Hành tinh kỳ lạ: Mắc kẹt với mùa hè ngược đời kéo dài 40 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một hành tinh nằm ngay trong Hệ Mặt Trời, là câu đố thú vị đối với giới thiên văn: Một ngày chỉ kéo dài 16 tiếng, một năm ở đây dài bằng 165 năm Trái đất, một mùa kéo dài hơn 4 thập kỷ. Hành tinh lạ lùng và bí ẩn này là hành tinh nào?

Sao Hải Vương

Sao Hải Vương hay Hải Vương tinh là hành tinh thứ tám và xa nhất tính từ Mặt Trời trong Hệ Mặt Trời. Nó là hành tinh lớn thứ tư về đường kính và lớn thứ ba về khối lượng. Sao Hải Vương có khối lượng riêng lớn nhất trong số các hành tinh khí trong hệ Mặt trời.

Theo NASA, sao Hải Vương tỏa ra nhiều ánh sáng hơn là hấp thụ từ Mặt Trời. Tốc độ gió trên sao Hải Vương có thể lên tới hơn 2.000 km/h, khiến nó trở thành hành tinh có gió thổi nhanh nhất trong Hệ Mặt Trời.

Sao Hải Vương có một cơn bão diễn ra liên tục, còn được gọi là Vết Tối lớn, tương tự như Vết Đỏ lớn trên sao Mộc. Điều khiến cơn bão này trở nên bất thường là nó có kích thước bằng Trái Đất.

Một ngày trên sao Hải Vương chỉ dài hơn 16 tiếng. Tuy nhiên, 1 năm trên sao Hải Vương bằng 164 năm trên Trái Đất.

Khoảng cách từ sao Hải Vương tới Mặt Trời là hơn 4,5 tỷ km. Chúng ta không thể quan sát sao Hải Vương bằng mắt thường từ Trái Đất.

Sáu siêu kính viễn vọng đã cùng hướng về người anh em lạnh và bí ẩn nhất của Trái Đất và khám phá ra những điều hết sức lạ lùng đang diễn ra trên hành tinh này.

Bởi vì với khoảng cách 4,5 tỷ km, nhiệt độ luôn âm 220 độ C và bóng tối bao quanh, việc quan sát hành tinh thứ 8 của Hệ Mặt trời từ Trái đất là điều vô cùng khó khăn.

Sao Hải vương- mùa hè nghịch lý kéo dài 40 năm

Sao Hải vương- hành tinh 'trẻ nhất' Trái đất mắc kẹt với mùa hè nghịch lý kéo dài 40 năm.
Sao Hải vương- hành tinh 'trẻ nhất' Trái đất mắc kẹt với mùa hè nghịch lý kéo dài 40 năm. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Theo Sci-News, một nhóm do nhà thiên văn học Michael Roman đến từ Đại học Leicester (Anh) dẫn đầu và các đồng nghiệp đã nghiên cứu hành tinh độc đáo này bằng cách sử dụng dữ liệu tổng hợp từ Kính viễn vọng Very Large (VLT) của Đài thiên văn Nam Âu (ESO), Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, 2 kính viễn vọng Subaru, Keck và Bắc Gemini ở Hawaii - Mỹ, kính viễn vọng Nam Gemini ở Chile.

Mùa hè ở Nam bán cầu của sao Hải Vương diễn ra từ năm 2005 đến nay và sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2045. Vì em út của Trái đất nằm xa Mặt trời nhất nên nó có quỹ đạo rất lớn. Một năm ở đây dài bằng 165 năm Trái đất, vì vậy một mùa kéo dài hơn 4 thập kỷ.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ánh sáng hồng ngoại phát ra từ tầng bình lưu của Sao Hải Vương, để rồi kinh ngạc khi nhận ra nó đang... lạnh dần sau gần 2 thập kỷ trải qua cái gọi là "mùa hè".

Cụ thể, theo Science Alert, nhiệt độ trung bình của hành tinh này đã giảm khoảng 8 độ so với năm 2003 cho đến lần đo tổng thể cuối cùng vào năm 2018.

Ngược lại, cực Nam của hành tinh này đã ấm lên đáng kể, tăng tới 11 độ từ năm 2018 đến năm 2020.

Các tác giả vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của “mùa hè lạnh giá” và sự nóng lên đột ngột của Nam Cực. Họ cho rằng đó có thể là do những thay đổi hóa học phức tạp trong tầng bình lưu hoặc khí quyển, hoặc các kiểu thời tiết ngẫu nhiên và phức tạp hơn bất kỳ hành tinh nào khác trong Hệ Mặt trời.

Nghiên cứu sẽ tiếp tục vì sao Hải Vương luôn là mục tiêu hấp dẫn đối với các nhà thiên văn học. Tuy rằng nhiệt độ ở đây rất lạnh và có vẻ không có sự sống tồn tại nhưng NASA nghi ngờ có một đại dương bên dưới lớp băng của hành tinh này.

Ngọc Mai

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Hành tinh kỳ lạ: Mắc kẹt với mùa hè ngược đời kéo dài 40 năm