Ngày tưởng nhớ sự kiện Thảm sát Thiên An Môn: Bắt bớ và thắt chặt an ninh ở Hong Kong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay (4/6) được gọi là ngày Lục Tứ, ngày mà cách đây 34 năm, vụ Thảm sát Thiên An Môn đẫm máu đã diễn ra. Cùng với thời gian, Bắc Kinh đã thành công trong việc sử dụng tường lửa và thông tin dối trá để tẩy não người Trung Quốc rằng sự kiện này không có thật. Nhưng Hong Kong thì khác, bởi vậy, bắt bớ và thắt chặt an ninh trong ngày này hàng năm đã và đang tiếp tục diễn ra.

Bắt bớ và đàn áp

Cuối ngày thứ 7 (03/06), cảnh sát Hong Kong cho biết họ đã bắt giữ 8 người gần một công viên, 4 người trong số họ “có ý định nổi loạn và có hành vi gây mất trật tự”. Chính quyền Hong Kong thắt chặt an ninh trong dịp kỷ niệm 34 năm sự kiện đàn áp đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Lễ tưởng niệm nạn nhân của Thảm sát Thiên An Môn không chỉ diễn ra tại Hong Kong, theo Reuters, ít nhất 30 địa điểm trên khắp toàn cầu, tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, tổ chức sự kiện này. Các hoạt động nhằm nhắc nhở người dân khắp toàn cầu không được quên tội ác đẫm máu, chống lại loài người, hết sức tàn ác mà kẻ hành ác chưa phải trả bất kỳ một cái giá nào cho nó.

8 người đã bị giam giữ gần Công viên Victoria (Hong Kong), nơi mà trong nhiều năm sau năm 1989, các nhà hoạt động dân chủ đã tụ tập vào ngày tưởng niệm vụ thảm sát ở Thiên An Môn. Trong số đó có nghệ sĩ Sanmu Chan, người đã hô vang "Đừng quên ngày 4/6. Người Hong Kong đừng sợ hãi" khi cảnh sát dẫn ông đi vào tối thứ 7, theo một video clip mà Reuters xem được.

8 người Hong Kong bị bắt giữ ngay trước ngày kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tuần hành kỷ niệm 25 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn, ngày 01/06/2014 tại Hong Kong. Cuộc tuần hành kéo dài từ Công viên Victoria đến Văn phòng Chính phủ ở Admiralty. (Ảnh: Jessica Hromas/Getty Images)

Các nhà hoạt động Hong Kong nói rằng hành động như vậy của cảnh sát là một phần trong chiến dịch rộng lớn của Trung Quốc nhằm chấm dứt bất đồng chính kiến ​​ở Hong Kong.

Truyền thông đưa tin an ninh được thắt chặt hơn đáng kể trên khắp Hong Kong trong năm nay; khoảng 6.000 cảnh sát được triển khai, bao gồm cả các sĩ quan chống bạo động và chống khủng bố.

Các quan chức cấp cao đã cảnh báo người dân rằng hãy tuân thủ luật pháp.

“Cảnh sát rất lo ngại về việc một số người cố gắng xúi giục và khiêu khích người khác thực hiện các hành vi bất hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, trật tự công cộng và an toàn công cộng", cảnh sát cho biết trong một tuyên bố.

Sự kiện Lục Tứ

Cách đây 34 năm, vào ngày 4/6/1989, cả thế giới rùng mình và phẫn nộ trước tội ác đẫm máu, một tội ác chống lại loài người, khi chế độ Bắc Kinh điều quân đội và xe tăng chính quy tắm máu hàng ngàn sinh viên biểu tình ôn hoà đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Trước đó, những người biểu tình đã cắm trại trong hàng tuần lễ tại đây.

Năm 1989, Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh đã trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình đòi có thêm tự do chính trị. Hàng ngàn người cắm trại trong hàng tuần lễ tại đây, nhưng hôm 3/6, quân đội đã tiến vào, và binh lính nổ súng vào người biểu tình.

Quảng trường Thiên An Môn và một tấm bia đá có dòng chữ: "Không có gì xảy ra ở nơi này vào năm 1989. (Ảnh chụp video)

Chính quyền Trung Quốc nói có 200 dân thường và vài chục lính thiệt mạng. Các ước tính khác nói số người chết dao động từ hàng trăm cho tới 10.000 người. Số nạn nhân bị thảm sát, theo hồ sơ CIA giải mật sau 30 năm, lên tới 10.000 nạn nhân; hầu hết là sinh viên trẻ, những người không mang theo vũ khí, biểu tình đòi dân chủ ôn hoà từ vài ngày trước đó trên quảng trường Thiên An Môn - nơi biểu trưng cho quyền lực chính trị của đất nước.

Sau sự kiện này, Bắc Kinh đã thành công trong việc xoá bỏ nó khỏi trí nhớ của tất cả những người nhà nạn nhân, của người dân khắp Trung Quốc bằng cách tuyên truyền rằng sự kiện không có thật, bằng tường lửa trên hệ thống Internet và bằng giam cầm, bắt bớ tất cả những ai dám lên tiếng.

33 năm sau Thảm sát Thiên An Môn: Người nhà nạn nhân tiếp tục truy cứu trách nhiệm của đảng cầm quyền
Trong phong trào dân chủ năm 1989, sinh viên ở Bắc Kinh đã biểu tình chống lại sự đàn áp, nạn tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đòi quyền dân chủ. Họ đã tuyệt thực ở Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện, và được đông đảo nhân dân Trung Quốc ủng hộ. (The Epoch Times)

Tuy nhiên, Hong Kong thì khác. Nhiều gia đình nạn nhân ở đại lục đã tháo chạy được sang Hong Kong. Chính quyền Hong Kong khi đó chưa thuộc về chế độ Bắc Kinh đã trở thành nơi gần Bắc Kinh nhất liên tục tưởng nhớ sự kiện đẫm máu này; nhắc nhở người Hoa khắp thế giới không bao giờ được quên bản chất tàn bạo của đảng cầm quyền tại Trung Quốc.

Đài tưởng niệm nạn nhân của sự kiện Lục Tứ đã được dựng lên tại Hong Kong; hình ảnh mô tả những xác người chết chồng lên nhau. Đây là nơi người Hong Kong và du khách khắp nơi trên thế giới đến để tưởng niệm, nơi sự thật về tội ác không thể chôn vùi.

Đáng tiếc, chỉ ít lâu sau khi đưa Hong Kong sáp nhập lại Trung Quốc, lời hứa một đất nước hai chế độ đã trở thành một lời nói dối nữa của chính quyền Bắc Kinh. Vào tháng 4/2021, đài tưởng niệm nạn nhân của sự kiện Lục Tứ bị dỡ bỏ bởi chính quyền Hong Kong.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Ngày tưởng nhớ sự kiện Thảm sát Thiên An Môn: Bắt bớ và thắt chặt an ninh ở Hong Kong