Nhà khoa học cấp cao Trung Quốc bị cáo buộc gian lận và đạo văn liên quan đến hơn 60 bài báo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc từng phải đối mặt với các cáo buộc can thiệp vào hình ảnh trong hàng chục bài báo đã bị gỡ bỏ. Tuy ông đã được lệnh sửa "hình ảnh bị sử dụng sai" trong các bài báo và đã nhận một số hình phạt khác, nhưng một số học giả có liên quan hoặc theo dõi vụ việc không hài lòng và cho rằng ông đáng lẽ phải từ chức.

Theo ScienceMag vào ngày 21/1, một thông báo ngắn gọn được đăng trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) cho biết một nhóm gồm nhiều bộ và cơ quan đã kết thúc cuộc điều tra về việc nghi ngờ làm giả dữ liệu trong các bài báo của nhà miễn dịch học Cao Xuetao, chủ tịch Đại học Nam Đài và một viện sĩ tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc. Ông Cao là một trong những nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng nhất bị vướng vào những cáo buộc về hành vi sai trái trong những năm gần đây.

Cuộc điều tra được khởi động vào tháng 11/ 2019 sau khi nhà vi sinh vật học Elisabeth Bik, một nhà tư vấn độc lập ở San Francisco, người chuyên tìm kiếm các số liệu nghiên cứu, đặt nghi vấn về một số hình ảnh trong một bài báo năm 2009 trên Tạp chí Miễn dịch học do ông Cao đồng tác giả. Sau khi Bik đăng bài phê bình của bà trên trang thảo luận tạp chí PubPeer, những người khác đã phát hiện ra các vấn đề trong các bài báo bổ sung của ông Cao.

Theo thông báo của bộ MOST, 63 bài báo được đề cập trong cuộc điều tra không có bằng chứng về gian lận, đạo văn hoặc sao chép, nhưng có "những hình ảnh bị sử dụng sai trong nhiều bài báo, phản ánh sự thiếu quản lý nghiêm ngặt của phòng thí nghiệm”.

Ông Cao sẽ bị cấm đăng ký dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia, mất tư cách chuyên gia khoa học, cấm tuyển sinh nghiên cứu sinh trong vòng 1 năm. Thông báo cũng lệnh cho ông phải kiểm tra và sửa lại các bài báo. Có vẻ như ông ấy sẽ vẫn tiếp tục công việc của mình với tư cách là hiệu trưởng của Đại học Nam Đài, một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc.

Bà Bik đặt nghi vấn về những phát hiện của MOST. Trong một loạt tweet của mình, bà đã trình bày một số bài báo do ông Cao đồng tác giả, trong đó việc sử dụng lại hình ảnh có thể là lỗi trung thực. Nhưng vẫn có "nhiều bài báo của ông Cao rất rất khó xảy ra 'tai nạn'". Điều này cho thấy các bản sao chép gợi ý một “ý định đánh lừa".

Những người khác chỉ trích cuộc điều tra của MOST và các hình phạt. Ông Huang Futao, một học giả về giáo dục đại học Trung Quốc tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản, cho biết: “Tôi không hài lòng lắm với những phát hiện của chính phủ Trung Quốc”. Ở vị trí của mình, ông Cao nên nêu gương về tính liêm chính trong nghiên cứu. “Ông ấy nên từ chức” hoặc mất chức chủ tịch Đại học Nam Đài.

Ông Huang cũng nói rằng cuộc điều tra đã kéo dài quá lâu và chỉ trích sự thiếu chi tiết trong báo cáo. Trung Quốc đã thông qua các quy định và ban hành các hướng dẫn nhằm ngăn chặn làn sóng của các bài báo đáng ngờ; ông Huang nói rằng việc Cao chỉ phải nhận hình phạt nhẹ nhàng, có thể vì vị trí và mối quan hệ của ông ấy. Ông Huang cho biết việc áp dụng các hình phạt được quy định trong các chỉ thị mới "phụ thuộc vào bạn là ai".

Ông Cao Cong, một chuyên gia về chính sách khoa học tại chi nhánh Đại học Nottingham ở Ninh Ba, Trung Quốc, gọi cuộc điều tra là “rất đáng thất vọng”. Không có chi tiết về ai đã thực hiện nó, những bằng chứng nào đã được kiểm tra, hoặc làm thế nào để đạt được kết luận.

Ông Cong nói: “Ít nhất thì điều này đã làm mất uy tín cơ chế duy trì tính toàn vẹn của nghiên cứu”.

Theo trang web Retraction Watch vào năm 2020, 4 trong số các bài báo của ông Cao Xuetao đã được rút lại bởi Tạp chí Hóa học Sinh học, nơi cũng đã rút lại một bài báo của ông Cao vào năm 2015. Năm ngoái, những nghi vấn cũng được đưa ra đối với 3 bài báo khác của ông Cao.

Văn Thiện

Theo Sciencemag



BÀI CHỌN LỌC

Nhà khoa học cấp cao Trung Quốc bị cáo buộc gian lận và đạo văn liên quan đến hơn 60 bài báo