Rủi ro đạo đức tồn tại quá lâu khiến thị trường tài chính Việt tiêu điều dù ... chưa phải lúc (Kỳ 6)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nút thắt nợ toàn cầu kỷ lục (công và tư) đang hạn chế các NHTW tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Kết cục của kinh tế - tài chính toàn cầu 2023 đã được vẽ ra: nợ kỷ lục kèm lạm phát cao buộc NHTW tăng lãi suất dẫn tới vỡ nợ, phá sản, sụt giảm giá tài sản, tăng trưởng đình trệ. Việt Nam chưa có lạm phát, nợ công thấp, thị trường vốn quy mô nhỏ, nhưng lại tiến tới kết cục chung này. Vì sao?

Triển vọng kinh tế toàn cầu tiêu điều 2023

Lạm phát đang trở thành đại dịch hoành hành khắp toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt (NHTW tăng lãi suất điều hành, giảm cung tiền) để kiểm soát lạm phát và cũng để tăng giá trị đồng nội địa, cạnh tranh với đồng USD đang tăng giá do Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) thực thi chính sách tiền tệ kiểu diều hâu.

Fed tăng lãi suất 7 lần liên tiếp, trong đó có 4 lần tăng tới 0,75% trong năm 2022, Fed đẩy lãi suất đồng bạc xanh lên mức cao nhất kể từ năm 2007 (khủng hoảng tài chính toàn cầu). Điều này thúc đẩy giá đồng USD tăng vọt, có thời điểm lên tới 114 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2002. Dòng tiền toàn cầu đảo chiều, USD đổ về Mỹ. Cả thế giới khan hiếm USD.

Gần như không còn cách nào khác, tăng giá trị đồng nội tệ là cách duy nhất để ngăn dòng vốn USD tháo chạy khỏi quốc gia. Các NHTW khắp toàn cầu ráo riết tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ. Bằng cách này, giá trị đồng nội tệ tăng lên, vừa kiểm soát lạm phát, vừa tăng sức hấp dẫn đồng nội tệ, ngăn sự tháo chạy của dòng vốn ngoại khỏi biên giới.

Có vẻ như 'nhất cử tam tiện' chứ không chỉ là 'lưỡng tiện'. Nhưng trên đời này không có chính sách nào hoàn mỹ, càng không có bữa trưa nào miễn phí cho các chính trị gia đã tiêu tiền tham lam để lấy phiếu bầu.

Trên khắp toàn cầu, chỉ trừ Trung Quốc, nơi đang vật lộn với tình trạng kẹt thanh khoản của ngân hàng, vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản khiến NHTW buộc phải chấp nhận mất ưu thế cạnh tranh với USD, duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để cứu vãn căng thẳng tín dụng, tiền tệ trong nước. Chỉ 20 ngày đầu tiên của thang 12, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải bơm vào hệ thống NHTM tới gần 800 tỷ CNY, mức cao hơn nhiều so với dự kiến để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống đang ngày một suy yếu này.

Khả năng kiểm soát lạm phát của các NHTW thông qua tăng lãi suất điều hành vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi vì việc tăng lãi suất đồng nội tệ lại vấp phải bức tường nợ công và nợ tư hiện đang ở mức cao kỷ lục.

Kinh nghiệm kiềm chế lạm phát hồi thập kỷ 70 của thế kỷ trước là lãi suất điều hành của NHTW phải cao hơn lạm phát thực; tức là lãi suất thực dương. Nhưng hiện nay, ngay cả Fed hay bất cứ NHTW nào, chưa hề đưa được mức lãi suất điều hành vượt lên trên lạm phát thực; các NHTW dường như chờ lạm phát xuống dần, dù chậm chạp, cho tới khi lãi suất điều hành chạm tới mức lạm phát thực dương. Cần mất thời gian, rất nhiều thời gian để chờ đợi điều đó [xảy ra]. Điều này có nghĩa là mức tăng lãi suất để ngăn lạm phát còn phải kéo dài hết năm 2023, thậm chí có thể sang tới 2024 với một số nền kinh tế. Cái giá phải trả cho việc lãi suất cao kéo dài là sự đổ vỡ, sụt giảm giá các thị trường tài sản, tăng trưởng kinh tế đình trệ.

