Nghiên cứu: Bắc Kinh tìm cách hạn chế rủi ro và tổn hại danh tiếng trong BRI

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đang học từ những sai lầm của bản thân và tìm cách trở thành một nhà quản lý khủng hoảng quốc tế ngày càng lão luyện.

Một nghiên cứu toàn diện mới cho thấy Trung Quốc đang xem xét lại Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có tuổi đời hàng thập kỷ của mình, một kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu đã đầu tư hàng tỷ USD vào các quốc gia đang phát triển.

Theo AidData, phòng thí nghiệm nghiên cứu tại trường đại học William & Mary, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách "giảm thiểu rủi ro" bằng cách điều chỉnh sáng kiến cho vay trên toàn thế giới để giảm thiểu rủi ro khi các khoản đầu tư không được hoàn trả. Bắc Kinh cũng đang cố gắng hạn chế tổn hại về danh tiếng tại các thị trường đang phát triển này, khi mà một cuộc thăm dò gần đây của Gallup World Poll cho thấy tỷ lệ không tán thành trung bình ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã tăng vọt kể từ năm 2019.

Báo cáo cho thấy chính phủ Trung Quốc đang tìm cách xử lý rủi ro thực hiện dự án và giảm thiểu rủi ro liên quan tới các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Báo cáo cho biết: “Bắc Kinh đã phát động một nỗ lực sâu rộng nhằm giảm thiểu rủi ro cho BRI bằng cách tập trung lại thời gian, tiền bạc và sự chú ý của mình vào những bên đi vay đang gặp khó khăn, các dự án gặp khó khăn và những nguồn phản ứng dữ dội của công chúng ở Nam bán cầu”. Nó đang học từ những sai lầm của bản thân và trở thành một nhà quản lý khủng hoảng quốc tế ngày càng lão luyện.

55% các khoản vay liên quan đến BRI đang trong giai đoạn trả nợ, con số này dự kiến sẽ tăng lên 75% vào năm 2030. Tổng số dư nợ từ những người đi vay ở các quốc gia đang phát triển, không bao gồm lãi suất, lên tới 1,5 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, các khoản thanh toán quá hạn đã tăng vọt trong năm qua.

Một vấn đề đang ngày càng lớn đối với Trung Quốc là 80% danh mục cho vay nước ngoài của nước này được dùng để hỗ trợ các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính. Khi số bên đi vay gặp khủng hoảng khả năng thanh toán tăng lên, các tổ chức cho vay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã áp dụng mức phạt cao hơn đối với các khoản thanh toán chậm, tăng từ 3% lên 8,7%. Sự gia tăng khổng lồ này đã phải nhận nhiều lời chỉ trích kịch liệt, nhưng Trung Quốc đã bảo vệ hành động của mình bằng cách nói rằng họ vẫn duy trì các cuộc thảo luận “tích cực” và “mang tính xây dựng” với những bên tham gia BRI.

Các nhà nghiên cứu lưu ý: “Bắc Kinh đang tìm chỗ đứng của mình như một nhà đòi nợ quốc tế vào thời điểm nhiều bên đi vay lớn nhất của nó thiếu thanh khoản hoặc mất khả năng thanh toán”.

Để đối phó với những lo lắng ngày càng tăng này, Trung Quốc đã cắt giảm đầu tư vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, từ 117 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2013-2017 xuống còn 79 tỷ USD vào năm 2021.

Mặt khác, người đi vay có thể tìm kiếm các khoản vay khẩn cấp và các phương thức trả nợ ngắn hạn để trang trải hoặc đảo nợ cho các khoản nợ đáo hạn. Các bên này “phải lưu ý đến mối nguy hiểm của việc hoán đổi khoản nợ ít đắt đỏ hơn để lấy khoản nợ đắt hơn”.

Nghiên cứu: Bắc Kinh tìm cách hạn chế rủi ro và tổn hại danh tiếng trong BRI
Một phần của tuyến đường sắt đầu tiên nối Trung Quốc với Lào, một phần quan trọng trong dự án 'Vành đai và Con đường' của Bắc Kinh, ở Luang Prabang, Lào, vào ngày 08/02/2020. (Ảnh: Aidan Jones/AFP qua Getty Images)

Phản ứng trước BRI của Mỹ và đồng minh

Trung Quốc tiếp tục là nguồn tài chính phát triển lớn nhất thế giới, vượt xa bất kỳ quốc gia G7 nào hoặc các nhà cho vay đa phương khác. Tuy nhiên, với việc Mỹ và các đối tác lớn của Mỹ đang tìm cách làm xói mòn vị thế cho vay của Trung Quốc trên toàn cầu, điều này đang dần thay đổi khi toàn bộ G7 chi nhiều hơn Trung Quốc 84 tỷ USD vào năm 2021.

