NASA bắt đầu Sứ mệnh DART: Bắn tiểu hành tinh với tốc độ 24.000 km/h

Giúp NTDVN sửa lỗi

NASA mới phóng tàu vũ trụ "DART Mission" thử nghiệm công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh gây nguy hiểm cho Trái Đất.

Tên lửa mang tên "Sứ mệnh DART" (DART Mission) rời Trái Đất vào chiều 24/11 có một nhiệm vụ đơn giản: va chạm vào một tiểu hành tinh với tốc độ khoảng 24.000 km/h.

Thử nghiệm này có mục đích kiểm tra liệu một tiểu hành tinh bị tàu vũ trụ đâm vào có thể bị thay đổi quỹ đạo hay không. Nếu thành công, sứ mệnh sẽ rất có ích cho NASA và các cơ quan không gian khi cần làm chệch hướng một tiểu hành tinh, từ đó loại bỏ khả năng tạo nên vụ va chạm thảm khốc với Trái Đất.

Thử nghiệm công nghệ làm chệch hướng tiểu hành tinh sẽ diễn ra sau hành trình gần 1 năm để con tàu hướng tới tiểu hành tinh cách Trái Đất 11 triệu km.

DART sẽ lao vào Dimorphos, vệ tinh của một tiểu hành tinh lớn hơn là Didymos. Dự kiến, vụ va chạm của DART sẽ xảy ra vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2022, khi các tiểu hành tinh ở điểm gần Trái Đất nhất, cách khoảng 11 triệu km.

Nancy Chabot, làm việc tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins đang quản lý dự án cho biết: "Hành động này sẽ không phá huỷ tiểu hành tinh, nó chỉ mang lại một cú huých nhỏ".

Mục tiêu của DART là vụ va chạm sẽ làm chậm lộ trình của Dimorphos, khiến nó rơi gần về phía tiểu hành tinh lớn hơn, bay khỏi quỹ đạo 10 phút.

Các nhà khoa học sẽ sử dụng kính thiên văn trên Trái Đất để đo đếm sự thay đổi của chu kỳ quỹ đạo. Nhiệm vụ thành công nếu đo được thay đổi tối thiểu là 73 giây.

Trước khi va chạm 20 giây, DART sẽ chụp lại ảnh và gửi về trái đất. Nếu quỹ đạo của Dimorphos kéo dài thêm ít nhất 73 giây, DART sẽ chứng minh sứ mệnh của mình thành công.

DART có thể hữu ích trong việc thay đổi đường đi của một tiểu hành tinh trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ trước khi rơi xuống Trái Đất gây ra thảm họa. NASA cho biết một cú hích nhỏ 'sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về vị trí của tiểu hành tinh trong tương lai, sau đó tiểu hành tinh và Trái Đất sẽ không xảy ra va chạm.

Video minh họa vụ va chạm của "DART Mission"

Sứ mệnh DART là gì?

Sứ mệnh DART của NASA có tên gọi đầy đủ là "Nhiệm vụ Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi" (DART - Double Asteroid Redirection Test).

DART là một thử nghiệm định hướng phòng thủ hành tinh để ngăn chặn tác động hủy diệt tới Trái Đất bởi một tiểu hành tinh nguy hiểm. Nói rộng hơn, DART là cuộc trình diễn đầu tiên về kỹ thuật tác động động học để thay đổi chuyển động của một tiểu hành tinh trong không gian, theo NASA.

Dưới đây là một số thông tin chính về Sứ mệnh DART:

  • NASA sẽ phóng một tàu vũ trụ đi gần 7 triệu dặm (tương đương 11.265.408 km) để tự đâm vào một tiểu hành tinh.
  • Tàu vũ trụ hình hộp rộng 1,22 mét , dài 19 mét nếu so sánh với tiểu hành tinh kích thước Colosseum mà nó sắp lao đến phá hủy thì chỉ như "một viên sỏi so với Colosseum - Đấu trường La Mã rộng lớn ở thành Rome".
    Tiểu hành tinh này có tên Dimorphos, rộng 163 mét.
So sánh kích thước của các vật thể trên Trái Đất và thiên thạch. Nguồn: Văn phòng Khoa học Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA)
So sánh kích thước của các vật thể trên Trái Đất và thiên thạch. Nguồn: Văn phòng Khoa học Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA)
  • Theo tính toán của NASA, tàu vũ trụ thực hiện DART sẽ thực hiện vụ va chạm với lực đẩy đủ khiến cho tiểu hành tinh thay đổi đường đi của nó.
    NASA đang kiểm tra xem liệu một ngày nào đó, một cú huých như vậy có thể chuyển hướng một tảng đá không gian đang bay về Trái Đất hay không.
  • Đây là một kỳ công phức tạp, vì DART sẽ không thể nhìn thấy tiểu hành tinh Dimorphos cho đến một giờ trước khi tác động. Tàu vũ trụ sẽ lao vào trung tâm của Dimorphos với vận tốc 24.140 km/giờ (6.000 mét/giây), truyền động năng của nó tới tiểu hành tinh và đẩy nó đến gần Didymos hơn.

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

NASA bắt đầu Sứ mệnh DART: Bắn tiểu hành tinh với tốc độ 24.000 km/h