Ngăn ngừa thoái hóa cột sống cổ: 2 phương pháp giúp giảm triệu chứng cứng vai, cứng cổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu triệu chứng cứng cổ ở mức độ nặng, tái phát thường xuyên và không được điều trị sẽ dẫn đến thoái hóa cột sống cổ sớm.

Cứng cổ là một triệu chứng nhẹ và nhiều người có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này ở mức độ nặng, tái phát thường xuyên và không được điều trị sẽ dẫn đến thoái hóa cột sống cổ sớm.

Ví dụ, một anh kỹ sư thức dậy vào một buổi sáng và phát hiện có cảm giác đau khi cử động cổ. Thoạt đầu, anh kỹ sư cho rằng cảm giác khó chịu này sẽ dần giảm đi. Tuy nhiên, vài ngày sau, cơn đau ở cổ của anh không những kéo dài mà còn lan ra toàn bộ cổ, vai, lưng trên và thậm chí cả phần thân trên gây ra tình trạng cứng cơ rất khó chịu.

Nguyên nhân gây ra tình trạng cứng cổ?

Một số người có cảm thấy đau cổ dữ dội sau khi ngủ dậy, triệu chứng này nặng hơn khi ngửa, cúi đầu hay xoay cổ sang trái, sang phải. Ở những tư thế khiến cơ vùng cổ không cân bằng, cơn đau cũng nặng hơn. Trong trường hợp đau cổ nặng, cảm giác khó chịu sẽ lan lên đầu hoặc lan xuống vai, thậm chí còn gây ra triệu chứng tê tay.

Trong y học hiện đại, thuật ngữ được dùng để mô tả tình trạng “cứng cổ” là viêm cơ cổ cấp tính hoặc căng cơ cổ. Thuật ngữ “căng cơ cổ” để chỉ tình trạng cứng cổ nhẹ, ngược lại “viêm cơ cổ cấp tính” thể hiện tình trạng cứng cổ nặng hơn.

Trạng thái căng cơ có thể do những yếu tố như sức khỏe thể chất yếu, mệt mỏi quá mức, gối cao hoặc tư thế ngủ không thoải mái, tư thế nằm không đúng và nghiêng đầu, cổ quá mức. Nghiêng đầu, cổ quá mức thường gặp ở những người uống quá nhiều rượu, ngủ trong tư thế úp mặt suốt đêm và không cử động cổ. Tư thế này dẫn đến căng cơ và lệch đốt sống, gây ra triệu chứng cứng cổ vào sáng hôm sau.

Quan điểm của y học cổ truyền(TCM) cho rằng khi phong hàn xâm nhập vào vùng cổ và lưng trên sẽ khiến khí huyết ứ đọng trong cơ, từ đó gây ra cơn đau. Ví dụ, để cổ tiếp xúc quá mức với khí lạnh vào mùa đông hoặc khí lạnh từ máy điều hòa vào mùa hè đều có thể dẫn đến triệu chứng đau nhức và cứng cổ.

Theo thống kê trên lâm sàng, những người thường xuyên bị căng thẳng quá mức dễ bị căng cơ. Đồng thời tư thế làm việc không đúng cũng sẽ dễ bị cứng cổ.

Y học cổ truyền điều trị cứng cổ như thế nào?

  • Những trường hợp nhẹ: Đối với trường hợp cứng cổ nhẹ, cơn đau nhẹ kèm theo căng cơ, liệu pháp nhiệt nóng thường sẽ có hiệu quả. Chườm khăn ấm có nhiệt độ khoảng 45 độ C lên vùng bị đau trong khoảng 10 đến 20 phút sẽ giúp giảm bớt tình trạng khó chịu.
  • Những trường hợp nặng: Trong trường hợp cứng cổ nặng, bác sĩ y học cổ truyền thường áp dụng những phương pháp sau:

1. Dược liệu Trung y

Các bài thuốc y học cổ truyền được biết đến rộng rãi gồm có Cát Căn thang, Cửu Vị Khương Hoạt thang, Thược Dược Cam Thảo thang

Thược dược cam thảo thang là một bài thuốc đặc biệt chỉ có từ hai thành phần: thược dược (hoa mẫu đơn) và cam thảo. Bài thuốc này giúp giảm căng thẳng ở cơ xương, có tác dụng thư giãn nhẹ với tất cả các cơ trong cơ thể. Bài thuốc này khá hiệu quả và có nhiều điểm tương đồng với thuốc giãn cơ trong y học phương Tây nhưng ít tác dụng phụ hơn.

2. Châm cứu

Châm cứu sẽ được tiến hành ở các huyệt như Phong Trì và Hoàn Cốt. Đây là những huyệt đã được chứng minh có hiệu quả điều trị cứng cổ. Ngoài ra chúng ta cũng có thể sử dụng những huyệt ở xa hơn như huyệt Hợp Cốc, Trung Chữ và Hậu Khê trên bàn tay.

