Nghiên cứu: Nhiều ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc chưa chứng minh được người hiến tặng đã chết não

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng chục bài báo trên tạp chí y khoa Trung Quốc xuất bản từ năm 1980 đến năm 2015, khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng mua nội tạng từ các tù nhân bị tử hình, cho thấy các bác sĩ ở Trung Quốc thực hiện cấy ghép nội tạng mà chưa xác nhận người hiến tặng đã chết não, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu của Hoa Kỳ. 

Theo Axios, Jacob Lavee, giám đốc đơn vị cấy ghép tim tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel Aviv và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Điều này cho thấy rằng, theo lời của chính các bác sĩ, họ ưu tiên mua được nội tạng hơn là tuân thủ lời thề y đức căn bản nhất - trước hết, không làm điều có hại".

Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Trung Quốc cho phép thu mua nội tạng từ các tù nhân bị tử hình. Hành vi này bị lên án rộng rãi về mặt y đức vì các tù nhân có thể không thực sự sự đồng ý với việc hiến tạng.

Năm 2013, Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), người đứng đầu văn phòng cấy ghép nội tạng của Bộ Y tế Trung Quốc, nói với Reuters: "Tôi tin rằng không bao lâu nữa tất cả các bệnh viện được chính thức công nhận sẽ ngừng sử dụng nội tạng của tù nhân”.

Đến năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố họ đã chấm dứt hoạt động này và thành lập một hệ thống hiến tạng tự nguyện, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ về tuyên bố đó do các vấn đề với dữ liệu của chính phủ Trung Quốc về hiến tạng kể từ đó.

Vào năm 2017, Hoàng cho biết có thể một số nội tạng của các tù nhân bị hành quyết vẫn đang được sử dụng.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được 71 bài báo được xuất bản trên các tạp chí y khoa Trung Quốc từ năm 1980 đến năm 2015, mà trong đó các bác sĩ mô tả việc mua nội tạng từ người hiến tặng mà không thực hiện trước xét nghiệm để xác nhận chết não. Xác nhận chết não là điều kiện tiên quyết trước khi lấy nội tạng từ người hiến tặng để đảm bảo bản thân việc lấy nội tạng không phải là nguyên nhân gây tử vong.

Ngoài ra, sau một thời gian ngừng thở, bệnh nhân sẽ chết não. Do đó, trước khi xét nghiệm chết não, các bác sĩ cần thực hiện xét nghiệm quan trọng khác là xét nghiệm ngừng thở. Việc này đòi hỏi đặt nội khí quản cho bệnh nhân hiến tặng.

Tuy nhiên, trong 71 bài báo được nhắc đến trong nghiên cứu của Lavee và đồng tác giả Matthew Robertson của Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, các bác sĩ đã mô tả về việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân sau khi xác nhận chết não, nghĩa là họ chưa hề thực hiện xét nghiệm ngừng thở.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Việc mua các cơ quan quan trọng từ tù nhân đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa người hành hình và nhóm cấy ghép".

Họ nói thêm: "Vai trò của nhà nước là quản lý thời điểm hành hình, trong khi vai trò của bác sĩ là mua một cơ quan còn sống. Nếu việc hành hình được tiến hành mà không chú ý đến yêu cầu lâm sàng của việc cấy ghép, các cơ quan có thể bị hỏng. Tuy nhiên, nếu nhóm cấy ghép tham gia quá sâu, họ có nguy cơ trở thành những kẻ hành hình”.

Tuy hoạt động mua bán nội tạng từ các tù nhân bị tử hình ở Trung Quốc được ghi chép đầy đủ nhưng nó lại nhận được sự hoài nghi của một số người. Các nhà hoạt động nổi bật nhất về vấn đề này là các học viên Pháp Luân Công. Họ từ lâu cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc đã đặc biệt nhắm vào các học viên ở đại lục để mổ cướp nội tạng.

Lần đầu tiên Lavee biết về việc Trung Quốc sử dụng các tù nhân bị tử hình để buôn bán nội tạng vào năm 2005, khi một trong những bệnh nhân của ông ở Israel bay đến Trung Quốc để ghép tim theo lịch trình trước hai tuần.

Lavee nhớ lại: "Làm thế nào mà ai đó có thể hứa với bạn về một trái tim vào một ngày đã định? Phải có người chết vào đúng ngày đó". Sau đó, bệnh nhân đó đã "đến Trung Quốc và được ghép tim vào đúng ngày mà anh ta đã được hứa hẹn trước đó hai tuần."

Trải nghiệm khi đó đã khiến Lavee chấn động. Sau đó ông đã làm việc với các nhà lập pháp Israel để thúc đẩy việc thông qua luật cấm các công ty bảo hiểm nước này chi trả chi phí cho các thủ tục cấy ghép ở các quốc gia không đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế về cấy ghép.

Nghiên cứu được đăng ngày 4/4 trên tạp chí American Journal of Transplantation.

Các nguyên tắc chung hay còn gọi là giá trị cơ bản của y đức

Beneficence: Làm điều có lợi nhất cho bệnh nhân

(Primum non nocere), “First, do no harm”: Trước hết, không làm điều có hại

Autonomy: Tôn trọng sự tự chủ

Confidentiality: Bảo mật

Justice: Công minh.

Non-discrimination: Không kỳ thị, phân biệt đối xử

Dignity: Tôn trọng nhân phẩm

Informed Consent: Thỏa thuận với thông tin đầy đủ

Telling the truth: Nói sự thật

Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công/ Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu…/ Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại…

(Trích Lời thề Hippocrates)

Văn Thiện



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Nhiều ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc chưa chứng minh được người hiến tặng đã chết não