NASA cảnh báo núi lửa 'cá mập' sắp phun trào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ở quần đảo Solomon, Thái Bình Dương có một núi lửa ngầm sắp phun trào, có biệt danh là "núi lửa cá mập", nơi sinh sống của 2 loài cá mập đột biến.

Kavachi là một trong những núi lửa ngầm hoạt động mạnh nhất ở Thái Bình Dương với tên gọi khác là Rejo te Kvachi. Kavachi được hình thành trong một khu vực hoạt động kiến ​​tạo, tức một vùng hút chìm, phun ra thứ dung nham giàu ma-giê và sắt, andesitic, chứa nhiều silica hơn dung nham của đa số núi lửa thông thường.

Dữ liệu vệ tinh mới hé lộ hoạt động trong vài ngày vào tháng 4 và tháng 5/2022, ngọn núi lửa đã tiến vào giai đoạn chuẩn bị phun trào từ tháng 10/2021, theo chương trình Núi lửa học toàn cầu Smithsonian.

Ảnh vệ tinh hôm 14/5 cho thấy một cột khói làm nước biển đục màu bốc lên từ núi lửa Kavachi, nằm cách đảo Vangunu khoảng 24 km về phía Nam.

Hình ảnh tổng quan hơn cho thấy khu vực xảy ra phun trào.
Hình ảnh tổng quan hơn cho thấy khu vực xảy ra phun trào. (Ảnh: NASA)

Khi thực hiện chuyến thám hiểm tới núi lửa Kavachi vào năm 2015, các nhà khoa học đã phát hiện thấy hai loài cá mập bao gồm cá nhám búa và cá mập silky ở miệng hố dưới biển.

Sự tồn tại của cá mập dấy lên câu hỏi mới về sinh thái của núi lửa hoạt động dưới nước và môi trường cực hạn mà động vật biển lớn có thể tồn tại.

Nghiên cứu trước đây chỉ ra cột nước giàu axit siêu nóng chứa hạt mịn, mảnh vỡ đá núi lửa và lưu huỳnh, NASA cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho rằng những con cá mập chắc chắn đã đột biến để sống sót trong môi trường nóng giàu axit.

Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy một con cá đuối 6 mang, cá hồng, sứa và quần thể vi khuẩn phát triển mạnh trong lưu huỳnh.

Báo cáo đầu tiên về hoạt động của ngọn núi lửa là năm 1939. Từ cuối thập niên 1970, có ít nhất 11 vụ phun trào lớn, trong đó vụ phun trào vào năm 1976 và 1991 mạnh đến mức tạo ra hòn đảo mới. Tuy nhiên, các hòn đảo này không đủ lớn để tồn tại trước xói mòn và cuối cùng bị nhấn chìm.

Những vụ phun trào thường xuyên dưới biển đôi khi vươn tới bề mặt, tạo ra nhiều cột khói, tro và mảnh vỡ đá núi lửa.

Đỉnh của ngọn núi lửa hiện nay ước tính nằm ở độ sâu 20 m dưới mực nước biển. Chân của nó nằm ở đáy biển tại độ sâu 1,2 km.

Ngọc Mai

Khoa học


BÀI CHỌN LỌC

NASA cảnh báo núi lửa 'cá mập' sắp phun trào