Rò rỉ vụ thử vũ khí siêu thanh 'thay đổi cuộc chơi' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc được cho là đã thực hiện một bước nhảy vọt trong chương trình công nghệ vũ khí hạt nhân của mình, khi thử nghiệm một tên lửa có khả năng khiến các đối thủ chính trị hoàn toàn bất ngờ.

Theo một vụ rò rỉ thử vũ khí được đưa tin trên tờ Financial Times mới đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân mới vào tháng 8, bay vòng quanh địa cầu trước khi bay tới mục tiêu đã định.

Sau khi bay qua không gian quỹ đạo thấp, tên lửa cuối cùng đã trượt mục tiêu khoảng 38 km.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết cuộc thử nghiệm hồi tháng 8 cho thấy Trung Quốc đã đạt được kết quả nhanh chóng và "đáng kinh ngạc" khi nói đến vũ khí siêu thanh.

"Chúng tôi không biết họ đã làm điều này như thế nào", một quan chức Hoa Kỳ nói với Financial Times.

Công nghệ tên lửa là 'vũ khí thay đổi cuộc chơi'

Báo cáo đã làm dấy lên một số quan điểm trong cộng đồng quốc phòng và an ninh Hoa Kỳ, một nhà phân tích đã ví cuộc thử nghiệm này của Trung Quốc như là cuộc khủng hoảng Sputnik, khi phương Tây lo ngại rằng Liên Xô vượt qua khả năng công nghệ của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, sau khi ra mắt Sputnik 1 , vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới.

"Trung Quốc có thể vừa đạt được khoảnh khắc Sputnik của riêng mình chống lại quân đội Mỹ", Derek Grossman, một nhà phân tích về an ninh quốc gia Hoa Kỳ và chiến lược khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương viết trên Twitter.

Ông cho biết: "Thật khó để biết được mức độ thay đổi cuộc chơi, khi mà loại vũ khí không gian này có thể được hoàn thiện. Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể trở nên bị phủ nhận hoặc thậm chí lỗi thời".

Mỹ, Trung Quốc và Nga đều đang phát triển vũ khí siêu thanh, loại vũ khí mà đối phương rất khó để có thể theo dõi hành trình của nó, với hệ thống phòng thủ hiện tại.

Bill Bishop, tác giả của bản tin Sinocism tập trung vào Trung Quốc, lưu ý rằng "dường như ngày càng có nhiều thông tin rò rỉ về khả năng vũ khí của ĐCSTQ trên các phương tiện truyền thông chính thống" trong thời gian gần đây. Một số nhà bình luận cho rằng những rò rỉ chiến lược là nhằm mục đích răn đe về mặt quân sự khi nước này tăng cường gây hấn với Đài Loan.

Trung Quốc đang thực hiện các chương trình khám phá không gian lớn với trạm không gian riêng

Rạng sáng 16/10 (đêm 15/10 giờ Hà Nội), Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu-13 mang theo 3 phi hành gia, lên module lõi của trạm không gian Thiên Cung.

Đây là chuyến bay cuối cùng trong chuỗi sứ mệnh xây dựng Trạm vũ trụ trong năm nay và nhiệm vụ cuối cùng trong 6 lần phóng của giai đoạn kiểm nghiệm các công nghệ cốt lõi trên trạm vũ trụ của Trung Quốc.

Thần Châu 13 mang theo 3 phi hành gia gồm 2 nam và một nữ.

Tàu Thần Châu-13 được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh - 2F từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền thuộc tỉnh Cam Túc ở Tây Bắc Trung Quốc.

Đây là tàu vũ trụ thứ hai trong bốn đợt phóng tàu vũ trụ theo kế hoạch đưa các phi hành gia lên xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Chương trình vũ trụ do quân đội điều hành của Trung Quốc có kế hoạch cử nhiều phi hành đoàn tới trạm vũ trụ của họ trong hai năm tới để hoàn thành đầy đủ. Hai mô-đun nữa của Trung Quốc sẽ ra mắt trước cuối năm sau.

Trung Quốc đã thực hiện bảy phi hành đoàn với tổng số 14 phi hành gia trên tàu - hai người đã bay hai lần - kể từ năm 2003, khi họ trở thành quốc gia thứ 3 sau Liên Xô cũ và Hoa Kỳ đưa người lên vũ trụ.

Trung Quốc cũng đã mở rộng chương trình khám phá Mặt Trăng và Sao Hỏa, bao gồm hạ cánh tàu không gian xuống phía xa ít được khám phá của Mặt Trăng và đưa đá Mặt Trăng trở lại Trái Đất lần đầu tiên kể từ những năm 1970.

Năm nay, Trung Quốc cũng đã hạ cánh tàu thăm dò không gian Tianwen-1 (Thiên Vấn-1) của mình lên sao Hỏa, cùng với tàu thăm dò Zhurong để khám phá bằng chứng về sự sống trên hành tinh đỏ.

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Rò rỉ vụ thử vũ khí siêu thanh 'thay đổi cuộc chơi' của Trung Quốc