Có hai huyệt đặc biệt hiệu quả:

Hai huyệt giúp làm giảm triệu chứng cứng cổ. (The Epoch Times)
  • Huyệt Hậu Khê: Đây là huyệt hội của mạch Đốc, đường kinh chạy dọc cột sống. Khi đau cổ, có thể ấn hoặc chạm vào huyệt Hậu Khê để giảm đau.
  • Huyệt Thúc Cốt: Huyệt này có tác dụng giúp thư giãn cơ cổ vì nằm trên đường kinh Bàng Quang, kết nối với các cơ ở vùng lưng trên.

Trường hợp khó nhất là khi đốt sống cổ bị lệch. Trong thực hành lâm sàng, khi điều trị những trường hợp này, cần sử dụng một kỹ thuật đặc biệt đó là nhẹ nhàng nâng, lắc cổ của bệnh nhân. Động tác này giúp nắn lại các khớp ở vùng cổ và gáy. Tôi đã phát hiện nhiều trường hợp cứng cổ là do các khớp vùng cổ và gáy bị lệch. Kỹ thuật này có thể lập tức mang lại hiệu quả cho bệnh nhân.

Cách phòng ngừa tình trạng cứng cổ

Để phòng ngừa tình trạng cứng cổ, cần lưu ý 4 điều dưới đây:

  • Tránh tạo áp lực quá lớn lên vùng cổ
  • Duy trì tư thế đứng và ngồi đúng: Những người thường xuyên nâng cao vai (tư thế thường gặp khi sử dụng máy tính) cần cố gắng thả lỏng. Hãy buông lỏng khuỷu tay để vai thư giãn một cách tự nhiên. Hơi nâng ngực và giữ thẳng lưng để tạo điều kiện cho khí và máu đi lên. Hạn chế duỗi cổ về phía trước. Vùng cổ sẽ đạt trạng thái thư giãn tốt nhất khi chúng ta nhẹ nhàng rút cằm về phía sau và nhìn thấp xuống một chút. Giữ cằm ở tư thế hơi rút về sau sẽ giúp kéo dài phần sau cổ một cách tự nhiên.
  • Chọn nệm có độ cứng phù hợp: nệm quá mềm sẽ khiến các cơ ở lưng bị căng trong thời gian dài, khiến cổ bị cong. Căng cơ kéo dài suốt đêm sẽ dẫn đến sự tích tụ axit lactic, khiến bạn mệt mỏi khi thức dậy.
  • Chọn loại gối phù hợp
  • Tư thế ngủ đúng: Khi nằm nghiêng, hãy cố gắng giữ cột sống thẳng với cổ; khi nằm ngửa, hãy nâng cao đầu một chút. Một yếu tố quan trọng là cần phải chọn loại gối phù hợp với tư thế ngủ của bạn. Gối quá cao sẽ làm căng phần giữa của cột sống cổ, ngược lại gối quá thấp sẽ làm căng phần trên của cột sống cổ.
Tư thế ngủ đúng giúp phòng ngừa tình trạng cứng cổ. (The Epoch Times)

2 bài tập giúp thư giãn vùng cổ và vai

1. Kéo giãn cột sống cổ

Hướng dẫn: Buông lỏng vai xuống phía dưới, đồng thời nhẹ nhàng nâng cổ lên, sau đó hạ cổ xuống. Lặp lại động tác này nhiều lần.

Bài tập này giúp thư giãn các cơ ở vùng lưng trên, có tác dụng làm giảm đau nhức vùng cổ.

2. Xoay vai

Hướng dẫn: Đặt một tay ở vùng gáy nơi tiếp giáp với vai, đẩy nhẹ về phía trước và giữ nguyên tư thế này. Xoay vai về phía sau 10 lần, sau đó từ từ quay đầu sang trái và sang phải 10 lần. Đổi bên và lặp lại.

Bài tập này rất thiết thực. Cơ vai hai bên của bạn sẽ cảm thấy thư giãn rõ rệt sau khi tập. Bài tập này đặc biệt hiệu quả ở những người bị căng vùng cổ hoặc những trường cơ vùng sau cổ nhô ra sau do nhìn xuống trong một thời gian dài. Tuy nhiên khi tập cần tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Tóm lại, căng cơ vùng cổ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể, làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng cứng cổ cũng như nhiều vấn đề về mắt và đầu. Tập các bài tập thư giãn sẽ giúp khí huyết ở vùng cổ lưu thông tốt hơn, từ đó nâng cao sức khỏe chung của toàn cơ thể.

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Kuo-Pin Wu

Bác sĩ Wu Kuo-pin là giám đốc của Phòng khám Tim Xinyitang Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học y học cổ truyền và lấy bằng cử nhân tại Đại học Y khoa Trung Quốc tại Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

Ngăn ngừa thoái hóa cột sống cổ: 2 phương pháp giúp giảm triệu chứng cứng vai, cứng cổ