Nghiên cứu phát hiện ánh sáng đèn điện ban đêm có thể làm gia tăng nguy cơ mất thị lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu mới, không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, ánh sáng chói từ đèn đường, biển hiệu neon và các thiết bị chiếu sáng ngoài trời khác còn có thể làm tăng nguy cơ mất thị lực.

Các nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc đã phát hiện ra rằng tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), đặc trưng bởi tổn thương võng mạc. Bệnh này tiến triển theo thời gian và làm suy giảm thị lực trung tâm, gây khó khăn cho các hoạt động hàng ngày như đọc sách và lái xe.

Bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) có thể dẫn đến mù lòa

AMD là một bệnh về mắt tiến triển, gây tổn thương cho điểm vàng, một vùng nhỏ ở trung tâm võng mạc. Mặc dù có thể gây mù lòa vĩnh viễn, nhưng đối với hầu hết mọi người, AMD chỉ dẫn đến giảm thị lực trung tâm nghiêm trọng. AMD có cả yếu tố nguy cơ di truyền và không di truyền.

Có hai loại AMD:

  • AMD ướt, còn gọi là AMD xuất tiết, do mạch máu bị rò rỉ trong điểm vàng. Bệnh được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng và thuốc, thường gặp nhất sau 55 tuổi.
  • AMD khô dẫn đến mờ mắt trung tâm do các lớp bên trong của điểm vàng dần bị thoái hóa. Hiện tại không có phương pháp điều trị nào để phục hồi tổn thương do AMD khô.

Yếu tố nguy cơ lớn nhất của AMD là tuổi tác. Hút thuốc lá và thiếu chất chống oxy hóa cũng làm tăng nguy cơ. Trong các yếu tố môi trường, tiếp xúc với ánh sáng có thể gây hại cho võng mạc và dây thần kinh thị giác.

Tiến sĩ Khurram Chaudhary, một bác sĩ phẫu thuật võng mạc và giám đốc Dịch vụ Võng mạc tại Stony Brook Medicine, nói với The Epoch Times: "Võng mạc được cấu tạo bởi 'mô rất nhạy cảm'. Nó là lớp lót bên trong của mắt. Vì vậy, bất kỳ tổn thương nào bên ngoài hoặc bên trong đều có thể gây thoái hóa các tế bào đó".

Bác sĩ Chaudhary nói thêm rằng các yếu tố bên ngoài bao gồm ánh sáng và chấn thương mắt, trong khi các yếu tố bên trong bao gồm hút thuốc lá, ăn uống không lành mạnh và bệnh tim mạch.

Ngoài tiếp xúc với ánh sáng, còn có bốn yếu tố nguy cơ chính của AMD:

  • Di truyền hoặc tiền sử gia đình mắc AMD.
  • Người da trắng.
  • Mắt và tóc màu sáng.
  • Hút thuốc lá.

Ánh sáng ngoài trời có thể tăng gấp đôi nguy cơ mắc AMD

Nghiên cứu trước đây đã chứng minh mối liên hệ giữa ánh sáng xanh từ ánh sáng mặt trời với tổn thương võng mạc mạn tính và AMD.

Hiện tại, một nghiên cứu của Hàn Quốc được công bố trên JAMA Network Open cho thấy ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm là một nguy cơ khác cho bệnh tiến triển này.

Dựa trên dữ liệu bảo hiểm quốc gia, các nhà nghiên cứu đã xác định 4.078 người được chẩn đoán mắc AMD ướt từ năm 2010 đến 2011, đồng thời so sánh họ (theo tuổi và giới tính) với 30 người không mắc AMD để làm nhóm đối chứng.

Mức độ tiếp xúc với ánh sáng ngoài trời được ước tính dựa trên dữ liệu vệ tinh từ năm 2008-2009.

