Tầng ozone đang hồi phục và khiến các luồng gió trên Trái đất chuyển hướng 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lỗ thủng tầng ozone phía trên Nam Cực đang hồi phục và dẫn đến những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển - luồng không khí trên bề mặt Trái đất gây ra gió, theo New Scientist.

Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature vào ngày 25/3, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Antara Banerjee đến từ Đại học Colorado Boulder, Hoa Kỳ đã mô phỏng sự thay đổi các kiểu gió do sự phục hồi của tầng ozone thông qua việc sử dụng dữ liệu từ các quan sát vệ tinh. Cô cho biết khám phá lớn nhất từ nghiên cứu này là sự phục hồi của tầng ozone phần lớn là do Nghị định thư Montreal - cấm sản xuất các chất làm suy giảm tầng ozone - được quốc tế đồng ý vào năm 1987.

Trước năm 2000, có hai xu hướng thay đổi của các luồng khí trên Trái đất xảy ra. Một là dòng tia tại vĩ độ giữa ở bán cầu nam - vành đai của các luồng không khí - đã dần dần dịch chuyển về phía Nam Cực. Hai là dòng tia nhiệt đới có tên gọi là vòng hoàn lưu Hadley - gây ra gió mậu dịch, vành đai mưa nhiệt đới, bão và sa mạc cận nhiệt đới - đã trở nên rộng hơn. Hai sự thay đổi này đã làm biến đổi mô hình mưa và dòng hải lưu ở nam bán cầu và khiến các quốc gia như Úc phải chịu hạn hán nghiêm trọng.

Dòng tia (vùng màu đỏ) có thể di chuyển với tốc độ lớn hơn 180 km/h
Dòng tia (vùng màu đỏ) có thể di chuyển với tốc độ lớn hơn 180 km/h. Các dòng này có thể gây ra thay đổi mô hình mưa và dòng hải lưu ở nam bán cầu. (Ảnh: NASA/Goddard Space Flight Center)

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng cả hai xu hướng này đã dừng lại và bắt đầu đảo ngược một chút từ năm 2000. Một loạt các mô phỏng máy tính cho thấy dòng tia đang ngừng di chuyển về phía nam. Cùng lúc này, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực bắt đầu hồi phục. Do đó, cô Banerjee cho rằng hiện tượng này xảy ra do tác động trực tiếp của tầng ozone hồi phục chứ không phải do sự biến động ngẫu nhiên của khí hậu. Ngoài ra, những thay đổi này cũng mang những cơn mưa trở lại cho các quốc gia như Úc.

Tiến sĩ Antara Banerjee cho biết đây có khả năng chỉ là một sự thay đổi tạm thời. Tầng ozone có thể vẫn bị phá hủy do tác động của việc tăng lượng carbon dioxide (CO2) và chất làm suy giảm tầng ozone đến từ các vùng công nghiệp của Trung Quốc.

Tiến sĩ Banerjee nói: "Chúng tôi gọi hiện tượng này là sự ‘tạm dừng’ bởi vì các xu hướng lưu thông hướng về địa cực có thể tiếp tục, giữ nguyên hoặc đảo ngược. Sự giằng co giữa những tác động đối nghịch của sự phục hồi của tầng ozone và sự gia tăng khí nhà kính sẽ quyết định xu hướng [của các dòng tia] trong tương lai”.

Tiến sĩ Banerjee cho biết, tốc độ phục hồi của tầng ozone cũng khác nhau đối với các phần của khí quyển. Ví dụ, tầng ozone dự kiến sẽ phục hồi đến mức những năm 1980 vào năm 2030 cho vùng vĩ độ giữa của bán cầu bắc và vào những năm 2050 cho vùng vĩ độ giữa của bán cầu nam, trong khi lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực có thể sẽ phục hồi chậm hơn một chút, vào những năm 2060.

Giáo sư Martyn Chipperfield đến từ Đại học Leeds ở Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu này thể hiện sự chuyển hướng nghiên cứu về biến đổi khí hậu - theo dõi về những ảnh hưởng của sự phục hồi của tầng ozone đối với khí hậu trên Trái đất.

Tuy nhiên, theo ông Chipperfield, cần cân nhắc đến khía cạnh của biến đổi khí hậu do khí thải CO2 và chất làm suy giảm tầng ozone gia tăng. Mặc dù các lệnh cấm thải ra các chất làm suy giảm tầng ozone đã được áp dụng, các hóa chất này vẫn có thể tồn tại rất lâu trong khí quyển.

Ngoài ra, Giáo sư Chipperfield còn cho rằng biến đổi khí hậu cũng sẽ có ảnh hưởng ngược lại đến tầng ozone, nó làm tầng ozone ở vùng nhiệt đới mỏng đi. Vì thế, chúng ta vẫn phải giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Năm ngoái, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đạt nhỏ nhất hàng năm trong lịch sử - kể từ khi lỗ thủng này được phát hiện vào năm 1982. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng hiện tượng này có thể chỉ là tạm thời do nhiệt độ ôn hòa bất thường trong tầng khí quyển ở đó.

Văn Thiện

Theo Newscientist, Dailymail



BÀI CHỌN LỌC

Tầng ozone đang hồi phục và khiến các luồng gió trên Trái đất chuyển hướng