Số liệu cập nhật vào tháng 12/2021 cho thấy khối nợ toàn thế giới đã đạt mức kỷ lục mới, gần gấp 3 lần tổng sản phẩm cả thế giới làm ra trong một năm (Nguồn: IMF)

Theo IMF, khác với bất kỳ thời điểm khủng hoảng nào khác trong quá khứ, nợ công và tư 2021 toàn cầu ở mức 247% GDP; tỷ lệ này hồi năm 2008 chỉ 195%. Một cơ quan khác là Viện Tài chính quốc tế (IIF) còn đưa ra một con số lớn hơn số liệu của IMF, nợ công và tư toàn cầu 2022 đã lên tới 360% GDP; gần gấp 2 lần mức nợ toàn cầu cuộc khủng hoảng 2008 trước đó.

Nợ đang buộc chân chính sách tiền tệ của các NHTW.

Lãi suất tăng khiến chính phủ và tư nhân có thể rơi vào tình huống mất khả năng trả nợ. Vỡ nợ, các thị trường tài sản tài chính sử dụng đòn bảy cao (tỷ lệ vay nợ cao so với vốn tự có để đầu tư, đầu cơ) đang bắt đầu sụt giảm giá, nguy cơ khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, nền kinh tế chung Châu Âu, Trung Quốc ngày một lớn.

Thực tế, trong một năm qua, các thị trường chứng khoán khắp toàn cầu mất từ 10-50% giá trị trong năm 2022, tiền tệ các nền kinh tế vẫn mất giá mạnh (10-50%) với USD, thị trường tiền ảo mất giá khoảng 80%, giá bất động sản lao dốc ở hầu hết các nền kinh tế,...

Khủng hoảng tài chính lớn chưa từng có đã cận kề.

Việt Nam khác các nền kinh tế lớn ...

Nợ công và tư/GDP bằng 1/2 mức bình quân toàn cầu

Theo số liệu công bố chính thức của Bộ Tài chính (vào tháng 9/2022), ước tính nợ công của Việt Nam năm 2022 chỉ ở mức 43-44% GDP; một con số lý tưởng so với bình quân nợ công toàn cầu hiện ở mức 100% GDP và tốc độ tăng kỷ lục nợ công của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU...

Với khu vực tư, dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam ước khoảng 120%, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện khoảng 1.204 tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP (theo Tạp chí Tài chính Việt Nam).

Như vậy, tính cả công và tư, tổng dư nợ của Việt Nam chỉ ở mức 176,8% GDP, một con số quá khiêm nhường so với con số bình quân của IMF là 245% GDP và càng nhỏ hơn rất nhiều so với số liệu của IIF là 360% GDP.

Lạm phát chưa bùng phát

Lạm phát công bố chính thức vào tháng 11/2022 chỉ ở mức 3,02% bình quân năm. Ước tính, lạm phát cả năm 2022 duy trì ở mức mục tiêu (4 -4,5%). Một tỷ lệ lạm phát đáng mơ ước của hầu hết các nền kinh tế trên khắp toàn cầu. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện còn 7,1% trong khi EU lên tới hai con số, các nền kinh tế Mỹ la tinh lạm phát đã lên tới 3 con số từ lâu.

Cung USD dồi dào, tăng trưởng khá

Dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Trung Quốc ở mức kỷ lục vì phong toả khắc nghiệt và các chính sách khó đoán định trong đại dịch COVID-19. Một phần dòng vốn dài hạn, ngắn hạn như vậy chảy vào Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta ổn định hơn về môi trường chính trị và đã hoàn tất việc mở cửa với thế giới sau đại dịch.

Việt Nam có thặng dư tài khoản vốn trong nhiều quý, ngay cả trong thời kỳ đại dịch và sau đại dịch (Nguồn: Trading Economics, chụp ảnh màn hình bởi NTDVN).

Về thương mại, tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại thặng dư 10,68 tỷ USD; đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam có thặng dư thương mại. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sau 11 tháng năm 2022 đạt 673,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,19 tỷ USD; nhập khẩu đạt 331,51 tỷ USD. Mặc dù xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại và các đơn hàng mới đang bị thu hẹp, nhưng rõ ràng nguồn cung USD dồi dào.

Tăng trưởng GDP năm 2022, dù trên nền tảng cực thấp vào năm 2021, nhưng vẫn đang duy trì mức tăng vượt kế hoạch đề ra (6,5%), vào khoảng 8% năm 2022; cao hơn nhiều so với các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới.

Nhưng chung kết cục tiêu điều: Rủi ro đạo đức tồi tệ

Bất chấp vẻ bề ngoài ổn định như mô tả ở trên, bất chấp việc kinh tế Việt Nam đáng lẽ đang chậm hơn so với chu kỳ kinh tế thế giới, thị trường tài chính Việt Nam đang hết sức rối loạn: Thị trường tiền tệ hỗn loạn bởi lãi suất huy động tăng gấp 3 lần lạm phát thực, lãi suất liên ngân hàng cũng ngấp nghé mức 8-9%/năm, thị trường ngân hàng tắc nghẽn thanh khoản và tín dụng, thị trường vốn cạn kiệt niềm tin và gần như bị đóng băng.

