Mỹ: Ngành ngân hàng không ngừng hợp nhất, đồng thời gia tăng liên kết với chính phủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số lượng các ngân hàng Mỹ đang sụt giảm một cách đều đặn. Trong khi đó, các ngân hàng ngày càng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ. "Sự hợp nhất vĩ đại" có thể khiến các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng nhỏ mất đi quyền tiếp cận nhiều loại dịch vụ.

Việc JPMorgan Chase mua lại First Republic Bank hôm 01/05 chỉ là bước đi mới nhất trong quá trình hợp nhất không ngừng giữa các ngân hàng Mỹ. Ngành ngân hàng của Mỹ đang trở nên tập trung hơn và gắn bó chặt chẽ hơn với chính phủ liên bang.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các cơ quan quản lý liên bang đã trở nên thoải mái với việc ngành ngân hàng được dẫn dắt bởi một số ít ngân hàng lớn, và các ngân hàng này có các mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với chính phủ.

Chính sách quản lý ngân hàng đang cho phép ngành này hợp nhất thành một số lượng ngày càng ít các tổ chức lớn hơn. Các tổ chức này sau đó phải tuân theo quy định chặt chẽ hơn, yêu cầu vốn cao hơn và các bài kiểm tra chức chịu đựng. Về mặt lý thuyết, điều này làm cho hệ thống ngân hàng mạnh mẽ hơn và nguy cơ khủng hoảng tài chính là thấp hơn.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ quan liên bang và các ngân hàng được thể hiện trong thương vụ hợp tác giữa các cơ quan quản lý và các ngân hàng như JPMorgan Chase, Citibank, Bank of America và Wells Fargo nhằm xây dựng một quỹ trị giá 30 tỷ USD để hỗ trợ ngân hàng First Republic. Mối quan hệ cũng được thể hiện qua hoạt động giám sát mà Bank of America thực hiện cho FBI nhằm tiến hành kiểm tra mà không có trát của tòa án các tài khoản của khách hàng để theo dõi lịch sử đi lại và mua hàng trong cuộc bạo loạn ngày 06/01/2021 tại Đồi Capitol.

Nhiều người nghiên cứu ngành ngân hàng của Mỹ nói rằng sự hợp nhất chắc chắn sẽ tiếp tục và sự sụp đổ gần đây của một số ngân hàng khu vực chỉ là chương mới nhất trong câu chuyện này. Những người khác lo lắng rằng việc hệ thống tài chính của Mỹ tập trung quá nhiều vào một số ít ngân hàng đa năng hiện là “quá lớn để có thể sụp đổ” sẽ mang đến những rủi ro hệ thống và rằng các ngân hàng hiện đã trở nên liên kết quá chặt chẽ với chính phủ liên bang.

Ông Samuel Gregg, một nhà kinh tế chính trị tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ, nói với The Epoch Times: “Để hiểu vấn đề này, bạn chỉ cần nhận ra rằng phần lớn Dodd-Frank đã thực sự được viết với sự hỗ trợ của những người làm việc tại các ngân hàng nổi tiếng”.

Đạo luật Dodd-Frank, được thông qua vào năm 2010 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hứa hẹn sẽ bảo vệ người nộp thuế ở Mỹ bằng cách chấm dứt các gói cứu trợ và giảm rủi ro từ các ngân hàng quá lớn để sụp đổ. Mặc dù Đạo luật Dodd-Frank đã tăng cường hoạt động kiểm soát, nhưng nó đã thất bại trong việc giảm mức độ rủi ro mà các tổ chức đơn lẻ tạo ra cho hệ thống tài chính. Thay vào đó, nó đã làm điều ngược lại.

Ông Gregg nói: “[Dodd-Frank] đã mang lại lợi ích cho các ngân hàng lớn trong khi các ngân hàng vừa và nhỏ phải chịu thiệt hại. Phố Wall và Washington, D.C., gắn bó mật thiết với nhau hơn bao giờ hết”.

