sao Diêm Vương.

Điều này có nghĩa là 203 Pompeja và 269 Justitia có thể đã hình thành trong Vành đai Kuiper và sau đó trôi dạt vào trong thời kỳ hệ Mặt trời vẫn còn non trẻ. Nếu khả năng này được xác nhận, phát hiện mới cho thấy điều kiện hỗn loạn khi đó, các vật liệu từ các phần khác nhau của hệ Mặt trời đôi khi sẽ trộn lẫn với nhau.

Mục đích của nghiên cứu là ghi lại sự phân bố và thành phần của các tiểu hành tinh lớn trong vành đai chính. Các tiểu hành tinh lớn, đặc biệt là những tiểu hành tinh có chiều rộng hơn 60 dặm (100 km), có khả năng là những vật thể còn sót lại trong những ngày đầu của hệ Mặt trời.

Bằng cách nghiên cứu những vật thể kể trên, các nhà khoa học hy vọng có thể hiểu được điều kiện tại hệ Mặt trời như thế nào cách đây khoảng 4 tỷ năm.

Trong nghiên cứu, các nhà thiên văn đã thực hiện các quan sát quang phổ cận hồng ngoại và nhìn thấy được của vành đai chính bằng cách sử dụng Cơ sở Kính viễn vọng (IRTF) và Đài quan sát Thiên văn Đại học Quốc gia Seoul (SAO). Sự hợp tác quốc tế này có sự tham gia của các nhà khoa học từ MIT, Đại học Hawai'i, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Kyoto và một số học viện khác.

Tiểu hành tinh 203 Pompeja có đường kính 68 dặm (110 km), trong khi 269 Justitia chỉ lớn bằng một nửa. Cả hai đều có quang phổ màu đỏ bất thường, có nghĩa là chúng phản xạ rất nhiều ánh sáng đỏ. Chúng thậm chí còn đỏ hơn cả tiểu hành tinh loại D, từng được cho là vật thể đỏ nhất trong vành đai tiểu hành tinh.

Vòng ngoài hệ Mặt trời chứa đầy những vật chất còn sót lại trong quá hình thành nó, bao gồm tiểu hành tinh và hành tinh băng giá nằm giữa sao Mộc và sao Hải Vương. Những vật thể ở xa này rất đỏ, chứa các hợp chất hữu cơ phức tạp như metan và băng metanol. Những hợp chất này, khi được quan sát qua máy quang phổ, tạo cho các tiểu hành tinh có vẻ ngoài hơi đỏ. Ngược lại, các vật thể ở vòng trong hệ Mặt trời có rất ít dấu vết của vật chất hữu cơ, vì vậy chúng có xu hướng phản xạ ánh sáng xanh.

Các tiểu hành tinh 203 Pompeja và 269 Justitia "được cho là đã được hình thành gần rìa ngoài của hệ Mặt trời, bên ngoài đường tuyết hữu cơ xa xôi, và sau đó di chuyển đến vành đai tiểu hành tinh trong thời kỳ đầu của sự hình thành Hệ Mặt trời", một thông cáo báo chí của JAXA lưu ý. Khi nói đến “đường tuyết hữu cơ”, các nhà khoa học đang đề cập đến vị trí trong hệ Mặt trời, nơi metanol và metan biến thành băng.

Phát hiện này cho thấy một số tiểu hành tinh trong vành đai chính được hình thành tại vòng ngoài hệ Mặt trời. Bước tiếp theo sẽ là xác định tỷ lệ chính xác của quần thể tiểu hành tinh đỏ này. Hơn nữa, nghiên cứu mới cho thấy vành đai chính có thể là một điểm đến tốt cho một sứ mệnh trong tương lai. Thay vì đi đến rìa ngoài của hệ Mặt trời để tìm các mẫu vật thể của Vành đai Kuiper, chúng ta chỉ cần gửi một tàu thăm dò đến vành đai tiểu hành tinh, nơi nó có thể nghiên cứu cả các tiểu hành tinh vật thể bên trong và những vật thể hình thành ở rất xa của hệ Mặt trời.

Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters.

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà thiên văn học phát hiện hai vật thể màu đỏ bất thường trong vành đai tiểu hành tinh