Kim tự tháp lâu đời nhất trên Trái đất nằm ở Đông Nam Á - cần xem lại khái niệm 'người nguyên thuỷ'? 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc phát hiện ra Kim tự tháp lâu đời và hùng vĩ nhất trên Trái đất Gunung Padang ở Indonesia với trên 20.000 năm tuổi, đã khiến các nhà khoa học phải nghiên cứu lại về thời tiền sử của con người.

Trong nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị mùa thu AGU 2018 ở Washington, DC, một nhóm các nhà khoa học Indonesia đã trình bày dữ liệu để chứng minh rằng Gunung Padang là một địa điểm có cấu trúc hình kim tự tháp và nó là lâu đời nhất trên thế giới.

Gunung Padang có nghĩa là "Ngọn núi ánh sáng", nằm ẩn mình giữa những ngọn núi ở độ cao hơn 880m so với mực nước biển, cách thành phố Jakarta, Indonesia chừng 120 km về phía nam. Nhóm chuyên gia ước tính nó lớn hơn gấp 4 lần so với Kim tự tháp lâu đời nhất của Ai Cập.

Gunung Padang - cấu trúc kim tự tháp nhiều lớp

Nghiên cứu của họ, đã được tiến hành trong nhiều năm, cho thấy rằng Gunung Padang không phải là ngọn đồi bình thường - mà thực sự là một cấu trúc kim tự tháp cổ xưa nhiều lớp.

"Các nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng cấu trúc không chỉ bao phủ phần trên mà còn bao quanh các sườn dốc với diện tích ít nhất khoảng 15 ha", các tác giả viết trong phần tóm tắt cho báo cáo của họ. "Các cấu trúc không chỉ có ở bề ngoài mà nó bắt nguồn từ chiều sâu hơn."

Sử dụng kết hợp các phương pháp khảo sát - bao gồm radar xuyên đất (GPR), chụp cắt lớp địa chấn và khai quật khảo cổ - nhóm nghiên cứu cho biết Gunung Padang không chỉ là một cấu trúc nhân tạo mà nó còn có nhiều lớp, được xây dựng trong các thời kỳ tiền sử khác nhau.

Lớp cự thạch trên cùng được tạo thành từ các cột đá, tường, lối đi và không gian, nằm trên lớp thứ hai cách bề mặt khoảng 1-3 mét.

Gunung Padang được coi là kim tự tháp cổ nhất trên Trái đất ở khu vực Đông Nam Á, có cấu trúc nhiều lớp. (Ảnh: Danny Hilman Natawidjaja)

Bên dưới lớp thứ hai, một lớp đá thứ ba được sắp xếp - tạo thành các hốc hoặc khoang lớn dưới lòng đất - sâu tới 15 mét, và lớp này nằm trên lớp thấp nhất (thứ tư), làm bằng đá bazan và đã được chạm khắc bởi bàn tay con người.

Kim tự tháp có tuổi thọ trên 20.000 năm

Theo các nhà nghiên cứu, việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ sơ bộ cho thấy lớp đầu tiên có thể có niên đại khoảng 3.500 năm tuổi, lớp thứ hai vào khoảng 8.000 năm tuổi và lớp thứ ba, thứ tư vào khoảng 9.500 đến 28.000 năm tuổi, theo ScienceAlert.

Nếu việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ ở phần sâu nhất này là chính xác, thì Gunung Padang còn xuất hiện trước cả nền văn minh đầu tiên được công nhận ở Lưỡng Hà với dấu mốc 11.500 năm trước Công Nguyên mà các nhà khảo cổ thường dùng để đánh dấu sự khởi đầu của các nền văn minh của loài người hiện nay.

Đối với mục đích của những cấu trúc rộng lớn, cổ xưa này, các nhà nghiên cứu – dẫn đầu là nhà địa vật lý Danny Hilman Natawidjaja từ Viện Khoa học Indonesia – cho rằng kim tự tháp cổ đại có thể là một cơ sở tôn giáo hùng vĩ. "Đó là một ngôi đền độc đáo", Natawidjaja nói với Live Science.

Hiện tại, đó chỉ là báo cáo, nhưng nếu những tuyên bố của các nhà nghiên cứu về cấu trúc này là đúng, thì đó là một phát hiện quan trọng, có thể thách thức các quan niệm về khả năng của các xã hội tiền sử cũng như nguồn gốc nhân loại.

"Nó rất lớn", Natawidjaja nói với The Sydney Morning Herald vào năm 2013. "Mọi người nghĩ rằng thời tiền sử là con người nguyên thủy, nhưng kim tự tháp này đã chứng minh điều đó là sai."

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Kim tự tháp lâu đời nhất trên Trái đất nằm ở Đông Nam Á - cần xem lại khái niệm 'người nguyên thuỷ'?