Mỹ: Ngành ngân hàng không ngừng hợp nhất và gia tăng liên kết với chính phủ
Màn hình điện thoại thông minh hiển thị logo của Ngân hàng First Republic, ở đằng trước logo của JP Morgan Chase ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 01/05/2023. (Ảnh: OLIVIER DOULIERY/AFP qua Getty Images)

Ngân hàng nhỏ và ngân hàng lớn

Phát biểu tại một hội nghị về quy định tài chính hôm 14/04, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Michelle Bowman tuyên bố rằng, số lượng ngân hàng ở Mỹ đã bị cắt giảm một nửa trong hai thập kỷ qua và việc thành lập các ngân hàng mới “về cơ bản đã bị đình trệ… hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các cộng đồng chưa được phục vụ”.

Bất chấp những vụ sụp đổ gần đây của ba ngân hàng khu vực, bà Bowman nói rằng “các ngân hàng nhỏ nhất thường hoạt động tốt hơn các ngân hàng lớn hơn trong thời kỳ căng thẳng, như đại dịch và trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008".

Bà nói: “Trong lịch sử, trong thời kỳ căng thẳng về kinh tế và tài chính, các tổ chức nhỏ nhất đã hoạt động rất tốt". "Ví dụ, các ngân hàng nhỏ đã thể hiện sức mạnh này trong thời kỳ đại dịch thông qua cam kết vượt bậc trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ”.

Theo ông Michael Hsu, người điều hành Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) và giám sát khoảng 1.000 ngân hàng quốc gia, một số ngân hàng Mỹ có thể đã trở nên “quá lớn và phức tạp đến mức việc thất bại trong kiểm soát, sự cố quản lý rủi ro và những bất ngờ tiêu cực xảy ra quá thường xuyên - không phải vì quản lý yếu kém, mà vì quy mô và sự phức tạp của tổ chức. Tóm lại, quản lý hiệu quả không phải là thứ có thể mở rộng một cách vô tận”.

Các nhà đầu tư đang có cái nhìn ảm đạm về các ngân hàng nhỏ hơn trong năm nay, họ bán tháo cổ phiếu và rút tiền gửi ồ ạt một cách hoảng loạn. Tuy nhiên, dường như họ cũng không mặn mà với các ngân hàng đa năng ở Phố Wall.

Một nghiên cứu vào tháng 12/2022 của McKinsey, một công ty tư vấn quản lý, tuyên bố rằng, ngành ngân hàng của Mỹ là “ngành có giá trị thấp nhất trên thế giới vào năm 2021”. Tâm lý nhà đầu tư thậm chí còn tồi tệ hơn vào năm 2023; các ngân hàng bắt đầu giao dịch trong năm với mức chênh lệch trung bình cao hơn 40% so với giá trị sổ sách của họ, nhưng đến tháng 4 đã thị trường đã giao dịch ở mức định giá bằng với giá trị sổ sách.

Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư coi các ngân hàng không đáng giá hơn giá trị thanh lý trên lý thuyết của chúng. Giá giao dịch trên giá trị sổ sách trung bình của các công ty thuộc S&P 500 hiện là 4.05.

Báo cáo của McKinsey lưu ý rằng, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng đã giảm hơn 25% trong 15 năm qua và dự kiến ​​sẽ giảm thêm 20% trong thập kỷ tới. Họ cũng dự đoán rằng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, vốn đã giảm từ 15% năm 2007 xuống còn 9,5% vào năm 2021, sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.

Báo cáo nêu rõ: “Cổ phiếu ngân hàng giao dịch với mức chiết khấu tăng nhanh so với các ngành khác - từ mức chiết khấu 15% năm 2000 xuống mức chiết khấu 70% vào năm 2022. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư toàn cầu đang bày tỏ quan điểm bằng hàng ngàn tỷ USD chống lại khả năng sinh lời và tính bền vững trong tương lai của mô hình ngân hàng đa năng hiện tại”.

