Doanh nghiệp Việt cần dè chừng trước trào lưu ESG (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ta có thể dễ dàng bắt gặp những lời cổ vũ cho ESG trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, quảng cáo cho ESG như là một xu hướng đang lên của thế giới. Nhưng có thể, doanh nghiệp Việt đang thiếu đi những thông tin đa chiều để hiểu về bản chất thật sự của trào lưu ESG.

ESG đang manh nha ở Việt Nam

ESG là cụm từ viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội), Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là bộ tiêu chuẩn được cho là được dùng để đo lường các yếu tố về phát triển 'bền vững' của doanh nghiệp.

ESG là một xu hướng của thế giới đang dần thâm nhập vào Việt Nam. Báo cáo về "Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022" của PwC chỉ ra 57% doanh nghiệp FDI đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG. Trong khi đó, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có lẽ đã áp dụng cách tiếp cận "chờ và xem" khi hơn một nửa (58%) cho biết đang ở giai đoạn lập kế hoạch cho 2 - 4 năm tới, và chỉ 35% tuyên bố đã lập kế hoạch và đưa ra cam kết ESG. Điều này được PwC giải thích là do các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ chính sách của công ty mẹ ở nước ngoài, nơi có xu hướng phát triển ESG nhanh hơn Việt Nam. Nhìn chung cả cộng đồng doanh nghiệp, 80% đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2 - 4 năm tới, một con số thể hiện sự ủng hộ ESG tương đối mạnh mẽ.

Tuy nhiên, như câu nói trong báo cáo "Nói thì dễ. Hành động mới thực sự là vàng", cộng đồng doanh nghiệp Việt có vẻ vẫn còn chần chừ, hoài nghi trước ESG, bất chấp những cuộc bàn luận huyên náo về vấn đề này. Lãnh đạo của PwC cũng tuyên bố trong báo cáo, "Tương tự như các công cuộc chuyển đổi khác, những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn, nhưng chắc chắn đó sẽ là một quyết định xứng đáng", nhằm cổ vũ tinh thần của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG, và còn tồn tại khoảng cách lớn giữa kỳ vọng và hành động.

Trong các yếu tố là rào cản cho tổ chức trong việc cam kết ESG, việc chưa trang bị đủ kiến thức được đánh giá là yếu tố cao nhất với 61%. Theo PwC, không chỉ ở Việt Nam, các công ty trên toàn cầu cũng cho rằng sự rối rắm về các tiêu chuẩn và quy định ESG là một trong những thách thức hàng đầu cản trở tiến độ báo cáo ESG của họ. Ngoài ra còn các yếu tố như khả năng tài chính, quy mô công ty, dữ liệu ESG thiếu minh bạch.

Yếu tố chính thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai cam kết thực hành ESG tại Việt Nam là gì? Theo báo cáo, yếu tố hàng đầu được nêu ra là nhằm cải thiện hình ảnh thương hiệu và uy tín (82%), theo sau là duy trì cạnh tranh trên thị trường (68%), thu hút và giữ chân nhân tài (44%), áp lực từ nhà đầu tư và cổ đông (40%) và áp lực từ chính phủ (37%).

Trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam, cũng dễ dàng bắt gặp những khẩu hiệu cổ vũ phong trào ESG, rằng đây là xu hướng mạnh mẽ của thế giới, doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam cần bắt kịp. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ ESG, không chỉ ở trong doanh nghiệp của mình, mà còn cổ vũ việc áp dụng ESG tới toàn cộng đồng. ESG không còn bị coi là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà đã trở thành cơ hội để thúc đẩy kinh doanh, với những bằng chứng về hiệu quả tài chính của ESG.

Cùng với trào lưu ESG, các doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn xanh. Báo cáo đặc biệt đo lường chỉ số niềm tin của Edelman chỉ ra, 88% nhà đầu tư tin rằng, các công ty chú trọng đến sáng kiến ESG sẽ đem lại cơ hội lợi nhuận trong dài hạn tốt hơn so với các công ty không chú trọng về ESG. Thậm chí, ESG còn được đánh giá là yếu tố quyết định sống còn của doanh nghiệp.

ESG là một đứa con ngoại lai, một tiêu chí mà những doanh nghiệp Việt đang được cổ vũ để áp dụng. Thực sự nó là gì? Có lẽ chúng ta cần hiểu về trào lưu ESG trên thế giới để nắm được bản chất của vấn đề.