Các tác giả nghiên cứu cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách của cộng đồng quốc tế không biết về những thay đổi của Trung Quốc đối với BRI. Báo cáo cho biết thêm, điều này có khả năng tạo ra “nguy cơ cạnh tranh với một phiên bản BRI không còn tồn tại”.

Báo cáo nêu rõ: “Về lâu dài, không rõ liệu Mỹ và các đồng minh có đủ hỏa lực tài chính để cạnh tranh về tiền với Bắc Kinh hay không”. "G7 có lịch sử hứa hẹn quá đà và cung cấp dưới mức những sự tăng ròng trong chi tiêu phát triển quốc tế. Ngược lại, Bắc Kinh có một nguồn sức mạnh tài chính thực sự cho phép nước này tránh đưa ra những lời hứa mà họ không thể giữ: dự trữ ngoại hối đang lớn hơn rất nhiều so với lượng dự trữ ngoại tệ chính thức của ngân hàng trung ương”.

Là một phần trong nỗ lực của chính quyền hiện tại nhằm giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc, Tòa Bạch Ốc đã tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế vì Thịnh vượng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Giới quan sát khẳng định đây là sự kế thừa không chính thức của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những người khác cho rằng IPEF đang cố gắng đưa ra một giải pháp thay thế cho BRI.

“Tái hình dung TPP, tăng cường IPEF, mở rộng USMCA [thay thế NAFTA] hoặc bắt đầu lại mới là tất cả các lựa chọn đáng được xem xét nghiêm túc để đảm bảo rằng Mỹ có thể đưa ra đề xuất kinh tế có ý nghĩa cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như một sự thay thế cho Trung Quốc”, bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI), viết.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang đáp trả chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và những nơi khác.

Ví dụ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm kiếm một vị trí trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Thỏa thuận này chủ yếu được thiết kế bởi Mỹ. Hoặc, ở một ví dụ khác, Trung Quốc đã tìm cách cập nhật các thỏa thuận thương mại với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bằng cách tập trung vào thương mại kỹ thuật số và nền kinh tế xanh.

Tài trợ cho IMF, Ngân hàng Thế giới

Trong những tháng gần đây, các quan chức Tòa Bạch Ốc đã vận động Quốc hội tăng cường tài trợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới và các tổ chức toàn cầu khác nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc vốn đang định hình chính sách tại các tổ chức này.

Xuất hiện trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen giải thích với các nhà lập pháp rằng việc tăng cường năng lực cho vay của Mỹ đối với các nhóm này có thể đóng vai trò “như một đối trọng quan trọng đối với các khoản cho vay không minh bạch, không bền vững từ Trung Quốc”.

Những người chỉ trích từ đảng Cộng hòa đã phản đối những đề xuất này, cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc thuyết phục IMF đứng lên chống lại chính phủ Trung Quốc.

“Nếu quỹ tiếp tục để Bắc Kinh kéo dài các cuộc đàm phán tái cơ cấu với những bên đi vay, sẽ không có nhiều cơ sở để gia tăng thêm nguồn lực cho IMF vào cuối năm nay”, Dân biểu French Hill (Cộng hòa - Arkansas), Phó chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, nói với bà Yellen.

Hơn nữa, khi Mỹ khuyến khích IMF mở rộng quỹ cho vay, các quốc gia thành viên IMF, như Trung Quốc và Brazil, lo ngại rằng lượng cổ phần nắm giữ của họ sẽ không được điều chỉnh phù hợp.

Ngày nay, Mỹ là cổ đông lớn nhất của IMF với 16,5% quyền biểu quyết. Trung Quốc, đóng góp 18% GDP toàn cầu, sở hữu hơn 6% quyền biểu quyết.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Bắc Kinh tìm cách hạn chế rủi ro và tổn hại danh tiếng trong BRI