Mỹ: Ngành ngân hàng không ngừng hợp nhất và gia tăng liên kết với chính phủ
Trụ sở chính của JPMorgan Chase & Co. vào ngày 17/04/2019 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: JOHANNES EISELE/AFP qua Getty Images)

Số lượng ngân hàng sụt giảm đều đặn

Số lượng các ngân hàng hoạt động tại Mỹ đã giảm đều đặn, với một số giai đoạn giảm nhanh chóng. Thoát khỏi cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930, số lượng các ngân hàng thương mại ở Mỹ được duy trì ổn định trong nhiều thập kỷ ở mức từ 13.000 đến 14.000. Sau đó, bắt đầu từ những năm 1980, con số đó bắt đầu giảm xuống, cho đến khi đạt đến mức hiện nay là khoảng 4.800 ngân hàng.

Cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay trong những năm 1980 khiến các ngân hàng có danh mục tài sản có lãi suất cố định dài hạn, điển hình là các khoản thế chấp và cho vay bất động sản, bị bóp nghẹt bởi lãi suất tăng. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này là 6.000 ngân hàng phá sản. Tiếp theo đó là cuộc “Đại khủng hoảng tài chính” năm 2008, khi các vụ vỡ nợ lớn đối với các khoản thế chấp đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính.

Cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay năm 1980 có đặc điểm tương tự như cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ngày nay. Đợt khủng hoảng ngân hàng khu vực cho đến nay hầu hết chỉ giới hạn ở các ngân hàng khu vực với số lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm được đầu tư vào tài sản có lãi suất cố định dài hạn. Các ngân hàng này, bao gồm Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Signature Bank và gần đây nhất là Ngân hàng First Republic, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng lãi suất.

Thị trường tài chính của Mỹ là độc nhất, kết quả của những nỗ lực trong lịch sử nhằm đa dạng hóa rủi ro, duy trì hoạt động ngân hàng cộng đồng và bảo vệ người gửi tiền. Đạo luật Ngân hàng Quốc gia năm 1863, và sau đó là Đạo luật McFadden năm 1927, cấm các ngân hàng được sở hữu và điều hành xuyên tiểu bang. Trong nỗ lực bảo vệ người gửi tiền, Đạo luật Glass-Steagall năm 1933 đã thành lập Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và tách các ngân hàng kinh doanh cổ phiếu và trái phiếu khỏi các ngân hàng nhận tiền gửi.

Kết quả là một loạt các ngân hàng ra đời, từ các ngân hàng đầu tư nhanh ở Phố Wall đến các ngân hàng thương mại khổng lồ hay các ngân hàng địa phương và khu vực nhỏ. Tuy nhiên, lo sợ rằng các ngân hàng tập trung vào một tiểu bang hoặc khu vực sẽ tạo ra rủi ro quá mức cho hệ thống tài chính, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật liên bang năm 1994, cho phép các ngân hàng mở chi nhánh trên khắp các tiểu bang.

Năm 1999, Đạo luật Hiện đại hóa Dịch vụ Tài chính đã bãi bỏ các điều khoản trong Glass-Steagall, điều vốn tách biệt hoạt động nhận tiền gửi và hoạt động ngân hàng đầu tư. Điều này tạo ra làn sóng sáp nhập và mua lại giữa các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, dẫn đến việc các “ngân hàng đa năng” lớn hấp thụ các công ty như Salomon Brothers, First Boston, Bear Stearns và Merrill Lynch. Và bản thân các ngân hàng đa năng cũng đã hợp nhất với nhau, chẳng hạn như JPMorgan Chase và Bank One hợp nhất để trở thành JPMorgan Chase, và ngân hàng Wachovia bị Wells Fargo thâu tóm.

