Ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc vật lộn trong khó khăn tài chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc tiếp tục gặp khó trong năm nay khi một trong những công ty lớn là Tập đoàn Công nghệ Sinh học Phúc Kiến Aonong (Aonong Biotech) đứng bên bờ vực phá sản. Rắc rối của Aonong Biotech đã cho thấy rõ những thách thức lớn hơn đối với ngành công nghiệp chăn nuôi lợn đầy biến động, nơi nhiều doanh nghiệp đang phải vật lộn với những khoản lỗ nặng và một tương lai bất định.

Các nhà phân tích cho rằng các vấn đề của Aonong Biotech, cũng như của ngành thịt lợn Trung Quốc nói chung, là do sự gián đoạn của cái được gọi là “chu kỳ thịt lợn” — sự tăng giảm theo chu kỳ của nguồn cung và giá cả trong ngành thịt lợn.

Ngày 7/3, Aonong Biotech đã đưa ra một thông báo nghiêm túc rằng Tòa án quận Xiangcheng đã chấp nhận đơn đăng ký tái cơ cấu đối với cổ đông kiểm soát của công ty - Aonong Investment Co., Ltd. Aonong Biotech phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán nếu nỗ lực tái cơ cấu thất bại.

Aonong Biotech được thành lập vào năm 2011, ban đầu tập trung vào thức ăn cho lợn, sau đó mở rộng sang chăn nuôi lợn, từng được ca ngợi là ngôi sao đang lên trong lĩnh vực chăn nuôi lợn. Công ty đi lên rất nhanh chóng nhờ các chiến lược mở rộng mạnh mẽ và việc sử dụng đòn bẩy tài chính sau khi niêm yết vào năm 2017. Đến năm 2022, giá trị thị trường của Aonong Biotech là gần 3,48 tỷ USD, mang lại cho công ty biệt danh “Vua Lợn”.

Tuy nhiên, vận may của công ty đã không còn khi giá thịt lợn liên tục giảm và không tăng trở lại như mong đợi, tạo ra những thách thức trong hoạt động và các khoản thua lỗ không tưởng. Trong 3 năm, Aonong Biotech đã lỗ lũy kế hơn 765 triệu USD; riêng năm 2023, khoản lỗ lên đến 417 triệu USD.

Khó khăn chưa dừng lại, Aonong Biotech hiện phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết, với dự báo năm 2023 là một bức tranh ảm đạm về các khoản lỗ ròng ​​và các tài sản của cổ đông bị âm. Các khoản nợ quá hạn mà công ty nợ các tổ chức tài chính đã tăng lên khoảng 236 triệu USD, trong khi các khiếu nại và các vụ kiện tụng đang làm các khoản nợ tài chính của công ty phình to hơn.

Với tỷ lệ nợ trên tài sản mới nhất tăng tới 89,41%, cộng với khoản lỗ ít nhất 237 triệu USD trong quý 4/2023, Aonong Biotech đang ở vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng với mức nợ vượt quá tài sản của mình.

Những nỗ lực trước đây của cổ đông kiểm soát, Wuyou Lin, nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của công ty thông qua thỏa thuận cầm cố cổ phần và bán cổ phần đã tỏ ra vô ích, khi cổ phần của cả Aonong Investment và Wuyou Lin hiện bị đóng băng theo lệnh của tòa án.

Hơn nữa, tài sản ròng được kiểm toán của Aonong Biotech cho năm 2023 là âm, điều này đẩy công ty đến gần viễn cảnh bị hủy niêm yết.

Khi giá thịt lợn không có dấu hiệu phục hồi và các khoản nợ tiếp tục tăng lên, cuộc đấu tranh sinh tồn của Aonong Biotech càng cho thấy tình trạng bấp bênh của ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc.

Dịch tả lợn châu Phi và hiện tượng bùng nổ các siêu trang trại

Kể từ năm 2018, ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc đã luôn phải quay cuồng vì tác động của dịch tả lợn châu Phi, đỉnh điểm là hàng loạt hộ chăn nuôi lợn tư nhân quy mô vừa và nhỏ đã phá sản do các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. Các chính sách như trợ cấp tài chính và thuế chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho hoạt động chăn nuôi lợn quy mô lớn, từ đó làm trầm trọng thêm những khó khăn tài chính của những doanh nghiệp nhỏ hơn.

Do nhiều hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ phá sản nên trong giai đoạn 2019-2020, số lượng các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đã bùng nổ. Dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp liên quan để ngăn chặn dịch bệnh này đã đẩy nhanh xu hướng hướng tới các siêu trang trại.