Ngân hàng nhà nước đã có động thái ngầm giới hạn trần lãi suất huy động 9,5%/năm tại các NHTM. Trước khi có động thái này, lãi suất huy động đã lên tới mức 11- 12%/năm ở một số NHTM nhỏ.

Chi phí vốn tăng vọt khi lạm phát chưa kịp bùng phát và nguồn cung ngoại tệ dồi dào là sự kiện hết sức phi lý đang tồn tại trong nền kinh tế. Sự phi lý này chỉ có thể giải thích rằng trong nhiều năm tháng, một lượng lớn nguồn vốn của nền kinh tế đã bị thao túng, bị tiêu hao bởi các khối ung nhọt của nền kinh tế: đó là các thực thể kinh tế không tạo ra giá trị gia tăng, kéo dài sự tồn tại của thực thể kinh tế dựa vào vay nợ, đảo nợ. Ví dụ như các tập đoàn bất động sản FLC, Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh.

Xem thêm

Chuyên đề: Tiền của nền kinh tế Việt đang kẹt ở đâu?

Lịch sử lặp lại sau một thập kỷ: Thị trường tài chính Việt đang chứng kiến diễn biến năm 2011? (Kỳ 5)

Những khối u đang ngốn tiền và hấp thu hết 'dưỡng chất' của nền kinh tế Việt (Kỳ 4)

Nhưng đáng buồn ở chỗ, các cơ quan quản lý chính sách, giám sát trên thị trường tài chính như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dường như đã "không nhận ra", để mặc các xung đột lợi ích, các lỗ hổng chính sách, các hành vi lừa đảo nhà đầu tư TPDN (thị trường vốn), người gửi tiền (thị trường tiền tệ) diễn ra ngay trong các định chế tài chính.

Ví dụ, tình trạng ngân hàng bán bảo hiểm cho người vay tiền, bán trái phiếu doanh nghiệp cho người gửi tiền đã diễn ra nhiều năm nay. Việc này được xem như một chỉ tiêu (KPI) cho các nhân viên ngân hàng. Xuất hiện tình trạng nhân viên ngân hàng (dưới sự im lặng của cơ quan quản lý, giám sát và sự thúc đẩy của bộ máy lãnh đạo ngân hàng), bất chấp đạo đức bán các sản phẩm này, với các thông tin bất minh, thậm chí là có yếu tố "lừa đảo", “che dấu thông tin rủi ro sản phẩm" tới các khách hàng tại ngân hàng.

Đây không phải là hoạt động ngầm, mà là hoạt động công khai trong sự im lặng và thờ ơ đến khó hiểu của cả một hệ thống các cơ quan ban ngành đang quản lý thị trường này. Các hành vi như vậy của NHTM không chỉ làm gia tăng gánh nặng chi phí vốn với người vay tiền, gia tăng rủi ro với người gửi tiền và mất niềm tin trầm trọng của người gửi tiền, người đi vay với hệ thống NHTM. Tổng thể làm gia tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung. Trong nhiều năm, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan giám sát không có bất kỳ một động thái chính sách nào hoặc có bất kỳ nhận thức rủi ro nào với vấn đề này.

Có vẻ như vấn đề đạo đức ngành không chỉ nằm ở các quản lý NHTM, các nhân viên tiếp thị, bán hàng, nhân viên tín dụng ngân hàng thương mại mà nó thực sự tồn tại trong các nhóm lợi ích, trong các cơ quan ban ngành có trách nhiệm với thị trường này. Không một ai trong hệ thống có ý định bảo vệ người gửi tiền. Người gửi tiền buộc phải trở thành chuyên gia tài chính mới có thể ngăn ngừa rủi ro cho chính họ.

Đáng tiếc, thị trường tài chính Việt Nam còn phát triển ở trình độ rất thấp. Người Việt Nam chưa có một chương trình giáo dục hiểu biết tài chính nhưng thị trường lại phát triển quá hoang dã, rủi ro đạo đức tràn lan trong sự phản ứng chậm chạm của các cơ quan ban ngành quản lý, giám sát thị trường này.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Mời quý đọc giả đón đọc Kỳ 7: Ổn định thị trường tài chính Việt lúc này: Cần một tổng tư lệnh có thực quyền và liêm chính

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Rủi ro đạo đức tồn tại quá lâu khiến thị trường tài chính Việt tiêu điều dù ... chưa phải lúc (Kỳ 6)