Mỹ: Ngành ngân hàng không ngừng hợp nhất và gia tăng liên kết với chính phủ
Khách hàng của Silicon Valley Bank xếp hàng chờ tại trụ sở chính của ngân hàng ở Santa Clara, California, hôm 13/03/2023. (Ảnh: Noah Berger/AFP qua Getty Images)

Tham dự vào chính trị

Đối với người Mỹ, xu hướng các ngân hàng sáp nhập với nhau và hợp tác chặt chẽ hơn với chính phủ, được mệnh danh là “Sự hợp nhất vĩ đại”, cuối cùng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm các dịch vụ ngân hàng dành cho cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng nhỏ, cũng như việc sẽ có ít cơ hội hơn để các ngân hàng có thể đổi mới và phục vụ khách hàng một cách có lãi. Nó cũng đã mở ra một kỷ nguyên mà trong đó, Phố Wall đảm nhận vai trò lớn hơn trong chính trị, ngay cả khi chính phủ liên bang thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong việc chỉ đạo Phố Wall.

Mạo hiểm nói về chính trị trong bức thư gửi cổ đông năm 2022, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, tuyên bố rằng “chúng ta cần tìm cách tổ chức lại chính phủ nhanh chóng hơn cho thế giới mới”, và kêu gọi Mỹ áp dụng chính sách công nghiệp, có nghĩa là “chính phủ liên bang, thông qua các chính sách và khuyến khích, thúc đẩy ngành công nghiệp Mỹ”, để thúc đẩy các ngành như pin, đất hiếm, chất bán dẫn hoặc xe điện.

Ông viết: “Chúng ta thậm chí có thể cần phải trưng dụng tài sản thuộc sở hữu tư nhân", đề cập đến việc chính phủ thu giữ đất đai của người Mỹ, để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng “xanh”. Nhưng “hãy yên tâm, CEO của quý vị là một nhà tư bản mạnh mẽ, yêu nước, ủng hộ doanh nghiệp tự do và thị trường tự do (tất nhiên là được điều tiết hợp lý)”.

Vào năm 2022, “4 ông lớn” ngân hàng - JPMorgan Chase, Bank of America, Citibank và Wells Fargo - đã cùng nhau chi nhiều tỷ USD cho các hoạt động chính trị cấp tiến. Ví dụ, Giám đốc điều hành của Bank of America, ông Brian Moynihan, đã tuyên bố trong báo cáo cổ đông năm 2022 của mình rằng ngân hàng dự định "triển khai 1,5 ngàn tỷ USD tài chính bền vững vào năm 2030, 1 ngàn tỷ USD trong số đó liên quan tới quá trình chuyển đổi môi trường và 500 tỷ USD cho phát triển xã hội hòa nhập”.

Điều này bao gồm Trái phiếu Bền vững Tiến bộ Bình đẳng trị giá 2 tỷ USD của Bank of America, trái phiếu này sẽ “giúp thúc đẩy bình đẳng giới và chủng tộc, cơ hội kinh tế và tính bền vững của môi trường”. JPMorgan Chase và Bank of America cũng được cho là cung cấp tài chính cho một số chủng tộc được ưu tiên nhất định với các điều khoản ưu đãi.

Mỹ: Ngành ngân hàng không ngừng hợp nhất và gia tăng liên kết với chính phủ
Một chi nhánh của Bank of America vào ngày 15/03/2023 tại Manhattan, Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

'Ngân hàng ngầm' và xu hướng đóng cửa các chi nhánh

Hiện tại, 95% người Mỹ có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng đang có xu hướng đóng cửa các chi nhánh, đặc biệt là ở các cộng đồng nông thôn, vùng sâu vùng xa và có thu nhập thấp.