Tại các khu vực nông thôn, nơi từng có rất nhiều các trang trại quy mô hộ gia đình, các cơ sở lớn - như trang trại lợn 26 tầng do Cơ quan Chăn nuôi Hiện đại Hồ Bắc Zhongxin Kaiwei điều hành ở ngoại ô một ngôi làng gần sông Dương Tử - không ngừng mọc lên.

Bên trong trang trại có cấu trúc giống như một tòa nhà chung cư này, lợn được nuôi trong môi trường công nghệ cao với hệ thống camera độ phân giải cao và một trung tâm chỉ huy, nơi có các kỹ thuật viên mặc đồng phục và giám sát hoạt động của lợn.

Một bài viết trên tờ New York Times hồi năm ngoái đã mô tả siêu trang trại này như sau: “Mỗi tầng hoạt động giống như một trang trại khép kín dành cho các giai đoạn khác nhau trong vòng đời một con lợn con: khu vực dành cho lợn nái mang thai, phòng dành cho lợn con ra đời, nơi chăm sóc y tế cho lợn và nơi vỗ béo lũ lợn”.

Ngành thịt lợn Trung Quốc vật lộn trong khó khăn tài chính
Những con lợn tại một trang trại ở Chư Kỵ, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, ngày 2/3/2011. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Tổn thất lan rộng, nợ nần gia tăng

Mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn - vốn được thúc đẩy bởi nguồn tài chính khổng lồ - đã làm tăng thêm rủi ro nợ trong toàn ngành. Sự bùng nổ hoạt động xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn khổng lồ đã khiến thị trường rơi vào tình trạng dư cung, làm giá bán tiếp tục giảm.

Năm 2023, giá thịt lợn không tăng trở lại như kỳ vọng mà duy trì ở mức thấp trong suốt cả năm. Giá thịt lợn ở dưới mức chi phí trong một thời gian dài, khiến người chăn nuôi lợn chịu thiệt hại đáng kể trong cả năm.

Tính đến ngày 31/1/2024, không có doanh nghiệp nào trong số 22 doanh nghiệp chăn nuôi lợn niêm yết hạng A có dự báo về hiệu quả hoạt động cho năm 2023 thực sự có lãi. 18 doanh nghiệp chăn nuôi lợn niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ ròng khoảng 3,5-4 tỷ USD.

Ngay cả những gã khổng lồ trong ngành như Muyuan Foods, Wens Foodstuff Group và New Hope Group cũng không tránh khỏi nguy cơ phải đối mặt với khoản lỗ tổng cộng dự kiến hơn 10 tỷ CNY (1,4 tỷ USD).

Năm 2023, Wens Foodstuffs báo cáo khoản lỗ ròng khoảng 881 triệu USD. Muyuan Foods Group có khoản lỗ dự kiến khoảng 640 triệu USD - khoản lỗ tính theo năm đầu tiên của công ty này kể từ năm 2009. New Hope Group đã bán một số tài sản nhưng dự kiến vẫn lỗ 646 triệu USD.

Tình hình tài chính ngày càng xấu đi của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được chứng minh bằng tỷ lệ nợ trên tài sản ngày càng cao, và càng trở nên trầm trọng hơn do thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong 3 năm qua.

Tính đến quý 3/2023, tổng nợ của 20 doanh nghiệp chăn nuôi lợn niêm yết, bao gồm cả những gã khổng lồ trong ngành, ở mức xấp xỉ 63,4 tỷ USD, với tỷ lệ nợ chung là 66,7%. 15 doanh nghiệp trong số này có tỷ lệ nợ có xu hướng tăng lên, báo hiệu rằng những căng thẳng tài chính đang trở nên trầm trọng hơn.

Zhengbang Group, được mệnh danh là “Vua Lợn” của tỉnh Giang Tây, đã không chịu nổi áp lực ngày càng lớn. Năm 2021, Zhengbang Group lỗ gần 19 tỷ CNY (2,64 tỷ USD) và trở thành nạn nhân lớn đầu tiên của chu kỳ thịt lợn này. Sau khi tái tổ chức sau phá sản và tiếp đó được tiếp quản bởi một tập đoàn do Twins Group - nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn lớn của Trung Quốc - đứng đầu, Zhengbang Group đã suýt bị hủy niêm yết, điều này đã cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của tình cảnh nguy khó của toàn ngành.

