Từ trường Trái đất bị phá vỡ gây ra đại hủy diệt 42.000 năm trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học công nhận Trái đất đã trải qua nhiều nền văn minh khác nhau. Tức là Trái đất đã thực sự trải qua cái gọi là “tận thế” không chỉ một lần. Một nghiên cứu khoa học đa ngành gần đây mới được công bố trên tạp chí Science cho biết 42.000 năm trước, Trái đất đã trải qua một lần bị hủy diệt hoàn toàn bởi sự đảo ngược của các cực từ trên Trái đất, và những thay đổi trong quỹ đạo của Mặt trời.

Sự đảo ngược các cực từ của Trái đất, và thay đổi của Mặt trời có thể gây ra một loạt các hiện tượng chúng ta thường xem trong các bộ phim kinh dị về tận thế, như tầng ô-zôn bị phá hủy, các cơn bão điện hoành hành ở các vùng nhiệt đới, bão mặt trời tạo ra các màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục nhưng nguy hiểm (như cực quang), không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống các vùng Bắc Mỹ, các tảng băng và sông băng dâng cao, xâm lấn đất liền, khiến toàn bộ thời tiết trên trái đất thay đổi cực đoan, dữ dội.

Những hiện tượng thời tiết biến đổi dữ dội này khiến cho sự sống trên Trái đất phải tiếp xúc với tia cực tím ở cường độ cao. Giống người Neandethal và các loài động vật khổng lồ được gọi là Megafauna đã bị tuyệt chủng vì nguyên nhân này. Những giống người khác sống sót được là nhờ lẩn trốn vào các hang động.

42.000 năm trước, cực bắc từ - nơi kim la bàn chỉ tới - không ổn định, mà lắc lư di động gần với cực bắc địa lý - điểm quay của Trái đất- theo thời gian do các chuyển động trong lõi Trái đất.

Các nghiên cứu khoa học đa ngành vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chuyển động cực đoan của cực từ. Một trong những sự dịch chuyển ấn tượng nhất của các cực từ 42.000 năm trước là cuộc dịch chuyển Laschamps - được đặt theo tên ngôi làng nơi người ta phát hiện ra nó ở thị trấn Massif - Pháp.

Dấu vết của cuộc dịch chuyển Laschamps đã được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, mà gần đây nhất là ở Tasmania, Úc. Công trình nghiên cứu khoa học mới đã tập hợp nhiều bằng chứng cho thấy các thay đổi từ trường vào 42.000 năm trước đã gây ra những tác động sâu rộng, mang tính toàn cầu.

Bằng chứng từ các cây cổ thụ Kauri về sự hủy diệt Trái đất

Để tìm hiểu điều gì đã xảy cách đây 42.000 năm, các nhà khoa học đã phân tích những cây Kauri cổ đại của New Zealand, được bảo tồn trong các vũng than bùn và các lớp trầm tích cách đây hơn 40.000 năm. Sử dụng các vòng tăng trưởng hàng năm trên cây Kauri, các nhà khoa học đã tạo ra mô hình về sự thay đổi của bầu khí quyển của Trái đất qua thời gian một cách rất chi tiết. Qua đó, thấy được mức các bon phóng xạ trong khí quyển đã tăng đột biến, và kéo dài khi từ trường Trái đất sụp đổ do sự dịch chuyển của các cực từ.

Giáo sư Alan Cooper, trưởng nhóm nghiên cứu dự án này cho biết: các cây Kauri cũng giống như Phiến đá Rosetta, giúp chúng ta kết nối những dữ liệu về sự thay đổi môi trường còn lưu lại trong các hang động, lõi băng, và vũng than bùn trên khắp thế giới.

Dựa trên lịch thời gian mới được tạo ra, các nhà khoa học có thể chỉ ra rằng các vành đai mưa nhiệt đới Thái Bình Dương và gió Tây Nam Đại Tây Dương đột ngột dịch chuyển cùng lúc, khiến một số nơi như Úc trở nên khô cằn, và một loạt các loài sinh vật khổng lồ Megafauna, bao gồm cả Kanguru và gấu túi khổng lồ bị tuyệt chủng. Xa hơn về phía bắc, dải băng Laurentide rộng lớn nhanh chóng phát triển khắp miền đông Hoa Kỳ và Canada, trong khi ở Châu Âu người Neanderthal rơi vào vòng xoáy tuyệt chủng.

Mô phỏng tác động của vũ trụ đối với khí hậu của Trái đất

Dựa trên một chương trình máy tính mô phỏng các tương tác toàn cầu giữa hóa học và khí hậu, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra tác động của từ trường yếu và sự thay đổi trong cường độ của Mặt trời. Điều quan trọng là trong quá trình chuyển đổi từ tính, cường độ của từ trường giảm mạnh xuống dưới 6% so với ngày nay. Một chiếc la bàn hồi đó sẽ phải vật lộn để tìm ra hướng Bắc.

Về cơ bản, việc không có từ trường sẽ khiến Trái đất mất đi lá chắn hiệu quả chống lại bức xạ vũ trụ, và nhiều hạt khác trong vũ trụ có thể xuyên chạm tới bầu khí quyển. Hơn hết, Mặt trời trong thời kỳ này có hoạt động không ổn định, phát ra nhiều tia sáng cực mạnh, khiến các tia vũ trụ ion hóa mạnh hơn đến Trái đất.

Các mô phỏng khí hậu cho thấy sự kết hợp các yếu tố này có tác động khuếch đại. Các tia vũ trụ năng lượng cao từ thiên hà và các vụ nổ lớn của tia vũ trụ phát ra từ các cơn bão Mặt trời có thể thâm nhập vào tầng trên của bầu khí quyển, phá vỡ các hạt trong không khí, gây ra những thay đổi hóa học và gây ra sự mất ô-zôn ở tầng bình lưu.

Các mô phỏng hóa học-khí hậu dựa trên sự thay đổi môi trường được quan sát trong nhiều kho lưu trữ về biến đổi môi trường và khí hậu tự nhiên. Các phản ứng hóa học-khí hậu này sẽ gây ra các “màn trình diễn cực quang chói lóa” trên khắp thế giới - khiến ban đêm cũng sáng như ban ngày. Các nhà khoa học cho rằng chính sự thay đổi mạnh mẽ này, và cường độ tia cực tím cao chưa từng có đã khiến con người nguyên thủy tìm kiếm nơi trú ẩn trong các hang động. Điều này có thể giải thích cho sự nở rộ đột ngột của nghệ thuật hang động trên khắp thế giới, 42.000 năm trước.

Sự kiện Adams

Do sự trùng hợp của nhiều sự kiện vũ trụ tưởng chừng như ngẫu nhiên, và những biến đổi môi trường khí hậu cực đoan xảy ra cách đây 42.000 năm được phát hiện trên khắp thế giới, người ta gọi thời kỳ này là “Sự kiện Adams” - để tưởng nhớ tới tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng lừng danh Douglas Adams, tác giả của cuốn tiểu thuyết The Hitchhiker’s Guide (Bí kíp quá giang vào Ngân hà) và là người chỉ ra số “42” là con số của sự sống, vụ trụ và vạn vật.

42 và 42.000 năm, dường như Douglas Adams đã biết được một điều gì đó lớn lao, và câu hỏi là làm thế nào ông ta lại biết được?

Lê Na

Theo The Conversation



BÀI CHỌN LỌC

Từ trường Trái đất bị phá vỡ gây ra đại hủy diệt 42.000 năm trước