Theo báo cáo của S&P Global Market Intelligence, gần 3.000 chi nhánh ngân hàng đã bị đóng cửa trên khắp nước Mỹ vào năm 2021. Wells Fargo, công ty tích cực nhất trong việc đóng cửa các chi nhánh, đã đóng cửa 267 chi nhánh. Nhìn chung, 5 tiểu bang có nhiều chi nhánh bị đóng cửa nhất là California, với 269 chi nhánh bị đóng cửa; Michigan, với 247; New York, với 221; Florida, với 192; và Illinois, với 153.

Ông Gregg nói: “Thị trường vốn của Mỹ vẫn rất cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu". “Nhưng khi chúng ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, chúng sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn, bởi vì các ngân hàng lớn có thể hấp thụ chi phí của việc gia tăng quy định theo cách mà các ngân hàng vừa và nhỏ không thể".

Ngoài ra, ông nói, “có thể số lượng ngân hàng ít hơn có thể dẫn đến việc ngành ngân hàng trở nên ít quan tâm hơn đến việc hỗ trợ các doanh nhân và công ty khởi nghiệp mới, cũng như ít quan tâm hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện tại, bởi vì các ngân hàng lớn sẽ có xu hướng tập trung vào các khách hàng lớn”.

Một phần của xu hướng đóng cửa chi nhánh là do ít người đến chi nhánh ngân hàng hơn do sự phát triển của ngành công nghệ tài chính. Các ngân hàng hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các ông lớn công nghệ. Công chúng ngày càng tiếp nhận các công nghệ mới, chẳng hạn như các ứng dụng thanh toán, bao gồm PayPal, Venmo, Apple Pay và Google Pay. Và sự phát triển của ngân hàng trực tuyến cũng cho phép khách hàng tại các ngân hàng như SVB rút tiền gửi của họ ra khỏi ngân hàng ngay lập tức mà không cần phải đến chi nhánh, sau khi tin đồn rằng ngân hàng đang gặp rắc rối lan truyền trên mạng xã hội.

Đồng thời, một số lĩnh vực ngân hàng đã được tiếp quản bởi các công ty chuyên môn, tạo ra cái mà bà Bowman gọi là ngành “ngân hàng ngầm”, phần lớn hoạt động bên ngoài khuôn khổ pháp lý ngân hàng. Lĩnh vực này không chỉ bao gồm ngành công nghệ tài chính mà còn bao gồm cả các công ty cho vay thế chấp.

Bà Bowman cho biết: “Việc khởi tạo và phục vụ thế chấp - cả hai đều là các hoạt động ngân hàng lâu đời truyền thống - đã chuyển sang các tổ chức phi ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008". Vào năm 2020, 68% các khoản thế chấp mới được phát hành bởi các công ty thế chấp và các tổ chức phi ngân hàng khác. Những người cho vay phi ngân hàng cũng đang bước vào các lĩnh vực khác, như cho vay doanh nghiệp, cho vay trang trại, bất động sản thương mại và cho vay tiêu dùng.

Và trong khi hệ thống “ngân hàng ngầm” có thể chiếm mất lợi nhuận của các ngân hàng, thì chúng không nhất thiết làm giảm rủi ro cho các ngân hàng.

Bà Bowman cho biết: “Sự tăng trưởng của hoạt động cho vay trong hệ thống ngân hàng ngầm có thể gây ra những hậu quả đáng kể đối với khả năng cung cấp tín dụng trong các chu kỳ kinh tế, với những khoản lỗ cuối cùng được chuyển qua các tổ chức nhận tiền gửi được quản lý theo quy định, điều có vẻ đã xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008". "Mặc dù các hoạt động [này] có thể bị đẩy ra khỏi hệ thống ngân hàng được quản lý, nhưng tổn thất có thể được chuyển trở lại hệ thống ngân hàng thông qua các hoạt động liên quan như việc ngân hàng gia hạn tín dụng cho chính những người cho vay phi ngân hàng đó”.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Ngành ngân hàng không ngừng hợp nhất, đồng thời gia tăng liên kết với chính phủ