Việc thắt chặt dòng tiền đã làm tăng thêm thách thức cho các doanh nghiệp chăn nuôi lợn, làm nỗ lực đảm bảo nguồn tài chính của họ trở nên khó hơn khi họ vốn đã chìm trong nợ nần và thua lỗ.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra đã làm tan vỡ hy vọng về sự đảo ngược chu kỳ thịt lợn truyền thống, khi giá thịt lợn không có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù đặc trưng bởi những biến động mang tính chu kỳ, giá thịt lợn hiện tại vẫn ở mức thấp bất chấp kỳ vọng của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn.

Sản lượng lợn tăng vọt sau đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đã dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tổng sản lượng thịt lợn của Trung Quốc năm 2023 đạt 57,94 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 2015. Sản lượng thịt lợn ở mức cao, cùng với làn sóng nhà hàng đóng cửa do suy thoái kinh tế và hành vi tiêu dùng thay đổi, đã dẫn đến dư thừa trong cung thịt lợn, làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn của ngành.

Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người Trung Quốc thiệt mạng, điều này đồng nghĩa với việc có ít miệng ăn hơn, làm phức tạp thêm cơ chế cung - cầu trong ngành thịt lợn.

Một bước ngoặt là điều còn xa vời

Dữ liệu gần đây từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho thấy lượng lợn nái tồn kho của Trung Quốc đã giảm đáng kể vào cuối tháng 1/2024, xuống còn 40,67 triệu con, đánh dấu đợt tái đàn lớn nhất trong chu kỳ này.

Việc lượng lợn nái tồn kho giảm ban đầu đã làm dấy lên hy vọng về sự đảo chiều tình hình, nhưng những điều chỉnh chính sách mà chính quyền ban hành gần đây đã làm xẹp những kỳ vọng này.

Ngày 1/3, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc thông báo điều chỉnh giảm mục tiêu quốc gia về tồn kho thông thường của lợn nái sinh sản, từ 41 triệu xuống 39 triệu con, cho thấy rằng năng lực sản xuất vẫn cao mặc dù lượng tồn kho đã giảm.

Mối lo ngại của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn và các nhà đầu tư vào lợn ở Trung Quốc còn trầm trọng hơn khi họ nhìn vào những diễn biến trong hoạt động nhập khẩu thịt lợn. Trung Quốc dự kiến nhập khẩu thịt lợn từ 21 quốc gia vào năm 2024, với lượng nhập khẩu dự kiến là 21 triệu con lợn.

Các ước tính từ Liên minh Doanh nghiệp Công nghiệp Thịt lợn Quốc gia Nga cho thấy xuất khẩu thịt lợn từ Nga sang Trung Quốc có khả năng tăng đột biến, với dự báo đạt 25.000 tấn vào năm 2024 và tăng lên 200.000 tấn trong vòng 2-3 năm tới.

Trong khi đó, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc đang tăng trưởng cao khi lượng thịt lợn từ Mỹ sang Trung Quốc tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái tính vào tuần thứ bảy của năm 2024.

Khi áp lực dòng tiền đè nặng lên các doanh nghiệp chăn nuôi lợn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trì trệ, triển vọng về một chu kỳ thịt lợn kéo dài hơn dự kiến (tức là giá lợn thấp trong thời gian dài hơn dự kiến) đang đặt ra những thách thức sinh tồn đầy khó khăn cho các doanh nghiệp đang phải gánh chịu gánh nặng đòn bẩy tài chính và chi phí hoạt động cao.

Gần đây, một người trong ngành nói với Time Weekly rằng nhiều doanh nghiệp đã dựa vào thu nhập trong quá khứ để có thể tồn tại. “Nhiều công ty chăn nuôi lợn dựa vào số tiền kiếm được trước đây để tồn tại cho đến bây giờ. Họ đã trải qua những cơn gió và sóng mạnh. Nếu không thể kiên trì, họ sẽ bỏ cuộc”, người này cho biết.

Ông Mike Sun - một cố vấn đầu tư ở Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc - nói với The Epoch Times vào ngày 8/3 rằng “sau khi chu kỳ thịt lợn ban đầu bị phá vỡ, sự xuất hiện của một bước ngoặt dường như là điều còn xa vời. Nếu doanh nghiệp chăn nuôi lợn thua lỗ lớn và nợ nần chồng chất vượt quá tài sản của họ, họ có thể buộc phải tuyên bố phá sản và tiến hành tái cơ cấu”.

Ông Sun dự đoán rằng việc giải quyết những thách thức này sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp chăn nuôi lợn và các nhà đầu tư, đồng thời nhấn mạnh về tương lai bất định của ngành vào năm 2024.

Theo The Epoch Times

Chi Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngành chăn nuôi lợn ở Trung Quốc vật lộn trong khó khăn tài chính