Trào lưu ESG của thế giới

Không thể phủ định ESG đang là một chủ đề nổi bật của thế giới. Cũng giống như sự mù mờ khó hiểu của các doanh nghiệp Việt về ESG, bản thân thuật ngữ này là không rõ ràng. Tuy nhiên, ESG lại được những doanh nghiệp, tập đoàn lớn của thế giới ủng hộ. Hơn 500 tập đoàn lớn nhất thế giới đã ký cam kết hỗ trợ các mục tiêu ESG trong các ngành bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài sản, công nghệ, truyền thông, năng lượng, sản xuất và vận tải. Không có phân khúc nào của nền kinh tế đứng đầu thế giới là Mỹ nằm ngoài tầm với của phong trào ESG.

Từ các viện nghiên cứu của Liên hợp quốc và các phòng hội nghị của WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), ESG đã được truyền sang thế giới doanh nghiệp. Phố Wall cũng là một bên ủng hộ mà lan truyền mạnh mẽ ESG, với sự tham gia của các tên tuổi lớn đặc biệt là BlackRock.

Doanh nghiệp Việt cần dè chừng trước trào lưu ESG, ESG là gì, Ngành công nghiệp ESG lớn mạnh ra sao, Mối quan hệ giữa ESG và chính phủ toàn cầu, Báo cáo ESG, ESG reporting, ESG objectives, ESG companies, ESG investing, chỉ số ESG, CSR là gì, Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), phát triển bền vững của doanh nghiệp, ESG framework, sustainability ESG, Tác động của công bố thông tin ESG đến hiệu quả hoạt động tài chính kinh doanh, tư duy ESG, ESG meaning
Người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwab, có bài phát biểu trong lễ trao "Giải thưởng pha lê" tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 16/01/2023. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP qua Getty Images)

Không thể không nói đến "ông lớn" đứng đằng sau ESG là WEF, với hệ tư tưởng về chủ nghĩa tư bản các bên liên quan - các doanh nghiệp không chỉ hoạt động nhằm làm lợi cho cổ đông mà cần quan tâm tới "các bên liên quan". Về nguyên tắc, ESG có nghĩa là các công ty cần nhìn vượt ra ngoài việc kiếm lợi nhuận và xem xét các vấn đề chính trị và đạo đức cao hơn. Khái niệm, chủ nghĩa tư bản các bên liên quan của WEF đã được CEO trên khắp thế giới doanh nghiệp công khai tán thành. Chẳng hạn như CEO của Bank of America, ông Moynihan cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các công ty thực hiện tốt ESG cuối cùng sẽ có kết quả tốt hơn…".

Không chỉ được hô hào ủng hộ, ESG đang tạo ra cả một ngành công nghiệp. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt cũng được biết đến phần nào. Các quỹ đầu tư và các tài sản ESG khác đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua để đạt mức 55 nghìn tỷ USD tại thời điểm cuối năm ngoái. Tài sản ESG được dự đoán sẽ tăng lên 100 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Hẳn giới doanh nghiệp sẽ cảm thấy choáng ngợp. Cần biết là, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn nước Mỹ vào năm 2022 là khoảng 25 nghìn tỷ USD.

Ngành công nghiệp ESG là rất lớn và có sức lan tỏa, nó là ngành rất béo bở và đã tạo ra một mạng lưới rộng lớn gồm những người có quyền lợi liên quan: nhà tư vấn, cơ quan xếp hạng, kế toán, nhà quản lý đầu tư và đại lý ủy quyền. Động lực chính của phong trào ESG là các ngân hàng và quỹ đầu tư ở Phố Wall, vốn kiểm soát nguồn vốn cho nền kinh tế thế giới. BlackRock được biết đến như là cổ đông lớn thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba của 80% công ty trong S&P 500. Và các nhà quản lý tài sản này đã sử dụng quyền biểu quyết của mình để thúc đẩy ESG trong các doanh nghiệp, phớt lờ đi các nghĩa vụ tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư của công ty. Tuy nhiên, bản thân BlackRock lại cho rằng quỹ của công ty được đánh giá cao từ góc độ hiệu quả và rằng "sự tham gia của chúng tôi vào các sáng kiến này hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ ủy thác của chúng tôi [ý chỉ nghĩa vụ làm lợi cho các nhà đầu tư]".

