Trung Quốc xây dựng kính thiên văn tương tự James Webb của NASA, nhưng đặt trên Trái đất 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc vừa công bố một dự án chế tạo Kính thiên văn có khả năng quan sát mạnh như Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA, nhưng nó nằm trên Trái đất, và sẽ được tiếp tục nâng cấp vào năm 2030.

Đại học Bắc Kinh đang bắt đầu một dự án xây dựng Kính viễn vọng quang học lớn nhất ở châu Á, qua đó Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp khoảng cách về khả năng thiên văn học với Mỹ và các nước phương Tây.

Dự án nhằm mục đích tạo ra một Kính viễn vọng với khẩu độ gương ban đầu là 6 mét vào năm 2024; gương sẽ được mở rộng lên 8 mét vào năm 2030. Dự án, trong tiếng Anh được gọi là Expanding Aperture Segmented Telescope (tạm dịch: Kính thiên văn phân đoạn khẩu độ mở rộng), viết tắt là EAST, do Đại học Bắc Kinh dẫn đầu.

Theo một tuyên bố của Đại học Bắc Kinh, Kính viễn vọng "sẽ cải thiện đáng kể khả năng quan sát của Trung Quốc trong thiên văn học quang học".

Chữ viết tắt EAST (phía Đông) là rất phù hợp với tên của dự án, vì cơ sở này sẽ trở thành kính viễn vọng quang học đẳng cấp thế giới đầu tiên ở bán cầu phía Đông. Các cơ sở hàng đầu hiện nay đều nằm ở Tây bán cầu, tại các địa điểm xung quanh Mauna Kea ở Hawaii, Atacama ở Chile và Quần đảo Canary ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc châu Phi.

Giai đoạn đầu tiên của dự án EAST là việc xây dựng một chiếc gương gồm 18 phân đoạn gương lục giác, giống như gương được sử dụng trên Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) của NASA. Chiếc gương sẽ có đường kính khoảng 6 mét, một lần nữa, lại có cùng kích thước với gương của JWST.

Nhưng không giống như kính viễn vọng không gian mới nhất, quay quanh Trái đất ở khoảng cách 1,5 triệu km tại điểm Lagrange thứ hai giữa Mặt trời và Trái đất, EAST sẽ được xây dựng ngay trên Trái đất, tại núi Saishiteng gần thị trấn Lenghu, tỉnh Thanh Hải trên cao nguyên Tây Tạng, ở độ cao khoảng 4.200 m, theo bài báo đăng trên trang Nature. Đây cũng là một lợi thế rất lớn cho Kính viễn vọng của Trung Quốc, vì họ sẽ dễ dàng nâng cấp nó cùng với thời gian và công nghệ.

Một sơ đồ cho thấy hai giai đoạn của gương của Kính thiên văn phân đoạn khẩu độ mở rộng (EAST) do Trung Quốc đang sản xuất.
Một sơ đồ cho thấy hai giai đoạn của gương của Kính thiên văn phân đoạn khẩu độ mở rộng (EAST) do Trung Quốc đang sản xuất. (Hình ảnh: Đại học Bắc Kinh)

Giai đoạn thứ hai sẽ thêm một vòng gương bên ngoài, gồm 18 phân đoạn hình lục giác xung quanh gương đã có, mở rộng nó đến đường kính lớn hơn 8 mét vào năm 2030.

Đại học Bắc Kinh ước tính dự án sẽ tiêu tốn khoảng 500-600 triệu nhân dân tệ (69-84 triệu USD). Trang Qinghai News đã đưa tin vào tháng trước rằng công việc của dự án đang tiến triển một cách thuận lợi.

Đại học Bắc Kinh cho biết rằng thiên văn học đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của công nghệ và xã hội; giải thưởng Nobel Vật lý năm 2020 đã được trao cho các nhà khoa học đã phát hiện ra lỗ đen ở trung tâm Dải Ngân hà; thông qua việc sử dụng các kính thiên văn quang học cực mạnh bao gồm cả kính thiên văn Keck song sinh trên đỉnh Mauna Kea và Kính thiên văn cực lớn (VLT) ở sa mạc Atacama của Chile.

EAST cũng sẽ là một sự bổ sung tuyệt vời cho năng lực thiên văn đang phát triển rộng lớn hơn của Trung Quốc. Nước này đã chế tạo kính viễn vọng vô tuyến khẩu độ đơn lớn nhất thế giới, FAST, và có kế hoạch phóng một đài quan sát không gian lớn có tên Xuntian vào cuối năm 2023.

Theo Space.com

Ánh Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc xây dựng kính thiên văn tương tự James Webb của NASA, nhưng đặt trên Trái đất