Kết quả cho thấy:

  • So với những người sống ở khu vực ít ánh sáng nhất, những người sống trong khu vực có nhiều đèn đường và ánh sáng nhân tạo nhất có nguy cơ mắc AMD cao gấp đôi, ngay cả khi đã tính đến các vấn đề về giấc ngủ và trầm cảm.
  • Tương tự, so với vùng ít ánh sáng nhất, những người sống trong khu vực có nhiều ánh sáng ban đêm hơn một chút có nguy cơ mắc AMD cao hơn 12%.

Tác giả nghiên cứu viết: "Những phát hiện này phù hợp với khối lượng bằng chứng ngày càng tăng nhấn mạnh tác động tiêu cực của OALAN (ánh sáng nhân tạo ngoài trời vào ban đêm) đến sức khỏe, đồng thời cho thấy OALAN có khả năng là một yếu tố nguy cơ đối với AMD [xuất tiết]".

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu tiếp theo nên thu thập thêm thông tin toàn diện về mức độ tiếp xúc, hành vi thích nghi cá nhân và các yếu tố trung gian tiềm ẩn để hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Chuyên gia: Khó đo lường chính xác mối liên quan giữa ánh sáng và nguy cơ AMD

Bác sĩ Chaudhary cho biết ngoài ánh sáng nhân tạo ngoài trời, mọi người còn tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo tại nhà từ các thiết bị như TV, điện thoại thông minh và máy tính.

Điều này khiến việc tính toán dữ liệu trở nên khó khăn, vì nghiên cứu không tính đến sự khác biệt về mức độ tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trong nhà giữa các cá nhân.

Ông nói thêm: "Vì vậy, trước khi kết luận chắc chắn rằng ánh sáng [đường phố ngoài trời] có thể gây bệnh này, cần phải nghiên cứu sâu hơn để xem thực tế họ tiếp xúc với bao nhiêu ánh sáng trong nhà. Tôi cho rằng việc này rất, rất khó".

Theo bác sĩ Chaudhary, nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ cần được tìm hiểu sâu hơn bằng cách phân tích loại ánh sáng, bước sóng và thời gian tiếp xúc để hiểu xem ánh sáng có làm thoái hóa điểm vàng trầm trọng hơn hay không.

Ông lưu ý rằng việc thảo luận về mức độ tiếp xúc với ánh sáng với bệnh nhân là điều nên làm, bao gồm đeo kính râm vào ban ngày, có thể giúp làm chậm tiến triển bệnh mà không gây hại. "Nhưng tôi sẽ không đề nghị mọi người đeo kính râm cả đêm, vì bản thân điều đó cũng gây nguy hiểm”.

Chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc là chìa khóa để ngăn ngừa AMD

Tiến sĩ Chaudhary cho biết, dựa trên nghiên cứu, việc đeo kính râm đầy đủ trong những ngày nắng là điều cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn là phải có chế độ ăn uống lành mạnh và không hút thuốc, ông nói thêm.

Ông nói thêm rằng hai yếu tố này "hoàn toàn bắt buộc" và quan trọng ngang bằng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả những phát hiện của nghiên cứu. Tuy nhiên, ông cho biết phát hiện này chưa đủ để làm thay đổi phương pháp điều trị của ông, nhưng ông sẽ đề cập chúng với bệnh nhân "để họ lưu ý các mối nguy tiềm ẩn”.

Một số chất dinh dưỡng cụ thể như vitamin A, C, E và các khoáng chất kẽm và selen có thể giúp giảm nguy cơ mắc AMD. Tuy nhiên, chỉ có vitamin A đóng vai trò thiết yếu trong các tế bào võng mạc, trong khi vitamin C và E chỉ hoạt động như chất chống oxy hóa bảo vệ.

Theo George Citroner - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

George Citroner viết các bài báo về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Anh đã được trao giải thưởng Media Orthopaedic Reporting Excellence (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu phát hiện ánh sáng đèn điện ban đêm có thể làm gia tăng nguy cơ mất thị lực