Doanh nghiệp Việt cần dè chừng trước trào lưu ESG, ESG là gì, Ngành công nghiệp ESG lớn mạnh ra sao, Mối quan hệ giữa ESG và chính phủ toàn cầu, Báo cáo ESG, ESG reporting, ESG objectives, ESG companies, ESG investing, chỉ số ESG, CSR là gì, Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), phát triển bền vững của doanh nghiệp, ESG framework, sustainability ESG, Tác động của công bố thông tin ESG đến hiệu quả hoạt động tài chính kinh doanh, tư duy ESG, ESG meaning
Cờ bay phía trên lối vào tòa nhà văn phòng BlackRock, ngày 16/01/2014, tại thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Andrew Burton / Getty Images)

Trò lừa đảo?

Có lẽ một ví dụ cho thấy bản chất đầy tranh cãi của ESG có liên quan tới công ty Tesla của ông trùm Elon Musk. Là một doanh nghiệp đứng đầu thế giới về xe điện, hẳn bạn sẽ nghĩ Tesla sẽ có "điểm số" ESG rất cao. Nhưng thật khó có thể tưởng tượng rằng, vào năm ngoái, Tesla đã bị loại khỏi danh sách S&P 500 ESG Index (danh sách các công ty hoạt động theo tiêu chí ESG của S&P 500). Điều này chứng minh nhận định của Elon Musk rằng, "ESG là một trò lừa đảo".

Điều này hẳn có liên quan tới việc những "ông trùm" ESG đang rất tức giận với vị tỷ phú tại thời điểm đó, nhưng động thái loại trừ Tesla thể hiện sự đạo đức giả và lố bịch một cách đặc biệt. Trong khi đó, Exxon Mobil và JP Morgan Chase vẫn được xếp hạng nằm trong số những công ty ESG hàng đầu của S&P 500. JP Morgan là nhà đầu tư lớn nhất của thế giới vào lĩnh vực sản xuất dầu, trong khi ExxonMobil là nhà sản xuất dầu hàng đầu. ESG, như sẽ được làm rõ ở phần dưới đây, thực chất là một bộ tiêu chí mang tính chính trị.

Doanh nghiệp Việt cần dè chừng trước trào lưu ESG, ESG là gì, Ngành công nghiệp ESG lớn mạnh ra sao, Mối quan hệ giữa ESG và chính phủ toàn cầu, Báo cáo ESG, ESG reporting, ESG objectives, ESG companies, ESG investing, chỉ số ESG, CSR là gì, Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), phát triển bền vững của doanh nghiệp, ESG framework, sustainability ESG, Tác động của công bố thông tin ESG đến hiệu quả hoạt động tài chính kinh doanh, tư duy ESG, ESG meaning
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk (phải) rời Tòa nhà Liên bang Phillip Burton vào ngày 24/01/2023 tại San Francisco, California, Mỹ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Một thứ văn hóa giả dối

Sự giả dối của phong trào ESG có lẽ được thể hiện rõ nét qua trào lưu "tẩy xanh" [greenwashing]. Các doanh nghiệp quảng cáo rằng họ đang ủng hộ cho các dự án xanh, dự án vì cộng đồng, môi trường và xã hội để có ưu đãi trong tiếp cận vốn, xếp hạng doanh nghiệp, nhận được sự ủng hộ của khách hàng và đánh bóng tên tuổi. Đó đã trở thành một mánh khóe kinh doanh. ESG đã thúc đẩy sự suy thoái đạo đức, đạo đức giả, những lời nói dối trầm trọng.

Giống như Việt Nam, có lẽ mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp của thế giới khi quan tâm tới ESG có lẽ là hình ảnh thương hiệu và uy tín. Thuật ngữ 'tẩy xanh' được dùng để chỉ việc các công ty đưa ra các tuyên bố sai lệch về thành quả bảo vệ môi trường, nhằm mục đích đánh lừa chính quyền, nhà đầu tư, khách hàng… Đây là một vấn đề nóng hổi trong giới đầu tư, với nhiều vụ bê bối được phơi bày.

Một cuộc điều tra được thực hiện bởi Financial Times vào tháng 07/2021 phát hiện ra rằng, một số quỹ đầu tư ủng hộ ESG với những lời tuyên bố mạnh mẽ về nhân quyền đang đầu tư tiền vào các chế độ điển hình về vi phạm nhân quyền như Belarus, Trung Quốc, Nga, Ảrập Xêút…. Hay như các tác giả tại Fast Company đã chỉ ra gần đây, trong một cuộc khảo sát với gần 1.500 giám đốc điều hành trong các ngành công nghiệp khác nhau, 58% người được hỏi "thừa nhận rằng công ty của họ đã phạm tội tẩy xanh".

Mời độc giả đọc: Doanh nghiệp Việt cần dè chừng trước trào lưu ESG (Phần 2).

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp Việt cần dè chừng trước trào lưu ESG (Phần 1)