Kính viễn vọng James Webb tìm thấy khí carbon dioxide tự nhiên trên mặt trăng Europa của sao Mộc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hình ảnh từ Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) của NASA tiết lộ sự hiện diện của khí carbon dioxide hay còn gọi là cacbonic tự nhiên trên mặt trăng băng giá Europa của sao Mộc. Điều này cho thấy thế giới nước này càng có nhiều khả năng tồn tại sự sống.

Europa, nhỏ hơn một chút so với Mặt trăng của Trái đất, được bao bọc bởi một lớp băng phủ lên một đại dương nước mặn. Sự hiện diện của nước lỏng khiến Europa trở thành đối tượng hấp dẫn đối với các nhà khoa học quan tâm đến sự sống ngoài Trái đất. Nhưng cho đến nay, chưa ai chỉ ra rằng đại dương chứa các phân tử thích hợp cho sự sống, đặc biệt là carbon, là thành phần cơ bản tạo nên sự sống trên Trái đất.

Phát hiện mới của JWST rất hấp dẫn vì carbon dioxide dường như không phải do thiên thạch hoặc tiểu hành tinh đem tới, mà nó xuất hiện ở một vùng địa chất trẻ của Europa có tên là Tara Regio. Điều này có nghĩa là khí này có thể đã hình thành tại chính mặt trăng.

Nhà khoa học hành tinh Samantha Trumbo của Đại học Cornell cho biết trong một tuyên bố: “Những quan sát trước đây từ Kính viễn vọng Không gian Hubble cho thấy dấu hiệu của muối có nguồn gốc từ đại dương ở Tara Regio. Bây giờ chúng tôi thấy rằng carbon dioxide cũng tập trung rất nhiều ở đó. Chúng tôi nghĩ rằng điều này gợi ý rằng carbon có thể bắt nguồn từ đại dương bên trong”.

Trumbo là tác giả chính của một trong hai bài báo tiết lộ các quan sát mới về Europa được công bố trên tạp chí Science vào ngày 21/9.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu hiệu của cả carbon dioxide có cấu trúc tinh thể và vô định hình trên Europa. Họ nhận thấy khí này có nồng độ cao ở khu vực mà các nhà thiên văn học gọi là "vùng hỗn loạn", nơi lớp vỏ bề mặt bị phá vỡ và có thể có sự chuyển động của vật chất giữa các lớp vỏ và đại dương bên trong. Vì carbon dioxide không duy trì lâu trên bề mặt Europa nên các nhà nghiên cứu tin rằng carbon này xuất hiện tương đối gần đây.

Theo nghiên cứu năm 2022, bề mặt của Europa có độ tuổi trung bình khoảng 60 triệu năm tuổi, theo ước tính về một số miệng hố thủng trên băng. Vùng hỗn loạn nhìn chung trẻ hơn mức trung bình.

Các nhà khoa học đang lên kế hoạch cho hai sứ mệnh tới Europa trong những năm tới đây. Sứ mệnh Clipper của NASA, dự kiến ​​phóng vào năm 2024, sẽ cung cấp các quan sát về mặt trăng này từ quỹ đạo, tập trung vào việc tìm kiếm các phân tử và điều kiện hỗ trợ cho sự sống. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã phóng tàu vũ trụ Jupiter Icy Moons Explorer (JUICE) vào tháng 4; nó sẽ đến hành tinh khí khổng lồ vào năm 2031. Con tàu sẽ tiến hành 35 chuyến bay ngang qua ba mặt trăng Europa, Ganymede và Callisto.

Theo Livescience



BÀI CHỌN LỌC

Kính viễn vọng James Webb tìm thấy khí carbon dioxide tự nhiên trên mặt trăng Europa của sao Mộc